Nhìn bản đồ quy hoạch Hà Nội nghĩ về giải pháp chữa lành ‘vết thương’ thành phố
Hà Nội có thể đẹp đẽ, sạch sẽ, giàu có và chất lượng sống cao hơn hay không? Câu trả lời phải phải trông nhờ vào tài năng, tầm nhìn của người chọn ra định hướng phát triển sao cho phù hợp!
Đô thị Hà Nội sau một thế kỷ quy hoạch theo mô hình Paris
Năm 1921, KTS Ernest Hébrard lần đầu tiên tới Việt Nam để lập quy hoạch Đà Lạt và bắt đầu nghiên cứu thực địa Hà Nội. Năm1923, E. Hébrard được bổ nhiệm Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Đông Dương và công bố sơ đồ Quy hoạch không gian Hà Nội. KTS Louis-Georges Pineau tiếp tục hoàn thiện và công bố Quy hoạch thành phố Hà Nội năm1943, định hướng xây dựng Hà Nội trở thành ‘Thành phố vườn’ – từng bước trở thành một trong ba thành phố đẹp nhất châu Á nửa đầu thế kỷ 20 (cùng với Tokyo và Thượng Hải).
Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, các thành phố lớn tiền công nghiệp toàn cầu đã phải đối mặt với thảm cảnh ô nhiễm, dịch bệnh tràn lan, cướp đi sinh mạng hàng chục triệu người. Các thành phố Âu – Mỹ đã kịp thức tỉnh để biến đổi và trở thành nơi cư trú an toàn. Tại Pháp, Georges Eugène Haussmann khởi xướng cuộc đại canh tân Paris từ một thành lũy trung cổ thành đô thị hoa lệ hình mẫu cho cả thế giới.
Từ trung tâm của những bài học vinh quang và đau xót bởi tiến trình đô thị hóa, các KTS đã khai thác tối đa các yếu tố địa hình, sinh thái tự nhiên để Hà Nội sạch đẹp, sinh thái bền vững trong sơ đồ quy hoạch: các làng ven hồ Tây và phía Nam thành phố được chỉ dẫn bảo tồn “làng truyền thống”. Xen giữa các tuyến phố là “không gian trống” (không xây dựng) chỉ để mặt nước và cây xanh. Trên nền ruộng trũng hồ đầm của các làng Thủ Lệ, Cống Vị, Vạn Phúc… là không gian trống rộng 50 ha và 15 ha làng Giảng Võ, Ngọc Khánh bên kia đường đi Cầu Giấy.
Nhiều người cho rằng Hà Nội đầu thế kỷ 20 đất rộng người thưa nên các KTS phóng tay “vẽ” ra viễn cảnh mơ mộng… Tuy nhiên, tư liệu cho biết giá trị đất đai lúc đó đã tăng nhanh, xuất hiện nhiều mánh khóe đầu cơ, trục lợi, tham nhũng từ làng xã đến bộ máy thành phố (M. Malabar – phụ trách Sở Giao thông cùng nhiều chức việc trong tòa thị chính Hà Nội bị xét xử năm 1905). Đối mặt với những thách thức ấy, thành phố không ngừng hoàn thiện luật lệ, giáo huấn nhân viên, củng cố hồ sơ quản lý để mấy chục năm sau, Hà Nội phát triển nhanh mà không xảy ra kiện cáo lôi thôi.
Năm 1890, vườn Bách Thảo được thành lập trước khi Hà Nội được chọn là Thủ phủ của Đông Dương (1902) ngoài “dã tâm cai trị Hà Nội lâu dài của thực dân” thì cũng cho thấy cách “đô thị hóa kiểu Haussmann” với vai trò tiên phong như: Giới luật sư lo pháp lý; Nhà băng ứng vốn và thu lời/đóng thuế; Nhà vườn lo cây trồng, chăm sóc; Kỹ sư hạ tầng đảm bảo nước sạch, điện sáng; Chuyên gia vệ sinh đảm bảo cống rãnh thông suốt, thu gom chất thải rác thải hàng ngày… Sau cùng mới đến lượt kiến trúc sư vẽ vời. Quy hoạch đô thị không phải vẽ ra bức tranh đạt hiệu quả thị giác, mà cần nghiên cứu tổng hòa cả chuỗi tuần hoàn của sự sống: không gian mặt nước, cây xanh đủ lớn để các loài thủy sinh, côn trùng, chim thú, thực vật… và con người chung sống hài hòa, chuyển hóa sinh học thích ứng tạo nên không gian chung sống bền vững.
Kết quả là Hà Nội bớt dần dịch bệnh, tuổi thọ tăng dần. Chính quyền thực dân thu sưu cao thuế nặng để xây dựng hạ tầng, quản lý tài chính đô thị chặt chẽ nên thành phố không phải đi vay mượn để đầu tư lựa vào thế mạnh yếu tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội của chính Hà Nội mà thực hiện.
Quy hoạch không gian xanh: nhìn vậy mà không phải vậy!
Trong 20 năm (1954 -1974), Hà Nội cùng cả nước vừa xây dựng vừa đấu tranh để tiến tới thống nhất đất nước. Chiến tranh tàn phá, không có nhiều công trình xây dựng lớn, không gian trống vẫn còn lại ít nhiều, duy trì phần nào diện tích cây xanh, mặt nước tự nhiên.
Giai đoạn 1975- 1992, nhiều diện tích bán ngập được san lấp xây dựng nhà xưởng, khu tập thể… nhưng các không gian mặt nước vẫn phân bổ đều khắp. Nhờ vậy mà Hà Nội ít bị úng ngập ô nhiễm, dịch bệnh. Năm 1995, nhằm tới kỷ niệm 1.000 Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội (1010-2010) công bố Quy hoạch: quanh Hồ Tây vẫn được tô màu xanh rộng tới hàng ngàn ha. Hồ Thủ Lệ, Giảng Võ, Ngọc Khánh vẫn kết nối với nhau tạo thành vùng xanh rộng gần 40 ha. Hà Nội Xanh được vẽ ra, có điều không rõ nguồn lực ở đâu để thực hiện nó.
Đầu những năm 2000, Hà Nội công bố sơ đồ định hướng không gian đến năm 2020. Khác với các quy hoạch trước đó vẽ ra nhiều nhưng không biết bao giờ triển khai, quy hoạch này xuất hiện nhiều dự án đã có từ trước: chỉ tính riêng diện tích 3 dự án Ciputra; Bắc Thăng Long; Thành phố mới Deawoo đã lớn hơn tổng diện tích các quận nội thành.
Trong quy hoạch sử dụng đất quận Ba Đình, loại “đất công cộng” được tô màu đỏ sẫm ngày trước nay là chỗ xây dựng khách sạn Daeha (3 ha), nhà hàng (1 ha) khu dân cư dày đặc (6 ha) tô màu xanh vào Công viên Thủ Lệ, đất dành cho công viên này từ gần 30 ha nay chỉ còn hơn 20ha. Trong công viên Thống Nhất, màu đỏ “đất công cộng” cho phép xây khách sạn tư nhân vào đó, dư luận đấu tranh mãi mới thôi, đến nay vẫn dang dở. Quanh Hồ Tây loang lổ màu vàng “đất ở” và màu đỏ “đất công cộng” nhưng lại là bất động sản tư nhân. Thuyết minh có cả bảng thống kê hàng chục dự án khách sạn, văn phòng liên doanh xây dựng trên đất công. Hàng chục công viên đã có hoặc sẽ có có vẻ cũng đưa vào danh mục liên doanh nước ngoài, nhiều dự án vẫn nằm trên giấy hoặc biến thể thành sân golf hay dự án sinh thái tư nhân.
Ngày 25.4.2004 tại Hội thảo “Bảo tồn và quy hoạch phát triển vùng trồng đào của thành phố Hà Nội” còn lưu lại lời hứa chắc “như đinh đóng cột” của ông Đào Ngọc Nghiêm, lúc đó Giám đốc Sở Quy hoạch và kiến trúc Hà Nội: “Không thể để mất đào Nhật Tân” (*). Tết nay vẫn có đào nhưng trồng chủ yếu là ở đâu đó, vườn đào bên Hồ Tây thành bất động sản lâu rồi. Những năm sau còn nhiều quy hoạch, hay điều chỉnh quy hoạch và sau mỗi lần như vậy thì công viên cây xanh, mặt nước công cộng nhỏ đi thay vào đó là các dự án bất đông sản thương mại quy mô lớn.
Khi không gian sinh thái tự nhiên thu hẹp, không còn đủ khả năng chuyển hóa tuần hoàn thì tồn lại nước thải, rác thải, khí thải độc hại. Để xử lý nó thành phố đã phải trông nhờ vào tư vấn nước ngoài, đi vay hàng tỷ USD để xây dựng nhà máy xử lý nước thải, rác thải. Lại mua hóa chất để giảm mùi hôi thối trong nước thải – rác thải. Nếu chưa hết mùi hôi thì thả thêm bè thủy sinh, chạy máy sục khí, lọc màng thấm hay bơm nước hòa loãng sông Tô Lịch, trong khi những mạch ngầm nối liên hồ thì lèn chặt và kè cứng bờ hồ, biến cỗ máy sinh thái tự nhiên kỳ diệu thành các đĩa bê tông đựng nước vô hồn, vô dụng.
Hà Nội là thành phố trong các dòng sông, tất cả sông hồ được sinh ra từ sông Mẹ – sông Cái, nay gọi là sông Hồng. Nhưng sông Hồng cũng đã nhiều lần đặt lên bàn tiệc “bất động sản “với những tên gọi hoa mỹ: Trấn sông Hồng (1996); Thành phố đôi bờ lấy cảm hứng từ kỳ tích sông Hàn để làm nên kỳ tích sông Hồng (2007). Rồi “Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch hệ thống đê điều sông Hồng, sông Thái Bình” do Bộ NN&PTNT lập 2016: dự kiến xây dựng 132 tuyến đê, tổng diện tích 32.629 ha. Cần đầu tư gần 113 ngàn tỷ đồng. Ngoài vốn ngân sách còn xã hội hóa, thu từ đấu giá quyền sử dụng đất vùng bãi sông hoặc đầu tư PPP (sử dụng đất vùng bãi sông) – có thể hiểu là tiền đầu tư thu từ tiền bán diện tích vốn dành cho thoát nước – để đảm bảo thoát nước nhanh, an toàn trong mùa lũ.
Quy hoạch để tìm đất dành cho nước chứ không phải tìm phần đất vốn dành cho nước, bán bớt đi để xây dựng. Muốn vậy quy hoạch phải xác định tổng nhu cầu, cần dự trữ là bao nhiêu, cần bao nhiêu diện tích để trữ nước, đặt ở đâu? Rất tiếc là tài liệu này chưa có cũng như không tính đến khả năng suy giảm nguồn nước từ ngoài biên giới. Công nghệ đồ họa vi tính ngày nay cho phép một ngày có thể vẽ ra hàng chục bức tranh lòe loẹt để gạn đất trống xây nhà bán. Nhưng để chữa lành những vết thương sinh thái, làm cho hệ thống sông hồ, cây xanh Hà Nội trở thành tài sản quý giá cho nhiều đời con cháu hôm nay và ngày mai thì cần khảo sát toàn diện nghiên cứu công phu, thảo luận thấu đáo.
Hy vọng Hà Nội ta sớm có một kế hoạch xứng đáng.
KTS Trần Huy Ánh/Người Đô thị