Xử lý ô nhiễm sông Nhuệ: Khi ngân sách cùng những cam kết trôi theo dòng nước!
12 năm và “điệp khúc” ô nhiễm ngày càng phức tạp
Bài viết này đề cập tới sông Nhuệ, bởi lẽ lúc đó đã ô nhiễm COD, BOD5 vượt quá tiêu chuẩn từ 3 – 5 lần. UBBVMT sông Nhuệ – Đáy họp mỗi năm một lần tại các địa phương, nội dung có những ý tương đối giống nhau, rằng: ô nhiễm ngày càng phức tạp, nguồn gây ô nhiễm ngày càng tinh vi, khó lường. Các địa phương, Bộ, ngành đã tăng cường hoạt động… Kết quả là sông Nhuệ mỗi năm ô nhiễm trầm trọng hơn.
Tháng 11.2018, đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam (*) chất vấn “Tư lệnh” ngành Tài nguyên và môi trường (TN&MT) về lời hứa sau 5 năm sẽ trả lại “màu xanh” cho sông Nhuệ, Đáy chảy qua Hà Nam có nguồn xả thải từ Hà Nội vốn chưa được khắc phục hiệu quả, vậy Bộ có quyết tâm thực hiện không?. Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời: Việc xử lý ô nhiễm tại các dòng sông liên tỉnh thì phải xử lý tại nguồn, địa phương gây ô nhiễm phải chịu trách nhiệm. Hà Nội là nguồn thải chưa xử lý được nước sinh hoạt, hay nước từ Hoà Bình chảy về Hà Nam. Vẫn theo Bộ trưởng TN&MT, Hà Nội có phương án xử lý môi trường sông Nhuệ, sông Đáy rồi, nhưng cơ chế phối hợp với các địa phương khác có hai con sông này chảy qua không hiệu quả, chưa bố trí được nguồn lực.
Năm 2020, họp tổng kết 12 năm thực hiện Đề án, Bộ TN&MT ghi nhận đã đạt được những kết quả tích cực, nhiều hoạt động triển khai… Nhưng kết quả khảo sát: ô nhiễm sông Nhuệ vẫn ở mức cao. Hội nghị cho rằng trong những năm tới cần quyết sách mạnh mẽ, đột phá và thống nhất quan điểm: Không hy sinh môi trường lấy phát triển kinh tế. Bộ TN&MT cần hoàn thành quy hoạch môi trường, quy hoạch đa dạng sinh học, quy hoạch quan trắc môi trường vào năm 2021. Đó là cơ sở để lập quy hoạch từng lưu vực sông, giúp các địa phương xác định được chỉ tiêu, giải pháp nguồn lực thực hiện.
Chỉ cần 5 năm có thể “giải cứu” các dòng sông?
Từ năm 2018, trả lời chất vấn: “Trách nhiệm của Bộ và các bộ có liên quan tham mưu Chính phủ để trình Quốc hội giải cứu các dòng sông Nhuệ… thực hiện như thế nào?”. Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng: “Đây là lúc chúng ta cần đưa ra giải pháp cụ thể”. Không chỉ thu gom xử lý tập trung mà cần thêm giải pháp phân tán.
Tìm lời giải “tiền ở đâu?”, ông đề xuất sáng kiến huy động nguồn lực nhiều bên với phân tích: “Theo tính toán của tôi, với hơn 1 triệu m3 nước thải của Hà Nội đổ ra hai dòng sông, với cách làm này, với nguồn ODA chúng ta huy động được, hòa vào ngân sách và chúng ta sử dụng ngân sách, thậm chí ngân sách ODA, đó không cần phải đầu tư trực tiếp cho doanh nghiệp, chúng ta sử dụng để bù lại cho doanh nghiệp lãi suất mà họ sẽ vay ngân hàng. Như vậy, doanh nghiệp có thể có nguồn vốn và tiếp cận xử lý. Tôi khẳng định mỗi dòng sông cách làm như vậy, có mô hình đầy đủ, công nghệ, cách thức thu gom, xử lý cho đến các mô hình quản trị, các mô hình ba bên thì 5 năm có thể xử lý được. Hà Nội đang đi theo con đường này và tôi đang theo rất sát để sớm tổng kết mô hình này”. Vậy nhưng đến nay ô nhiễm sông Nhuệ vẫn ở mức báo động. Hà Nội vay hơn 1 tỷ USD để triển khai Dự án thu gom và xử lý nước thải, xây 9 nhà máy xử lý nước thải tại các hồ, cuối nguồn sông Tô Lịch (sau đó đổ vào sông Nhuệ) đã 20 năm rồi vẫn ngập úng, ô nhiễm, nay Bộ TN&MT “theo sát” và có kết luận thì liệu đã quá muộn?!
Bộ TN&MT là đơn vị lập Quy hoạch môi trường, sau 4 năm (2008-2012) mới xây dựng nhiệm vụ và sau 12 năm vẫn chưa lập xong Quy hoạch. Thiếu bản đồ tác chiến nên 12 năm chiến đấu với nạn ô nhiễm sông Nhuệ chưa có chiến lược tổng thể, lộ trình hành động cụ thể nên giải pháp vẫn rất mơ hồ, tạo cơ hội tràn lan các sáng kiến “giải cứu” ô nhiễm sông Tô Lịch (nguồn thải ra sông Nhuệ), như: hóa chất Redoxy 3C hay công nghệ Nano-Bioreactor; rồi bè thủy sinh kết hợp sục khí với thả thiên nga. Nhưng…
Để xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường nước kể trên, từ ngân sách ban đầu hơn 3 ngàn tỷ đồng, sau đó hơn 10 ngàn tỷ đồng. Tới năm 2020, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết đã đầu tư trên 20 ngàn tỷ để thực hiện để giám sát đầu tư các trạm quan trắc môi trường trên địa bàn, như: Hà Nội, Hà Nam, Hòa Bình để xử lý nạo vét, cũng như trồng lại rừng đầu nguồn…(**). Ngân sách lớn dùng để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường phức tạp thiết nghĩ cần phải tường minh, bởi lẽ 12 cuộc họp Ủy Ban đã công bố xây dựng Hệ thống quan trắc và phân tích môi trường nước từ Trung ương đến địa phương, tuy vậy tra cứu trên mạng thì cho ra kết quả còn khá sơ sài, lạc hậu ít có giá trị thực tế.
Cũng cần kể thêm Hà Nội đã đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng để xây dựng 9 nhà máy xử lý nước thải tổng công suất > 620 m3/ngày đêm, chưa kể chi phí vận hành và đầu tư mạng lưới truyền dẫn. Chi phí lớn như vậy nhưng nước sông Tô và các hồ Hà Nội không sạch được như mong đợi. Có lẽ, Bộ TN&MT cần kết luận rõ để Hà Nội và các địa phương tìm hướng phù hợp.
Nước thải, nước mưa là của cải hay “của nợ”?
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết các cơ quan quản lý đã đánh giá và nhận diện được các nguồn thải trên lưu vực sông. Bài toán đặt ra là kiểm soát nước thải để xử lý. Hà Nam cũng đầu tư 3 trạm xử lý nước thải. Trước mắt là điều tiết trạm bơm, trong đó có việc đưa nước thải pha loãng ra sông Hồng cũng như hút nước sông Hồng pha loãng đối với đoạn ô nhiễm ở Hà Nam.
Theo cách vận hành này, nước thải thực sự là “của nợ”. Vay hàng chục ngàn tỷ xây nhà máy xử lý, sau đó lại phải bơm tài nguyên nước sạch sông Hồng, pha loãng rồi đẩy “của nợ” từ đầu nguồn xuống các địa phương cuối nguồn. Cách tiếp cận này rất lạc hậu, manh mún và lãng phí. Nhiều nước trên thế giới từ lâu đã tiếp cận nước “tuần hoàn/một hệ thống”. Đó là từ nguồn nước sạch (nước ngầm, nước mưa) cung cấp cho sản xuất công nông nghiệp và sinh hoạt, sau đó thu gom xử lý và tái sử dụng. Trong quá trình xử lý nước thải họ giữ lại các chất thải sử dụng lại một cách hữu dụng, kể cả nhiệt lượng tái tạo, nước thải do vậy thực sự là “của cải”.
Thành phố Hà Nội cần sáng tạo để tìm nguồn lực mới, hấp dẫn đầu tư xã hội làm thành phố trở nên thịnh vượng, an toàn hơn. Sông Nhuệ muốn là nhịp cầu hạnh phúc thì cần sạch từ đầu nguồn Cống Chèm đến cuối dòng Thái Lai (62Km). Thực nghiệm 5 km đầu nguồn từ Cống Chèm tới Phú Diễn), đồng thời triển khai mô hình công ty quản lý nước lưu vực đầu nguồn (rộng 2.300 Ha). Công ty cung cấp nước sạch cho sinh hoạt, giải trí, tưới cây, rửa đường, thể thao…Có thể thu gom xử lý nước thải từng tòa nhà, khu đô thị đến từng hộ dân cư sản xuất – tất cả hạch toán lấy thu bù chi và cấp nước sạch tiếp cho sông Nhuệ, sông Tô Lịch và cả Hồ Tây. Chỉ có rõ lợi ích thì sẽ có nhà đầu tư, phần còn lại sử dụng công nghệ nào, giám sát chất lượng nước sạch, nước thải ra sao (chuyển nước đi hay giữ lại trong các không gian lưu trữ)…
Công ty quản lý nước chắc hẳn làm tốt hơn những chi cục môi trường chưa hiệu quả, những mô hình liên ngành liên phương lỏng lẻo. Hy vọng rằng mô hình hoạt động hiệu quả sẽ giúp ngành quản lý môi trường rút ra bài học để “tiến hóa”.
(*) http://baochinhphu.vn/Utilities/PrintView.aspx?distributionid=350689
(**) https://baotainguyenmoitruong.vn/phai-kiem-soat-chat-nuoc-thai-sinh-hoat-ra-luu-vuc-song-nhue-day-315480.html
KTS Trần Huy Ánh – Ủy viên thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội/Người đô thị