UBND tỉnh Tây Ninh kiểm tra việc thu hồi, bồi thường giải phóng mặt bằng Dự án đường Đất Sét – Bến Củi
Sau khi báo chí phản ánh về việc quyền lợi của người dân trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng chưa được giải quyết thỏa đáng, mới đây tỉnh Tây Ninh đã thành lập Tổ kiểm tra và hỗ trợ việc thu hồi, bồi thường đất DA đường Đất Sét – Bến Củi.
Cụ thể, ngày 23/4/2021, ông Trần Văn Chiến – Phó chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh đã ký Quyết định về việc thành lập Tổ kiểm tra và hỗ trợ việc thu hồi, bồi thường đất dự án (DA) đường Đất Sét – Bến Củi. Theo đó, thời gian làm việc của Tổ kiểm tra là 30 ngày, Tổ kiểm tra có nhiệm vụ kiểm tra, hỗ trợ và hướng dẫn về mặt pháp lý, trình tự, thủ tục thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng thực hiện DA đường Đất Sét – Bến Củi do UBND huyện Dương Minh Châu thực hiện. Kết thúc kiểm tra, Tổ kiểm tra báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh Tây Ninh theo quy định.
Thông báo một đằng đền bù một nẻo?
Sau khi Diễn đàn Doanh nghiệp đăng tải loạt bài về những dấu hiệu sai phạm tại DA đường Đất Sét – Bến Củi, người dân tiếp tục cung cấp hồ sơ thể hiện những bất cập trong việc thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng của dự án này.
Theo hồ sơ người dân cung cấp, một số hộ dân khi nhận được Thông báo thu hồi đất, diện tích đất dự kiến thu hồi là đất ở nông thôn. Tuy nhiên, khi nhận được Quyết định về việc thu hồi đất thực hiện DA đường Đất Sét – Bến Củi thì lại ghi “thu hồi ngoài Giấy CNQSDĐ”. Cụ thể, hộ bà Trần Thị Thanh Xuân, theo Thông Báo Thu Hồi Đất của UBND huyện Dương Minh Châu thì “Diện tích đất dự kiến thu hồi của bà Xuân là 100,4 m2 thửa đất số 183, tờ bản đồ số 15 tại xã Lộc Ninh, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh, loại đất đang sử dụng: Đất ở nông thôn. Còn theo Quyết định thu hồi đất thực hiện dự án đường Đất Sét – Bến Củi lại ghi “Thu hồi ngoài Giấy CNQSDĐ: Diện tích 100,4m2”.
Đáng nói hơn, cũng tại Quyết định thu hồi đất lại thể hiện hai nội dung mâu thuẫn nhau như: Lúc thì “Thu hồi diện tích đất 100,4m2 đất của ông (bà) Trần Thị Thanh Xuân, Mai Quốc Bình… một phần thửa đất số 183, tờ bản đồ số 15…”, Lúc thì “Thu hồi ngoài Giấy CNQSDĐ: Diện tích 100,4m2”. Như vậy, có thể thấy cũng tại một Quyết định thu hồi đất nhưng không thể nào xác định được là phần đất bị thu hồi có thuộc quyền sở hữu, hay không thuộc quyền sở hữu của gia đình bà Xuân?
Do nội dung của Thông báo thu hồi đất “Bất nhất” với Quyết định thu hồi đất khiến người dân “dở khóc dở cười”. Trong khi đó, nếu đền bù theo Thông báo thu hồi đất thì các hộ dân này được nhận mức bồi thường là đất ở nông thôn với mức giá là 2.964.000 đồng/m2 thì nay chỉ được đền bù, hỗ trợ với giá 360.000 đồng/m2.
Trái nguyên tắc bồi thường của Luật Đất đai
Liên quan đến những dấu hiệu tùy tiện của Chủ tịch UBND huyện Dương Minh Châu và Giám đốc trung tâm phát triển quỹ đất trong việc thực hiện đền bù cho dân, đã được Diễn đàn Doanh nghiệp đăng tải bài: “Tây Ninh: Có hay không việc lãnh đạo huyện thích thì cho thêm tiền đền bù?”, PV đã có buổi trao đổi với Luật sư Trần Minh Hùng (Văn phòng Luật sư Gia Đình, thuộc Đoàn Luật sư TP. HCM).
Theo luật sư Trần Minh Hùng: “Căn cứ quy định tại Khoản 2 Điều 74 Luật đất đai 2013, việc bồi thường được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do UBND cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất. Đồng thời, việc bồi thường phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, kịp thời và đúng quy định của pháp luật. Vì vậy, việc tự ý cho thêm tiền đền bù người dân là trái nguyên tắc bồi thường của pháp luật đất đai”.
Cũng theo luật sư Hùng, nếu xác định có căn cứ, Chủ tịch UBND và Giám đốc trung tâm quỹ đất huyện Dương Minh Châu đã vi phạm tại Điều 207 Luật Đất Đai 2013, cụ thể vi phạm quy định về thực hiện bồi thường không đúng mức bồi thường cho người có đất bị trưng dụng. Theo đó, người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai khi thi hành công vụ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm.
Bên cạnh đó, về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm do Ban Chấp hành Trung ương ban hành theo quy định tại Điều 21 Quy định 102-QĐ/TW năm 2017: trường hợp Chủ tịch UBND và Giám đốc trung tâm phát triển quỹ đất nếu có sai phạm trong việc bồi thường đất cho người dân thì tùy vào mức độ có thể bị xử lý bằng hình thức khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Nhất Tâm – Thanh Vượng/Thế giới ảnh