Những yếu tố nổi bật trong quy hoạch TP Đà Nẵng
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Đà Nẵng lần này phải đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, chú trọng đời sống của người dân.
Chiều 9-3, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Phó Giám đốc phụ trách Sở Xây dựng TP Đà Nẵng Phùng Phú Phong chia sẻ: TP có thể hướng tới việc thoát khỏi thời kỳ “ăn no mặc ấm” để chuyển sang “ăn ngon mặc đẹp” nếu thực hiện tốt bản quy hoạch chung Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, sắp được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.
Sáng cùng ngày, Văn phòng UBND TP Đà Nẵng cũng cho hay Văn phòng Chính phủ vừa ra thông báo kết luận của Thủ tướng liên quan đến đề án này.
Phải đảm bảo giữa bảo tồn và phát triển
Cụ thể, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Đà Nẵng là TP cảng biển, du lịch, dịch vụ, là TP lớn. TP có vai trò đầu tàu, quan trọng nhất miền Trung về quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế – xã hội. Đồng thời, Đà Nẵng là một cửa ngõ chính, quan trọng để phát triển kinh tế của quốc gia, là TP đáng sống của Việt Nam với định hướng đô thị thông minh.
Vì vậy Thủ tướng cho rằng Đà Nẵng không chỉ nên tập trung phát triển du lịch, cảng biển mà cần thu hút các dự án công nghệ cao, công nghiệp ít ảnh hưởng đến môi trường.
Thủ tướng lưu ý: “Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Đà Nẵng lần này phải đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, chú trọng đời sống của người dân, có định hướng phát triển TP tương lai hiện đại, bài bản, là trung tâm lớn của miền Trung – Tây Nguyên”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhận định Đà Nẵng phải định hướng phát triển đô thị trung tâm, đô thị nén để tiết kiệm đất đai, hạ tầng xen kẽ các khoảng không gian mở trong đô thị là không gian công cộng, cây xanh. Đây là xu hướng của các nước phát triển.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Cửu Loan, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng, phân tích: Có năm yếu tố để TP trở thành đô thị đặc biệt như yêu cầu và định hướng của Thủ tướng Chính phủ.
Thứ nhất là vị trí, chức năng, vai trò của Đà Nẵng phải là trung tâm về tài chính, kinh tế, văn hóa, xã hội và giáo dục. Thứ hai, quy mô dân số của Đà Nẵng phải đạt năm triệu người, trong đó có ba triệu người khu vực nội thành. Thứ ba, mật độ dân số toàn đô thị phải đạt 3.000 người/km2. Diện tích đất xây dựng đô thị khu vực nội thành 12.000 km2. Thứ tư, tỉ lệ đất giao thông và phi nông nghiệp phải đạt 70% trở lên, khu vực nội thành 90% trở lên. Thứ năm, trình độ phát triển cơ sở hạ tầng, kiến trúc, cảnh quan đô thị phải đạt theo mức quy định.
“Từ Chính phủ đến Bộ Chính trị kỳ vọng Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, văn minh, bản sắc. Để thực hiện mục tiêu này, đồ án quy hoạch phải xác định Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế – xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á” – ông Loan cho hay.
Phát triển theo khung thiết kế đô thị tổng thể
Ông Phùng Phú Phong, Phó Giám đốc phụ trách Sở Xây dựng tp Đà Nẵng, cho hay Đà Nẵng sẽ phát triển theo một khung thiết kế đô thị tổng thể. Trong đó, hình ảnh của TP trong tương lai được thể hiện rõ qua phương pháp tổ chức không gian.
Cụ thể, đồ án quy hoạch định hướng Đà Nẵng có chín vị trí chính, gồm ba cửa ngõ phía bắc, hai cửa ngõ phía tây, bốn cửa ngõ phía nam. Chưa kể các cửa ngõ là đầu mối giao thông như bến xe, sân bay, ga đường sắt…
Theo ông Phong, Đà Nẵng sẽ tạo ra nhiều không gian mở bằng cách nâng cấp, cải tạo các quảng trường hiện hữu, xây dựng quảng trường mới gắn với công viên, hồ nước, trung tâm hành chính – thương mại. Ngoài ra, Đà Nẵng còn có trục đô thị chính theo hướng bắc – nam chạy dọc đôi bờ sông Hàn, hướng đông – tây dọc theo vịnh Đà Nẵng.
“Đề xuất một quảng trường trung tâm diện tích khoảng 9 ha ngay khu vực sông Hàn, liên kết với bảo tàng, thành Điện Hải” – ông Phong nói. Ông Phong cũng cho hay Đà Nẵng sẽ hình thành khu vực trung tâm TP mới trên nền trung tâm hiện trạng với diện tích khoảng 631 ha.
Với không gian đô thị hạn hẹp, ông Phong nhận định Đà Nẵng định hướng phát triển đô thị nén (tăng mật độ dân cư trên diện tích đất hiện có) để tập trung cho không gian công cộng.
Theo đó, Đà Nẵng sẽ xây dựng khu trung tâm thành nơi có công năng đa dạng, sầm uất, nhiều dịch vụ. TP sẽ giải phóng các khu dân cư thấp tầng, kiệt hẻm, thiếu điều kiện sinh hoạt tối thiểu, không đảm bảo an toàn… để thay vào đó là các cụm chung cư cao tầng, bãi đỗ xe, khuôn viên cây xanh.
“Chúng tôi sẽ tham mưu TP quy định về quản lý kiến trúc. Đồng thời, TP phải công khai đồ án quy hoạch lần này để mọi người dân có thể theo dõi, giám sát, đóng góp ý kiến trong quá trình triển khai đồ án. Quy định hiện nay khá chặt chẽ, việc điều đỉnh quy hoạch không đơn giản như trước nên sẽ giảm được lợi ích nhóm trong quy hoạch, điều chỉnh dự án” – ông Phong cho hay.
3 vùng đô thị đặc trưng và 10 phân khu
Đồ án quy hoạch chung Đà Nẵng xác định TP là đô thị loại đặc biệt, TP quốc tế. Dự báo dân số Đà Nẵng đến năm 2030 khoảng 1,79 triệu người. Diện tích đất xây dựng đô thị Đà Nẵng khoảng 31.836 ha.
Theo định hướng, Đà Nẵng được cấu trúc thành ba vùng đô thị đặc trưng với 10 phân khu. Trong đó, vùng ven mặt nước gồm phân khu ven sông Hàn và bờ Đông, ven vịnh Đà Nẵng và cảng Liên Chiểu. Vùng lõi xanh là phân khu công nghệ cao, trung tâm lõi xanh, sân bay và khu đổi mới sáng tạo. Vùng sườn đồi là phân khu đô thị sườn đồi, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và khu dự trữ phát triển.
Ngoài ra, Đà Nẵng còn có vùng sinh thái phía tây từ núi Hải Vân đến xã Hòa Khương (huyện Hòa Vang) và phía đông (bán đảo Sơn Trà và huyện đảo Hoàng Sa).
Tấn Việt/Pháp luật TPHCM