08/04/2021

Trồng cây xanh đô thị: Không thể tùy tiện

Sau khi thừa nhận tuyến buýt nhanh BRT thất bại sau 5 năm thử nghiệm, TP. Hà Nội lại chuẩn bị “khai tử” hàng cây phong lá đỏ trên đường Trần Duy Hưng và Nguyễn Chí Thanh, sau 3 năm trồng thử nghiệm.

Hàng cây phong lá đỏ từng được kỳ vọng biến hai con đường này thành tuyến đường đẹp, lãng mạn nhất Thủ đô. Đây là loại cây được mang về từ châu Âu, sau 3 năm trồng thử nghiệm, đến nay 262 cây Phong lá đỏ gần như trơ trọi lá, không có sức sống, nhiều cây khẳng khiu như cành củi khô, trong đó nhiều cây đã chết.

Trồng cây xanh đô thị: Không thể tùy tiện

Trồng cây xanh đô thị: Không thể tùy tiện

Ngay từ khi Hà Nội có chủ trương trồng số lượng lớn cây phong lá đỏ, nhiều chuyên gia nông nghiệp đã khẳng định loài cây này không phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng của Hà Nội. Lẽ ra cần có thời gian trồng thử nghiệm một ít trước khi triển khai đồng loạt trên các tuyến phố. Nhưng những lời “can gián” của giới chuyên gia đã bị “bỏ ngoài tai” để đến hôm nay, cơ quan chức năng thành phố lại quyết định loại bỏ toàn bộ số cây này và gấp rút trồng loại cây khác thay thế, dự kiến hoàn tất mọi việc ngay trong tháng 4.

Lại nhớ cách đây nhiều năm, hàng loạt thành phố ở phía Nam đã đồng loạt mang cây hoa sữa từ Hà Nội vào trồng dày đặc và hậu quả là chỉ ít lâu sau, người dân trên các tuyến đường này nhất loạt “kêu cứu” vì không thể chịu nổi mùi nồng nặc khi cây trổ hoa; nhiều trẻ em, người già còn bị bệnh đường hô hấp vì phấn hoa trộn lẫn trong không khí quá đậm đặc. Thế là lại có thêm một “chiến dịch” đồng loạt… chặt bỏ cây hoa sữa, trồng các loại cây khác thay thế.

Đến giờ, chưa cơ quan nào công bố ngân sách đã tiêu tốn hết bao nhiêu tiền cho các “chiến dịch” trồng cây, phá bỏ và trồng thay thế ấy nhưng chỉ cần ước tính đơn giản cũng có thể thấy khoản ngân sách các địa phương bị thiệt hại không hề nhỏ. Hơn nữa, cách làm tùy tiện, vô trách nhiệm này còn khiến người dân suy giảm lòng tin vào chính quyền.

Cây xanh là một trong những yếu tố quan trọng, được coi là “chiếc áo” khoác lên mình các đô thị. Thậm chí, nếu được đầu tư kỹ lưỡng thì các quần thể cây xanh còn được coi là “linh hồn” của thành phố. Vì vậy, không thể có cách làm tùy tiện, thiếu trách nhiệm trước mỗi quyết định việc trồng cây cho thành phố.

Được biết, thành phố hiện đưa ra 2 phương án trồng thay thế cây phong bằng toàn bộ cây bàng lá nhỏ hoặc trồng đan xen cây bàng lá nhỏ và cây cọ dầu. Các cây bàng lá nhỏ được yêu cầu có thân thẳng, dáng cân đối, phân cành cao để không làm ảnh hưởng đến giao thông. Hiện một số ý kiến đã hoài nghi về tính hiệu quả của việc thay thế này bởi một số chuyên gia cho rằng, bàng lá nhỏ là loại cây rất giòn, rụng lá nhiều, là cây rễ ngang nên dễ phá đường và không có hoa. Đường Nguyễn Chí Thanh – Trần Duy Hưng vốn rộng, thoáng nên gió lớn có thể làm cây bị gãy đổ. Bên cạnh đó, loài cây có thân thấp như bàng lá nhỏ không phù hợp với cảnh quan đô thị của tuyến đường vốn có nhiều nhà cao tầng.

Vì thế, các phương án cần được nghiên cứu, thí điểm và có đánh giá một cách cụ thể để hiệu quả nhất mà không gây lãng phí, tốn kém ngân sách.

Khánh Nguyên/Báo Dân sinh