Hiểu và nhận thức về tính bản địa trong kiến trúc
(KTVN 233) – Kiến trúc hiện đại thế kỷ XX để lại quá nhiều điều phải suy ngẫm để tìm hướng đi mới. Kiến trúc đầu thế kỷ XXI đang chuyển mình mạnh mẽ theo phương châm “Quốc tế hóa kiến trúc bản địa và bản địa hóa kiến trúc quốc tế” được khẳng định tại Đại hội UIA (Bắc Kinh, 1999). Trước thời đại 4.0, thế giới lại quay về khám phá những kiến trúc mang đậm dấu ấn của tính bản địa/bản sắc địa phương, khẳng định vai trò của xu thế bản địa hóa. Ở Việt Nam, sau hơn 30 năm đổi mới, nhiều vấn đề nảy sinh đang tác động đến mọi mặt văn hóa – xã hội và ảnh hưởng trực tiếp đến kiến trúc – nếu không được nhận thức đúng đắn thì càng phát triển sẽ càng đánh mất bản sắc. văn hóa. Để giữ được bản sắc thì phải làm rõ các khía cạnh tạo nên tính bản địa nhằm góp phần định hướng phát triển của kiến trúc đương đại Việt Nam.
Hiểu và nhận thức về tính bản địa
Theo từ điển Hán Việt thì “Bản địa” được ghép từ “Bản” (gốc/nguồn cội/vốn có) và “Địa” (đất), bản địa nghĩa là: vốn có tại chỗ/có nguồn gốc tại địa phương. Trong tiếng Anh có nhiều từ khác nhau với nghĩa tương tự/liên quan đến “bản địa” (tùy theo ngữ cảnh), nhưng không có từ nào mang nghĩa trực tiếp là “tính bản địa”. Điều đó làm khó cho công tác lý luận phê bình và dịch thuật, khiến chúng ta bị dẫn dắt bởi cách nhìn của phương Tây khi mượn cách viết của họ mà gọi văn hóa Việt/kiến trúc Việt là “bản địa” ngay trên đất nước mình.
Về mặt ngôn ngữ, có lẽ không thể thay được từ “bản địa” đã trở thành phổ biến và quen dùng trong tiếng Việt – nhưng cần thiết phải làm rõ ý nghĩa của nó để sử dụng cho phù hợp.
Bản địa là bản sắc địa phương; và tính bản địa là tính chất (vốn có ở) địa phương; là bản sắc (văn hóa) địa phương (Local Identities). Như vậy, “tính bản địa” là đặc điểm/tính chất phổ biến của một loại sự vật/hiện tượng, phản ánh mối quan hệ phụ thuộc của đối tượng vào môi trường bao chứa nó. “Tính bản địa” trong kiến trúc biểu hiện mối quan hệ hữu cơ giữa thiên nhiên, kiến trúc và con người trong phạm vi một địa phương, xem như một thuộc tính của kiến trúc trên cơ sở sự phối hợp và thống nhất các yếu tố bản địa.
Yếu tố bản địa ở đây là các yếu tố có vai trò nguồn gốc, vốn hiện diện tại chỗ trong một phạm vi địa lý và không gian văn hóa xác định – đó là các điều kiện tự nhiên (khí hậu, địa hình, cảnh quan…) của một địa phương và ngữ cảnh văn hóa – xã hội của cộng đồng dân cư sinh sống tại địa phương đó.
Cách hiểu này là nội hàm, còn các biểu hiện cụ thể là ngoại diện của vấn đề “tính bản địa trong kiến trúc”.
Cấu trúc của vấn đề tính bản địa trong kiến trúc
Nội hàm là cái hàm chứa bên trong, quan điểm nhận thức về “bản địa” và “tính bản địa” trong kiến trúc.
Tính bản địa là thuộc tính/tính chất cố hữu, cơ bản (thuộc về bản chất/định tính), thường trực (phổ biến), khách quan; có nguồn gốc từ các yếu tố đặc trưng của địa phương (yếu tố bản địa nguồn); hệ quả sự tác động/chi phối của các môi trường tự nhiên và văn hóa-xã hội đặc thù (và thống nhất với nhau trong phạm vi của cộng đồng và địa phương) đến môi trường kiến trúc tại đó.
Các yếu tố nguồn gốc không tác động trực tiếp đến tính bản địa trong kiến trúc, thông qua ý chí và hành động của con người. Tính bản địa là tinh thần bản địa được tích hợp từ các yếu tố tinh thần của con người (cộng đồng/dân tộc), địa điểm, chức năng/hoạt động, hình thể và thời gian. Tính bản địa không phải là cái bất biến của quá khứ, mà phát triển cùng với thời gian, tiếp nối tinh thần của truyền thống và thích ứng với tinh thần của thời đại.
Ngoại diện là mặt ngoài, vẻ ngoài, cái biểu hiện ra bên ngoài (tiếng Anh: Appearance/External/Outward show).
“Ngoại diện” khác với “ngoại diên” – là phạm trù triết học, cùng cặp và đối lập với “nội hàm”, tập hợp toàn bộ các đối tượng có đặc điểm/tính chất được nêu trong nội hàm. Với “tính bản địa trong kiến trúc” thì ngoại diên là tất cả các công trình có tính bản địa (tức là kiến trúc bản địa nói chung), còn ngoại diện là những yếu tố kiến trúc cụ thể biểu hiện tính bản địa một cách trực tiếp và chi tiết.
Ngoại diện là sự phản ánh nội hàm trong cả nội dung (cấu trúc, không gian, hoạt động,…) và hình thức (hình khối, tỷ lệ, vật liệu, màu sắc,…). Tinh thần bản địa/bản sắc địa phương (định tính) được biểu hiện thông qua các yếu tố vật chất bản địa (vật liệu địa phương, kết cấu/cấu tạo và chi tiết đặc thù, dạng thức/kiểu cách và hình ảnh đặc trưng), có tính cụ thể/hiện thực (Corporeal), có đặc trưng rõ ràng (Specific) và nhìn thấy được (Visible) – đóng vai trò định hình trước khi chuyển sang định lượng cụ thể trong mỗi công trình kiến trúc.
Cấu trúc biểu hiện của tính bản địa
Các yếu tố nguồn gốc/nhân tố bản địa nguồn: môi trường sinh thái tự nhiên (địa hình, khí hậu, cảnh quan) và môi trường sinh thái nhân văn (do con người tạo ra). Theo thời gian, môi trường sinh thái nhân văn được tích lũy ngày càng lớn mạnh, có vai trò ngày càng quan trọng (trực diện với con người), có xu hướng phân lập thành nhiều hệ thống đan xen và chồng lấn lên nhau (văn hóa, xã hội, kinh tế, kỹ thuật, pháp lý, thông tin,…).
Từ góc độ phát triển bền vững có thể nhận thấy vai trò xuyên suốt của các môi trường văn hóa – xã hội và kinh tế – kỹ thuật. Trong quá khứ (khi các cộng đồng phát triển tự nhiên và khu biệt hóa về địa bàn), tại những địa phương có điều kiện tự nhiên tương tự nhau – thì văn hóa là yếu tố quyết định sự lựa chọn của con người (A.Rappaport). Từ góc độ văn hóa: Tâm thức định hướng văn hóa ứng xử, văn hóa tổ chức (cấu trúc không gian phù hợp), văn hóa sinh hoạt (phương thức hoạt động/sản xuất/cư trú). Bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay có thể đang tạo ra sự thay đổi căn bản/từ gốc rễ của vấn đề.
Các yếu tố bản địa nền: là hệ quả trực tiếp từ các nhân tố bản địa nguồn – là các mô thức/kiểu mẫu kiến trúc (đã ổn định/lâu đời), biểu hiện kinh nghiệm ứng xử với môi trường tự nhiên (chung sống với tự nhiên, thích ứng với khí hậu), kinh nghiệm ứng xử với môi trường xã hội (quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng), kinh nghiệm xây dựng truyền thống (cách sử dụng vật liệu, xử lý kết cấu và cấu tạo)…
Các yếu tố ảnh hưởng (có tính điều kiện/tác động trong từng giai đoạn) đến biểu hiện của tính bản địa: yếu tố kỹ thuật (công nghệ, vật liệu và kết cấu) xác định kiểu truyền thống/kiểu mới/kiểu thích hợp; yếu tố kinh tế (phương thức sản xuất và giá thành, sinh kế/thu nhập và khả năng chi trả/đầu tư) lựa chọn giải pháp; yếu tố xã hội (con người mới có nhu cầu mới); yếu tố thời đại (xu thế phát triển/tiếp biến văn hóa/toàn cầu hóa/hòa nhập mà không bị hòa tan,…)
Các khía cạnh biểu hiện của tính bản địa trong kiến trúc (trên cả 2 phương diện nội dung và hình thức): xem xét các thành phần kiến trúc chịu tác động bởi các nhân tố bản địa nguồn, đặt trong mối quan hệ với các yếu tố của môi cảnh bản địa (môi trường tự nhiên, văn hóa – xã hội, kinh tế – kỹ thuật của địa phương). Quan hệ giữa kiến trúc với các nhân tố bản địa (mức độ từ trực tiếp đến gián tiếp): Thích ứng (với sinh thái tự nhiên) – Tiếp nối (sinh thái nhân văn, gồm cả văn hóa – xã hội, kinh tế – kỹ thuật) – Hòa nhập (với môi cảnh) – Liên hệ (với yếu tố bản địa gốc/nền) – Tích hợp (các giá trị văn hóa/tinh thần bản địa).
Tập hợp các yếu tố kiến trúc thể hiện đặc trưng tinh thần bản địa tạo thành hệ thống các dấu hiệu/tiêu chí để nhận diện tính bản địa. Khai thác các ký hiệu kiến trúc như mã bản địa làm thành ngôn ngữ kiến trúc có tính bản địa (là công cụ truyền đạt tinh thần bản địa/phản ánh cái bản địa và tư duy bản địa hóa trong thiết kế).
Phương thức biểu hiện tính bản địa
Kiểu (1) Nội dung bản địa + Hình thức bản địa là phương thức theo logic thông thường (Hình thức phản ánh nội dung). Vấn đề là: khía cạnh nội dung bản địa trong thời hiện đại thường bị lai tạp/biến dạng (do tâm lý hướng ngoại, du nhập cái mới/hiện đại), hình thức bản địa nguyên gốc không phù hợp thì hình thức bản địa mới sẽ thế nào? Nếu chỉ là mô phỏng/sao chép/nhại cổ thì sẽ phiến diện vì không có nội dung bản địa tương ứng, không đúng bản chất.
Kiểu (2) Tinh thần bản địa + Vật chất bản địa sẽ là phương thức phù hợp; cho phép có được sự biểu hiện phong phú và ở nhiều mức độ: yếu tố Tinh thần bản địa được cụ thể hóa bằng phương tiện vật chất (hiện thực hóa/vật chất hóa và có khả năng hiện đại hóa), đồng thời bản thân yếu tố vật chất bản địa cũng tạo nên sự liên hệ nhất định về mặt cảm nhận và thị giác.
Kết hợp (1) + (2) theo phương pháp luận kiến (Kiến trúc là cấu trúc vật chất biểu hiện nội dung tinh thần; Kiến tạo kiến trúc là việc kết hợp vật liệu, kết cấu, hình thể phù hợp với không gian/nội dung hoạt động và hình thức/mục đích biểu đạt). Biểu hiện tính bản địa thông qua nội dung tinh thần bản địa và hình thức vật chất bản địa.
Nội dung tinh thần bản địa
Tinh thần bản địa gốc: là những khía cạnh tương đối ổn định. Cái bản địa gốc/đã có thì duy trì và phát huy; cái bản sắc/truyền thống thì bảo lưu và tiếp nối.
+ Tinh thần chung của những con người (cộng đồng/dân tộc);
+ Tinh thần chung của các địa điểm (vùng miền/địa phương);
+ Tinh thần của các chức năng/hoạt động truyền thống.
Tinh thần bản địa mới: Cái đã có (nội sinh) sẽ được tiếp nối/phát triển như thế nào? Cái mới (do ngoại sinh/phái sinh) sẽ được chọn lọc và tiếp nhận như thế nào?
+ Tinh thần/xu hướng của thời đại mới;
+ Nhu cầu mới (nâng cấp) của con người/của xã hội;
+ Tinh thần của chức năng/của hoạt động theo nhu cầu mới;
+ Tinh thần của hình thể (quan niệm thẩm mỹ mới).
Hình thức vật chất bản địa
Chuyển hóa từ nội hàm/khái niệm trừu tượng thành hình ảnh/cấu trúc cụ thể. Theo Ch.Norberg-Schulz, các khía cạnh biểu hiện hồn nơi chốn/bản sắc địa điểm trong kiến trúc gồm Visualization (Hiển thị hóa), Symbolization (Biểu trưng hóa), Complementation (Bổ sung/bổ khuyết).
Khi hiểu bản địa là bản sắc địa phương (“địa phương” có phạm vi rộng, bao trùm “địa điểm”/“nơi chốn”) thì phương thức chuyển hóa bản sắc địa phương vào kiến trúc là Hiển thị hóa các yếu tố đặc trưng của địa phương, Biểu trưng hóa cảm nhận về tinh thần bản địa và Bổ sung các yếu tố phù hợp với môi cảnh cụ thể của địa điểm.
Các khía cạnh hình thức bản địa đã biết (của kiến trúc dân gian/truyền thống) là đặc trưng hình ảnh – được ký hiệu hóa/mã hóa thành các mã lịch sử/mã văn hóa (để so sánh/liên hệ trực tiếp). Các khía canh vật chất bản địa sẵn có (vật liệu, kết cấu và kỹ thuật, trình độ tay nghề địa phương) là đặc trưng kiến tạo – được ký hiệu hóa/mã hóa thành các mã liên tưởng (để liên hệ gián tiếp).
Sử dụng công nghệ và vật liệu thích hợp (Appropriated = thích ứng và phù hợp với con người, với điều kiện tự nhiên và văn hóa – xã hội địa phương) để thực hiện ký hiệu, từ đó truyền tải thông điệp về mối liên hệ với các yếu tố bản địa nguồn/nền (ám thị – thông qua hình thức ký hiệu và nội dung/ý nghĩa ký hiệu).
Khi thay đổi một phần trong số các yếu tố định hình của ký hiệu kiến trúc (hình dạng và kích thước, vị trí và chiều hướng, chất liệu và màu sắc) sẽ tạo nên ký hiệu mới (mang tính thời đại) nhưng vẫn giữ được sự liên hệ với hình thức gốc (ký hiệu/mã bản địa) – mở ra khả năng đa dạng hóa biểu hiện của tính bản địa.
Kết luận
Cách hiểu mới và biện chứng trên đây về nội hàm và ngoại diện của vấn đề bản địa trong kiến trúc là tiền đề để xây dựng được hệ tiêu chí nhận diện các biểu hiện của tính bản địa, góp phần định hướng các dòng chảy “bản địa hóa” và “quốc tế hóa” (theo inh thần của UIA) tới chỗ gặp được nhau và hội tụ thành những công trình kiến trúc tiên tiến và mang đậm bản sắc Việt Nam./.
ThS.KTS Trần Mạnh Cường – Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội