09/04/2021

“Nhà đầu tư rất hưng phấn vào thị trường bất động sản”

Đó là khẳng định của ông Trần Khánh Quang, Chuyên gia BĐS tại toạ đàm “Tỉnh táo trong cơn sốt đất” do báo Người Lao Động tổ chức sáng 8/4/2021 tại TPHCM.

Theo ông Quang, thực tế đất sốt khắp nơi là do tất cả chúng ta tạo nên cơn sốt. Từ người dân đến NĐT, đến sự quản lý của cơ quan nhà nước…và một nguyên nhân gây nên hiện tượng sốt đất lan rộng dễ nhận thấy nhất là NĐT đang rất hưng phấn vào thị trường. Họ sẵn sàng đi mua đa dạng các loại hình BĐS từ đất thổ cư, đất vườn, secondhome…

“Đây là một hiện tượng rất lạ của thị trường BĐS ở thời điểm này”, ông Quang nhấn mạnh.

Vị chuyên gia này cho rằng, có một thực tế là hiện sốt đất tập trung chủ yếu ở khu ven, tỉnh lân cận TPHCM. Lý do giá nhà TPHCM đã đạt ngưỡng quá cao so với khả năng của người dân. Việc này dẫn đến hiện tượng, người dân không thể mua nhà tại TP, bắt buộc phải đi các tỉnh để mua BĐS, và cơn sốt cứ thế lan rộng ra…

Hiện nguồn cung mới hạn chế thì vô tình đẩy giá BĐS. Đa số nhu cầu thực của người mua trên thị trường căn hộ nằm ở ngưỡng 26-27 triệu đồng/m2 nhưng loại hình này hiện đã biến mất khỏi thị trường TPHCM. Điều này buộc người dân phải đi xa để tìm mua BĐS. Và, buộc doanh nghiệp BĐS phải bán giá cao (bán độc quyền). Chính điều này cũng tạo nên những cơn sốt giá trên thị trường nhà đất.

Bên cạnh đó, sự đưa tin hời hợt, thiếu kiểm chứng thông tin của truyền thông cũng chính là nguyên nhân khiến thị trường “tạo sóng” sai, nhiều NĐT vịn vào thông tin đó để đẩy thị trường, trong khi các thông tin dường như không chỉ rõ lộ trình để thực hiện các dự án, quy hoạch, vô tình tạo sốt ảo. Ngoài ra, lãi suất cho vay ngân hàng thấp cũng khiến dòng tiền của người dân dịch chuyển mạnh sang kênh một số kênh kiếm lợi tốt hơn, trong đó có BĐS.

Theo các chuyên gia, cần có những giải pháp để ngăn chặn sốt đất và trách nhiệm thuộc chính về cơ quan quản lý. Ảnh Hạ Vy

Theo các chuyên gia, cần có những giải pháp để ngăn chặn sốt đất và trách nhiệm thuộc chính về cơ quan quản lý. Ảnh Hạ Vy

Còn theo bà Nguyễn Hương, CEO Đại Phúc Land, quả thực, chúng ta cần tỉnh táo, thận trọng trong cơn sốt đất nền hiện nay. Bởi lẽ, khi có những cơn sốt xảy ra, người người, nhà nhà rủ nhau đi mua đất sẽ tạo tâm lý đám đông. Bởi họ chỉ nhìn thấy giá tăng, thấy sốt nhưng khi xem xét những yếu tố tạo nên cơn sốt hiện nay sẽ thấy nguyên nhân.

Thứ nhất, những năm qua nguồn cung hạn chế, thiếu sản phẩm ở các phân khúc trong khi nguồn tích lũy của nhà đầu tư là có, dòng tiền dồi dào. Do nguồn cung hạn chế nên giá đất trong năm qua, bất chấp đại dịch, có nhu cầu là giá tăng và khi NĐT nhìn thấy cơ hội giá tăng cùng kỳ vọng thị trường lại càng đẩy giá lên. Ngay ở khu vực nội thành như TP HCM, giá BĐS liên tục tăng khiến tình trạng “nước chảy chỗ trũng” và nhà đầu tư kỳ vọng giá ở các khu vực lân cận cũng tăng theo.

Theo bà Hương, người dân cần tỉnh táo trong những cơn sốt bởi hệ lụy khi những cơn sốt đi qua là rất lớn. Đặc biệt là rủi ro liên quan đến pháp lý, như ở những vùng ven tình trạng phân lô, bán nền; rủi ro về quy hoạch do không nắm rõ pháp lý là rất lớn, trong khi giá trị BĐS không nhỏ. Thực tế nhiều dự án, công trình trọng điểm từ lúc công bố khởi công đến khi hoàn thành kéo dài cả chục năm hoặc có dự án công bố nhiều lần nhưng vẫn chưa thể khởi công… trong khi giới đầu cơ không ngừng đẩy giá.

“Tôi nghĩ, NĐT không nên mua BĐS theo phong trào khi không có sự phát triển trong dài hạn ở những dự án cụ thể. Các thông tin thị trường cần minh bạch, chính xác. Sự phát triển bền vững của thị trường BĐS mới là yếu tố cần được quan tâm”, bà Hương nhấn mạnh.

Còn theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA), nhu cầu đầu tư, mua bán kiếm tiền của người dân là chính đáng. Trong kinh doanh có người thắng, người thua. Có một điều hiện có một lượng NĐT F0 chập chững vào thị trường, có thể nhiều rủi ro trong cơn sốt đất khi mà họ chính là những đối tượng thiếu kiến thức, kỹ năng.

Thực tế thời gian qua cho thấy, không chỉ sốt đất nền mà thị trường BĐS còn ghi nhận sự “nóng” lên của tất cả các loại hình từ, đất, căn hộ, nhà biệt thự, nhà phố đến khi vực nhà ở đô thị cũ…nhưng nổi bật nhất là sốt đất nền, sốt đất nông nghiệp.

Ông Châu chỉ ra những nguyên nhân cơ bản tạo nên những cơn sốt đất lan rộng hiện nay.

Đầu tiên có thể kể đến là nguồn tiền dành cho đầu tư trong xã hội cực kì lớn. Nhiều người cảm thấy không yên tâm khi đầu tư vào chứng khoán, ngoại tệ hay sản xuất kinh doanh… đều đổ tiền vào BĐS.

Và tâm lý, BĐS là kênh tích trữ tài sản an toàn, dù tiền có mất giá BĐS vẫn còn giá trị là căn nhà, miếng đất ở đó đã tác động mạnh đến sự dịch chuyển dòng tiền từ kênh đầu tư khác sang BĐS.

Nguyên nhân thứ hai, theo ông Châu, đó là tâm lý đám đông đang bao trùm thị trường BĐS. Mà tâm lý này xuất phát từ giời đầu nậu, môi giới…đã kích thích giá của thị trường BĐS tăng nhanh.

Ngoài ra, nguồn cung dự án bị tắc, dẫn đến sản phẩm tắc cũng khiến giá BĐS bị kích lên nhanh chóng. Mà thị trường đẩy giá lên liên tục thì người dân chính là người chịu thiệt và thị trường BĐS không bao giờ phát triển bền vững được.

“Bài học của sau 5 lần sốt giá đất, nhiều NĐT bị thiệt hại, thậm chí phá sản, đất bị nông nghiệp, đất phân lô bị bỏ hoang hóa rất nhiều”, ông Châu nhấn mạnh.

Hạ Vy/Nhịp sống kinh tế