Vì sao ngày càng nhiều người chọn thuê nhà thay vì mua nhà?
Trong bối cảnh giá nhà đất ngày càng leo thang, thì người trẻ lại có xu hướng lựa chọn thuê nhà dài hạn thay vì mua nhà. Theo quan điểm của nhiều người, thuê nhà không chỉ tiết kiệm được khoản tiền rất lớn mà còn có thể lựa chọn được nơi sinh sống phù hợp với nhu cầu.
Giá bất động sản leo thang chóng mặt theo năm
Thị trường bất động sản trong 2 năm trở lại chứng kiến sự gia tăng chóng mặt về giá bán. Theo khảo sát, riêng tại TPHCM, không chỉ phân khúc đất nền, nhà phố mà kể cả căn hộ cũng có mức giá leo thang theo cấp số nhân. Hiện mức giá đất nền đã dao động từ 50 triệu đồng/m2 đối với khu vực vùng ven như các quận 12, quận 9, quận Thủ Đức. Còn đối với các quận trung tâm thì mức giá sẽ cao gấp 2-4 lần.
Về phân khúc căn hộ, trước đây mức giá chỉ dao động từ 1,5 tỷ-3 tỷ đồng/căn có diện tích từ 55-75m2. Tuy nhiên, hiện nay ghi nhận ở các dự án mới mở bán mức giá đã từ 40 triệu đồng/m2, trung bình một căn hộ tầm trung có giá trên 2,5 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam chia sẻ, chỉ trong thời gian ngắn, mặt bằng mới về giá căn hộ tại TPHCM đã được thiết lập. Phân khúc bình dẫn đã biến thành phân khúc trung cấp, dự án trung cấp biến thành cao cấp.
Khảo sát của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cũng cho thấy, tại TPHCM, phân khúc nhà ở giá rẻ đã biến mất, còn tại Hà Nội, tỷ trọng này chỉ chiếm 10%. Chỉ tính riêng trong quý 3/2020, giá căn hộ tại TPHCM tăng mạnh từ 15 – 20% so với quý 3/2019. Ở phân khúc trung cấp, giá bán quý 3/2020 tăng 1,43 lần so với quý 4/2018.
Một khảo sát về thị trường Hà Nội của Savills Việt Nam cho biết, trung bình giá trên thị trường sơ cấp ở Hà Nội tăng 5% mỗi năm. Mức giá ghi nhận cho một số dự án chào bán trong năm 2020 tại vùng ven Hà Nội lên tới 50-60 triệu đồng/m2.
Còn theo kháo sát của đơn vị nghiên cứu thị trường JLL Vietnam, trong quý 1/2021 giá bán sơ cấp trung bình đạt 2.468 USD/m2, ổn định theo quý và tăng 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý trong quý này là sự kiện tiền mở bán dự án Grand Marina của tập đoàn Masterise với mức giá dự kiến lên đến 16.000 USD/m2. Đây là mức giá bán cao nhất trên thị trường từ trước tới nay.
“Thay vì bỏ tiền tỷ mua nhà, tôi để dành tiền đó đi thuê và hưởng thụ”
Đó là quan điểm của một cặp vợ chồng trẻ sau nhiều tháng chật vật tìm mua nhà ở vùng ven Sài Gòn. Theo cặp vợ chồng này, hiện mức giá nhà đất đã quá cao, trong khi đó tiền lương và các khoản thu nhập khác chỉ tăng lên rất ít qua từng năm. Nếu một người muốn mua nhà trị giá 3 tỷ ở TPHCM thì đồng nghĩa họ phải có thu nhập trên 50 triệu đồng, hoặc phải gồng gánh đi vay và trả nợ theo hình thức dài hạn 15-20 năm.
“Hiện nếu tôi đi thuê nhà chỉ 3-4 triệu đồng/tháng, 1 năm mới hết tầm 40 triệu, thì khoảng 50 năm mới hết số tiền để mua nhà. Trong khi đó, nếu bỏ ra 2,5 tỷ để mua chung cư thì cũng sẽ xuống cấp theo thời gian, càng để lâu càng mất giá. Vậy tại sao tôi không chọn đi thuê, vừa có thể ở thoải mái, gần chỗ làm, hoặc nếu không phù hợp tôi có thể chuyển đến chỗ mới thay vì phải gồng gánh nợ nần suốt 20 năm chỉ vì mục đích có nhà”, chị H. cho biết.
Hơn nữa, theo quan điểm của nhiều người, hiện nay với chất lượng xây dựng công trình còn kém, thì việc xuống cấp của chung cư là rất nhanh, người mua nhà sẽ phải sửa chữa lại rất nhiều nếu thực sự chọn làm nơi ở lâu dài. Việc này có phải quá tốn kém và mất công hơn nhiều so với việc thuê nhà?
Trong khi đó, người thuê nhà không phải lo lắng quá nhiều về chi phí sửa chữa. Hiện nay, hầu hết hợp đồng thuê nhà đều quy định người thuê nhà không phải chịu phí bảo trì, sửa chữa. Việc đi thuê nhà, vừa kinh tế hơn, chủ động hơn, vừa giải quyết rất tốt cho những người có nhu cầu về nhà ở. Mặt khác, theo ghi nhận thời gian qua tình trạng lùm xùm, tranh chấp ở các chung cư xảy ra triền miên. Đa phần những bức xúc là người chủ của căn hộ gánh chịu, còn người thuê nhà họ chỉ cần hàng tháng trả tiền phòng và có thể “ăn ngon ngủ ngon”.
Chị Lê Thị Ánh, một công nhân viên chức làm việc cho một công ty có trụ sở tại quận 1, TPHCM. Mặc dù thu nhập của chị Ánh khá cao, trên 30 triệu đồng mỗi tháng. Bằng việc tiết kiệm thì hàng tháng chị Ánh có thể dư ra khoảng 20 triệu đồng. Tuy nhiên, để mua một căn hộ chung cư tại Quận 12, hoặc quận Thủ Đức để ở nhưng nghĩ tới cảnh hằng ngày phải di chuyển quãng đường dài hơn 15km mới vào trung tâm thành phố để làm việc hơn 1 tiếng đồng hồ khiến chị mệt mỏi. Do đó, chị Ánh quyết định thuê một căn phòng nhỏ quận Bình Thạnh với giá 3 triệu đồng/tháng để vừa tiện di chuyển, vừa đỡ gồng gánh khoản tiền vay mua nhà.
“Tôi cũng dự tính sau này khi có gia đình thì sẽ tìm căn hộ khác rộng rãi hơn để thuê chứ không tính đến chuyện mua nhà. Dĩ nhiên ai cũng muốn có 1 căn nhà để sở hữu, nhưng giá nhà quá cao như vậy, nếu mua tôi phải vay rất nhiều và như vậy là phải dành cả hơn 10 năm để trả nợ. Tới lúc trả xong thì cũng già mất rồi”, chị Ánh nói.
Tương tự, chị Lê Minh Ngọc, hiện sở hữu một căn hộ giá thị trường 7 tỷ tại quận 2, TPHCM cũng cho biết chị dự tính bán căn hộ này đi và đi thuê nhà để ở. Theo chị Ngọc, với số tiền 7 tỷ, nếu gửi ngân hàng thì mỗi tháng chị có thể dư ra hơn 40 triệu đồng. Với số tiền này, chị Ngọc hoàn toàn có thể thuê 1 căn nhà đẹp và đủ tiền chi trả cuộc sống hàng tháng, mà vẫn dư được số tiền để dành. Hoặc giả sử chị Ngọc không gửi ngân hàng, thì số tiền đó có thể đầu tư để “tiền đẻ ra tiền” theo năm thay vì chôn chặt vào căn hộ của mình hiện tại.
Mua hay thuê nhà là quan điểm cá nhân của mỗi người, theo các chuyên gia, giải pháp của hai việc này phụ thuộc vào tài chính, sở thích của mỗi người. Ai cũng mong muốn sở hữu lâu dài một chốn an cư, tuy nhiên, hiện nay khá nhiều người trẻ vấn đề này còn phụ thuộc vào tài chính cá nhân nên thuê nhà được xem là giải pháp tạm thời khi khả năng sở hữu nhà của họ chưa đủ.
Bảo Anh/Nhịp sống kinh tế