27/04/2021

Hà Nội: Công khai quy hoạch để ngăn chặn “cơn sốt” đất

Trước những thông tin một số huyện của thành phố Hà Nội sắp được lên quận, thời gian gần đây, cơn sốt đất ở các vùng ven ngoại thành được đẩy lên cao. Nhằm ngăn chặn tình trạng này, cơ quan chức năng đã nhanh chóng có những động thái tích cực vào cuộc để kiểm soát.

Văn phòng giao dịch bất động sản mọc lên khắp nơi, kể cả trên tuyến đường đê tại huyện Đông Anh, Hà Nội. (Ảnh minh họa: TN)

Văn phòng giao dịch bất động sản mọc lên khắp nơi, kể cả trên tuyến đường đê tại huyện Đông Anh, Hà Nội. (Ảnh minh họa: TN)

Ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn nhằm đẩy giá bất động sản

Mới đây, UBND TP Hà Nội đã có văn bản 1153 về tăng cường công tác quản lý thị trường bất động sản trên địa bàn TP.

Theo đó, UBND TP Hà Nội giao Sở Quy hoạch- Kiến trúc chủ trì, phối hợp các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông, Nội vụ và chính quyền địa phương trong việc công bố công khai thông tin về quy hoạch, tiến độ triển khai các dự án phát triển hạ tầng, các dự án bất động sản, việc sáp nhập, thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính… tại địa phương để minh bạch thông tin, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn nhằm đẩy giá bất động sản để trục lợi bất hợp pháp.

UBND TP Hà Nội cũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính khẩn trương thực hiện quản lý, kiểm soát việc tăng giá đất nhằm bảo đảm phù hợp điều kiện thực tế của các khu vực trên địa bàn, tránh ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản.

Cùng với đó, tiến hành kiểm tra, rà soát các dự án bất động sản đã có quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư, đặc biệt là các dự án bất động sản nhà ở cao cấp để xử lý theo hướng kiên quyết thu hồi đối với các dự án không triển khai, để đất hoang hóa hoặc chậm triển khai…

“Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội tăng cường thanh tra, giám sát hoạt động cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh bất động sản; xử lý nghiêm hành vi vi phạm trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng; theo dõi chặt chẽ tình hình, tiếp tục điều hành các giải pháp chính sách tiền tệ linh hoạt, kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản” – Công văn của UBND thành phố Hà Nội nêu rõ.

Không để xảy ra tình trạng “bong bóng” bất động sản

Cũng tại công văn nêu trên, UBND TP Hà Nội giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng kiểm tra, rà soát các dự án bất động sản đã có quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư. Sở Xây dựng tổ chức kịp thời, nghiêm túc các quy định của pháp luật liên quan đến thị trường bất động sản.

Đồng thời, theo dõi, nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến thị trường, các sàn giao dịch bất động sản và thực hiện các biện pháp xử lý, kịp thời bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng sốt giá, bong bóng bất động sản trên địa bàn.

“UBND các quận, huyện, thị xã có giải pháp ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu tư theo tâm lý đám đông… gây bất ổn cho thị trường, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự xã hội địa phương và đời sống người dân” – UBND TP Hà Nội yêu cầu.

Xử lý nghiêm các trường hợp môi giới, mua bán bất động sản, dự án bất động sản, quyền sử dụng đất, buông lỏng quản lý… vi phạm về đất đai, về kinh doanh bất động sản và pháp luật có liên quan.

Thị trường được minh bạch sẽ không tạo ra những cơn sốt đất

Nói về vấn đề này, ông Trần Ngọc Minh – Trưởng phòng Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản (Sở Xây dựng Hà Nội) cho rằng cơn sốt đất có nhiều nguyên nhân trong đó có theo chu kì, theo xu hướng đầu tư của dòng tiền và quy hoạch.

Theo ông Trần Ngọc Minh, trong các cơn sốt đất, người đầu tiên và cũng là người cuối cùng chịu hậu quả vẫn chính là các nhà đầu tư lao vào cơn sốt đất. Khi giá đất lên cao cũng ảnh hưởng tới việc đầu tư phát triển kinh tế xã hội. Quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng thì người dân lấy giá giao dịch để đòi hỏi. Chính vì thế việc thực hiện dự án sẽ bị ảnh hưởng.

Cũng theo Trưởng phòng Quản lý nhà và Thị trưởng Bất động sản (Sở Xây dựng Hà Nội) hiện chúng ta chỉ mới công bố quy hoạch. Nên công khai cả việc tiến độ thực hiện quy hoạch, thời gian quy hoạch và dự án quy hoạch. Khi thị trường được minh bạch thì sẽ không tạo ra những cơn sốt đất như hiện nay.

Theo GS.TS Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trưởng, ở nước ta, hầu hết những cơn sốt đất gần đây đa phần đều xuất phát từ những thông tin chưa rõ ràng về dự án, quy hoạch. Ví dụ như vụ sốt đất ảo xảy ra tại xã Đồng Trúc, huyện Thạch Thất (Hà Nội), “ăn theo” thông tin về hai dự án của một tập đoàn lớn đề xuất nghiên cứu, triển khai. Việc “thổi” giá bằng nhiều chiêu trò của đám cò mồi đất khiến giá đất xung quanh dự án tăng chóng mặt, không ít người bị thua lỗ vì chỉ sau vài tuần giá đất đã trở về với điểm xuất phát ban đầu.

Mặt khác, khi giá đất cứ tăng theo chiều thẳng đứng, khiến việc tiếp cận sử dụng đất sau đó của người muốn sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gặp khó khăn do giá thuê quá cao. Những cơn sốt đất, “thổi” giá khiến các nhà đầu tư “mắc cạn”, gây ra một thị trường bất động sản lộn xộn và khi đó nhóm những người đầu tư lướt sóng, nhanh nhạy “mua tranh, bán cướp” trước đó thì hưởng lợi, còn nhóm cò mồi với nhiều chiêu trò thì trục lợi bất chính./.

Giải pháp hạ nhiệt thị trường bất động sản

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, để hỗ trợ, góp phần hạ nhiệt thị trường bất động sản, các địa phương cần tiếp tục tổ chức công bố công khai thông tin về quy hoạch, tiến độ triển khai các dự án để minh bạch thông tin, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ để đẩy giá, trục lợi tại một số dự án, tại một số địa phương trong thời gian vừa qua.

Đồng thời, có biện pháp chặt chẽ không để tình trạng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chia tách phân lô đất, bán nền tại một số khu vực chưa được phép đầu tư. Quản lý và kiểm soát việc mua đi, bán lại các giao dịch bất động sản trao tay nhiều lần nhằm kiểm soát tốt hơn việc tăng giá đất, nhất là thông qua biện pháp quản lý thật tốt các tổ chức, cá nhân trong giao dịch, môi giới kinh doanh bất động sản.

Bảo Trân/Báo Tổ quốc