Cần đẩy nhanh tiến độ cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội
Trước sự xuống cấp nghiêm trọng của một loạt chung cư cũ tại nội đô, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành các quyết định tổ chức di dời khẩn cấp nhằm đảm bảo tính mạng cho người dân. Tuy nhiên, đến nay còn nhiều hộ gia đình chưa hoàn tất việc di dời, gây khó khăn cho quá trình cải tạo, sửa chữa cũng như tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Những chung cư “chờ sập”
Sở Xây dựng thành phố Hà Nội đã phân loại các chung cư cũ theo 4 cấp độ nguy hiểm qua các đợt kiểm tra, đánh giá an toàn chịu lực, trong đó có 6 công trình thuộc cấp độ D (công trình hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ, phải sửa chữa lớn, ưu tiên làm ngay) gồm 01 công trình nằm trên địa bàn quận Đống Đa là đơn nguyên 1 chung cư 51 Huỳnh Thúc Kháng (phường Láng Hạ) và 05 công trình tại quận Ba Đình: Nhà tập thể C1 – Thành Công; đơn nguyên 1, 2 G6A – Thành Công (phường Thành Công); đơn nguyên 3 C8 – Giảng Võ (phường Giảng Võ); đơn nguyên 1 nhà A – Ngọc Khánh (phường Ngọc Khánh); đơn nguyên 1, 3 tập thể Bộ Tư pháp (phường Cống Vị).
Khảo sát một số các chung cư nêu trên, do thời gian xây dựng đã lâu cũng như chịu tác động không nhỏ từ hoạt động cơi nới của người dân cơ bản hạ tầng đã xuống cấp trầm trọng, sập xệ, rêu mốc. Tường nhà nứt vỡ, bở bục, hệ thống lan can cầu thang sắt hoen rỉ, lung lay không đảm bảo chắc chắn, đường nước lắp đặt lộ thiên, đường điện, viễn thông mắc nối chằng chịt tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ…
Gắn bó với chung cư 51 Huỳnh Thúc Kháng đã hơn 20 năm qua, ông Trương Ngọc Hùng (60 tuổi, căn hộ 403) là một trong bốn hộ gia đình còn lại bám trụ tại đây cho biết: “Trong quá trình sinh sống, ngôi nhà số 49 bên cạnh đổ sập, ít nhiều ảnh hưởng đến hạ tầng kết cấu của cả tòa 51. Tôi và các hộ dân khác đều chấp hành nghiêm các quy định cũng như yêu cầu của thành phố trong công tác di dời. Tuy nhiên, chúng tôi cần thành phố đưa ra những kế hoạch cụ thể, chi tiết, như vậy mới có thể yên tâm để đi”.
Bà Đinh Thị Mai Thịnh (tổ trưởng tổ dân phố số 6, địa bàn dân cư số 4 phường Láng Hạ) cho hay còn một số vấn đề giữa người dân và chính quyền thành phố chưa tìm được tiếng nói chung. Người dân có nhiều kiến nghị, thắc mắc như đơn vị nào là chủ đầu tư xây lại công trình; hệ số đền bù, diện tích và giá mua khi quay về chung cư mới; bao giờ được quay về…
“Rất mong được nhà nước hỗ trợ, đưa ra những quyết sách phù hợp và nhanh chóng để chúng tôi có thể ổn định cuộc sống”, bà Thịnh chia sẻ.
Cần tháo gỡ những khó khăn
Trên địa bàn TP Hà Nội hiện có 1.579 chung cư cũ, được xây dựng trong giai đoạn từ năm 1960 đến 1992. Hầu hết các chung cư đã xuống cấp, nhưng do vướng mắc cơ chế, chính sách, từ đền bù, tái định cư đến quy hoạch, huy động nguồn lực đầu tư nên việc cải tạo, xây dựng lại còn chậm, mới đạt hơn 1%.
Đại diện Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng quận Ba Đình cho biết trước đây khi quy định về việc chỉ cần 2/3 cư dân đồng ý là có thể thu hồi mặt bằng nhưng với quy định mới (Nghị định số 101/2015/NĐ-CP và khoản 3 Điều 110 Luật Nhà ở 2014) thì tất cả đều dựa vào sự hợp tác và đồng ý của người dân, gây khó khăn cho việc triển khai. Bên cạnh đó, số lượng chung cư cũ cần cải tạo, xây dựng lớn, ngân sách nhà nước hạn chế nên phương thức xã hội hóa, kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư là phương án khả thi. Tuy nhiên, khu vực nội đô công trình bị giới hạn chiều cao, số tầng nên khi tiếp cận các nhà đầu tư nhận thấy khó cân đối tài chính. Nơi ở tái định cư cũng như phương án đền bù khó nhận được sự đồng thuận của 100% hộ dân nhất là với những hộ đang sinh sống ở tầng một.
Mới đây, UBND thành phố Hà Nội giao Sở Quy hoạch – Kiến trúc cùng Viện Quy hoạch xây dựng, Sở Xây dựng và sở, ngành thành phố, UBND các quận liên quan tham mưu đề xuất UBND thành phố kế hoạch tổ chức nghiên cứu lập các đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, xem xét nghiên cứu áp dụng phân làm 3 mô hình cấp độ: Mô hình 1 là khu chung cư cũ (quy mô lập đồ án quy hoạch chi tiết); Mô hình 2 là nhóm chung cư cũ (quy mô lập tổng mặt bằng); Mô hình 3 là tập hợp các chung cư độc lập, đơn lẻ (quy mô lập tổng mặt bằng nhà đơn lẻ).
Trước thực trạng trên, chính quyền UBND TP Hà Nội cũng như chủ đầu tư cần đưa ra những quy định cụ thể, phương án bố trí tạm cư tại khu vực dự án hoặc khu vực lân cận, bảo đảm thuận tiện trong sinh hoạt cho người dân; thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại toàn khu theo hình thức cuốn chiếu từ đó hỗ trợ, sớm ổn định cuộc sống người dân./.
Tuấn Quang/Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam