16/04/2021

Hội thảo khoa học “Chuyển đổi số Tạp chí Khoa học của Việt Nam”

Sáng 15/4 tại Hà Nội, Cục Thông tin khoa học và công nghệ Quốc gia (Bộ KHCN) đã tổ chức Hội thảo “Chuyển đổi số tạp chí khoa học của Việt Nam”.

Toancanh-Hoithao

Toàn cảnh Hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Trần Đắc Hiến, Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN Quốc gia cho biết: Thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/06/2020 của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, theo lộ trình Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu không riêng Tạp chí Khoa học của Việt Nam mà còn là cấp thiết của Chính phủ điện tử và các ngành nghề khác.

Hiện nay, Cục Thông tin KH&CN quốc gia đang tích cực hỗ trợ cơ sở dữ liệu lưu trữ cho các Tạp chí khoa học thông qua hệ thống trực tuyến (VJOL) trên tất cả các lĩnh vực khoa học. Tạp chí Khoa học Việt Nam trực tuyến là dịch vụ cho phép độc giả tiếp cận tri thức khoa học được xuất bản tại Việt Nam và nâng cao hiểu biếu của thế giới về nền học thuật của VN.

Đây là nền tảng số cho phép lưu trữ, công bố các bài khoa học đã xuất bản trên Tạp chí và tự nguyện tham gia cung cấp thông tin trên hệ thống Website VJOL, qua đó giúp các đơn vị triển khai chuyển đổi số, giúp đơn giản hóa quá trình biên tập, xuất bản lên môi trường trực tuyến, đồng thời giúp tăng cường quảng bá thương hiệu thông qua sự hiện diện trên mạng tìm kiếm của Google, và mạng xã hội,…

VJOL cho biết đã có 120/380 Tạp chí khoa học của Việt Nam tham gia đăng tải tạp chí lên hệ thống trực tuyến từ năm 2010 đến nay.

Trong tham luận, Ths. Cao Minh Kiểm– Tổng thư ký Hội Thông tin KH&CN Việt Nam cho biết, năm 2017, chỉ có 6/387 tạp chí (1,55%) được Scopus chọn vào danh mục tạp chí xử lý; 2 tạp chí được chọn vào danh mục tạp chí của Web of Science (gọi là tạp chí ISI) một con số rất khiêm tốn.

GS.TS Phan Trọng Trịnh-Tổng biên tập Tạp chí Vietnam Journal of Earth Sciences (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) chia sẻ, tính cấp thiết của việc xây dựng một bộ tiêu chí của Việt Nam, nhằm đánh giá và nâng cao chất lượng của Tạp chí khoa học, việc tham gia xuất bản online là cần thiết, là bước đầu để có thể vào được danh mục ACI, VCI, tiến tới vào danh mục Scopus, Web of Science.

GS.TS Nguyễn Hữu Đức-nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Tổ trưởng Tổ tư vấn của Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo cho rằng: Đại học Quốc gia Hà Nội đã xây dựng một chỉ số khác gọi là VCG (Vietnam Citation Gate) để đánh giá chất lượng Tạp chí khoa học, và hỗ trợ 40 triệu bài báo khoa học công bố trên tạp chí quốc tế uy tín.

Tại hội thảo, một số nhà khoa học, chuyên gia, lãnh đạo các tạp chí góp ý kiến cho định hướng xuất bản trực tuyến, Chuyển đổi số cần thêm chế tài, bộ tiêu chí nhằm xếp hạng, đánh giá chất lượng tạp chí khoa học và nâng cao thương hiệu cho Tạp chí khoa học của Việt Nam.

 

 VŨ GIA /VIAR.GOV.VN