19/03/2021

Thành phố Hồ Chí Minh: Khai thác hiệu quả tài nguyên đất đai

Hiện quỹ đất tại thành phố Hồ Chí Minh còn rất lớn, trong đó nhiều diện tích đất nông nghiệp không khai thác hiệu quả. Để phát huy tối đa nguồn lực đất đai, thành phố Hồ Chí Minh sẽ điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất theo cơ chế đặc thù, phát triển các huyện thành quận, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế – xã hội.

Việc phát triển huyện Nhà Bè thành quận sẽ tạo điều kiện để khai thác hiệu quả hơn tài nguyên đất đai của địa phương

Việc phát triển huyện Nhà Bè thành quận sẽ tạo điều kiện để khai thác hiệu quả hơn tài nguyên đất đai của địa phương

Chưa khai thác hiệu quả quỹ đất

Toàn huyện Nhà Bè có tổng diện tích hơn 10.000ha, hiện chỉ còn khoảng 200 hộ sản xuất nông nghiệp. Trong khi đó, quá trình đô thị hóa tại đây diễn ra rất nhanh, hoạt động sản xuất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp. Hiện địa phương này có những khu đô thị quy mô lớn và nhiều quỹ đất chưa được khai thác, đấu giá để phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.

Tương tự, huyện Bình Chánh có diện tích 25.000ha, trong đó đất nông nghiệp khoảng 7.900ha (chiếm hơn 30% tổng diện tích toàn huyện). Theo UBND huyện Bình Chánh, dự kiến đến năm 2025, số hộ sản xuất nông nghiệp chỉ còn 0,4% tổng số hộ. Đây là huyện cửa ngõ của thành phố Hồ Chí Minh, kết nối với 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long, có tốc độ tăng dân số cơ học và tốc độ đô thị hóa rất nhanh… Anh Bùi Minh Hiển (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh) cho biết, người dân mong muốn thành phố dành nhiều quỹ đất hơn để phát triển nhà ở, gia tăng cơ hội được an cư cho người chưa có nhà.

Ông Phạm Đức Hải, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ngày 6-1-2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 24/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025 (Quyết định 24). Đây là định hướng quan trọng để thành phố Hồ Chí Minh phát triển đô thị trong một thập kỷ qua. Tuy nhiên, bên cạnh nhiều kết quả tích cực đạt được, đến nay quyết định đã bộc lộ nhiều vấn đề không phù hợp với định hướng phát triển của thành phố Hồ Chí Minh trong tình hình mới.

Về vấn đề này, Tiến sĩ Võ Kim Cương, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, thời gian qua, thành phố Hồ Chí Minh chưa phát huy được tối đa nguồn lực đất đai, một phần do quy hoạch còn cứng nhắc, thiếu linh hoạt. Do đó, thành phố cần có quy hoạch chiến lược, linh hoạt theo cơ chế thị trường và gắn liền với huy động nguồn lực cho phát triển.

Hài hòa lợi ích các bên

Theo Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thanh Nhã, quy hoạch chung xây dựng thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận điều chỉnh tổng thể từ Quyết định 24. Hiện thành phố đang khẩn trương xây dựng và hoàn thiện quy hoạch điều chỉnh để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Song song đó, thành phố đã chủ động điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch một số dự án phát triển đô thị trọng điểm, khu vực trung tâm để tăng tính khả thi, khai thác tối đa nguồn lực đất đai.

Theo đó, đối với khu vực trung tâm có diện tích 930ha, thành phố điều chỉnh quy hoạch gắn liền với tái cấu trúc việc phân bổ đất đai, định hình các khu chức năng hợp lý, gắn với chỉnh trang các khu dân cư hiện hữu, tăng giá trị sử dụng đất. Đối với các trục giao thông lớn, UBND thành phố đã phê duyệt đề án “Quản lý và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả”. Theo đề án này, thành phố sẽ tạo cơ chế thu hồi diện tích đất liền kề các công trình hạ tầng để bán đấu giá, nhằm khai thác tối đa giá trị tài nguyên đất đai.

Đối với thành phố Thủ Đức, Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức Hoàng Tùng cho biết, thành phố Thủ Đức đang phối hợp với Sở Quy hoạch – Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh tổ chức lập quy hoạch chung xây dựng thành phố Thủ Đức để trình UBND thành phố thông qua. “Trong quá trình lập quy hoạch, chúng tôi xem việc tham vấn cộng đồng dân cư là nhiệm vụ quan trọng. Tại trụ sở UBND các phường đều có niêm yết thông tin về quy hoạch để người dân giám sát, cho ý kiến”, ông Hoàng Tùng cho hay.

Đối với 5 huyện (Nhà Bè, Hóc Môn, Bình Chánh, Củ Chi, Cần Giờ), Sở Nội vụ thành phố Hồ Chí Minh vừa có tờ trình gửi UBND thành phố về công tác xây dựng đề án chuyển các huyện thành quận (hoặc thành phố thuộc thành phố Hồ Chí Minh) trong giai đoạn 2021-2030. Việc phát triển các huyện thành quận tạo tiền đề cần thiết để thành phố chuyển đổi mục đích sử dụng đất hiệu quả hơn theo cơ chế đặc thù từ Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24-11-2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh.

“Thành phố sẽ tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp tham gia xây dựng công tác quy hoạch, đồng thời giám sát việc thực hiện quy hoạch, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân để khai thác hiệu quả tài nguyên đất đai”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho biết.

Nguyễn Lê/Hà Nội mới