23/02/2021

Băn khoăn khi thu hồi đất hai bên đường mới để bán đấu giá, tái định cư

Chủ trương thu hồi thêm đất kề bên công trình hạ tầng để bán đấu giá và bố trí tái định cư tại chỗ của UBND TP.HCM nhận được sự đồng thuận của đông đảo người dân. Tuy vậy, vẫn còn những băn khoăn.

Hạn chế nhà “siêu mỏng” sau giải toả

Trong Đề án “Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả trên địa bàn TP.HCM” vừa được UBND Thành phố phê duyệt, một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của người dân là xử lý giá trị đất đai tăng thêm tại các dự án phát triển hạ tầng.

Đối với các dự án đầu tư hạ tầng như mở rộng đường giao thông hiện hữu hoặc xây dựng đường giao thông mới, thực tế cho thấy, sau khi hoàn thành dự án thì giá trị đất đai hai bên đường sẽ tăng thêm đáng kể.

Chủ trương thu hồi thêm đất hai bên đường mới để bán đấu giá, tái định cư sẽ hạn chế tình trạng nhà "siêu mỏng", "siêu méo" sau giải toả

Chủ trương thu hồi thêm đất hai bên đường mới để bán đấu giá, tái định cư sẽ hạn chế tình trạng nhà “siêu mỏng”, “siêu méo” sau giải toả

Vì không thể tự đặt ra các loại thuế, phí để phân bổ giá trị đất đai tăng thêm do đầu tư hạ tầng mang lại, UBND TP.HCM đưa ra phương án thu hồi đất rộng hơn kề bên hạ tầng và thực hiện tái định cư tại chỗ cho tất cả những người dân bị thu hồi đất.

Người bị thu hồi đất sẽ nhận lại một diện tích đất nhỏ hơn, tỷ lệ nghịch với giá đất tăng thêm do hạ tầng mang lại. Hai bên hạ tầng sẽ được quy hoạch lại, phần đất dôi dư được bán đấu giá để thu tiền phục vụ triển khai dự án.

Theo UBND TP.HCM, phương án này cần lấy ý kiến cộng đồng người bị thu hồi đất. Khi đạt được đa số ý kiến đồng thuận (thường là 2/3 ) thì phương án sẽ được phê duyệt. Cơ chế “đồng thuận cộng đồng theo đa số” đảm bảo tính công bằng và tiết kiệm chi phí đầu tư dự án.

Đây không phải cách làm mới, trước đây khi đầu tư đường Nguyễn Hữu Thọ (nối Q.7 và huyện Nhà Bè), UBND TP.HCM đã thu hồi thêm đất hai bên đường để bán đấu giá, vừa thu hồi được kinh phí đầu tư vừa chỉnh trang đô thị.

Đề xuất thu hồi thêm đất kề dự án hạ tầng để bán đấu giá và bố trí tái định cư tại chỗ nói trên của UBND TP.HCM nhận được sự đồng thuận của nhiều người dân.

Ông Hồ Văn Hà (ngụ Q.Bình Thạnh) cho rằng, giải pháp này nên được thực hiện rộng rãi vì mang lại nhiều lợi ích, trước tiên là với các hộ dân bị thu hồi đất. Bởi hầu hết người bị thu hồi đất ai cũng muốn tái định cư tại chỗ.

Việc thu hồi thêm đất hai bên đường mới để bán đấu giá vừa thu hồi được kinh phí đầu tư, vừa có điều kiện cải thiện mỹ quan đô thị. Cách làm này còn hạn chế tình trạng nhà “siêu mỏng”, “siêu méo” xuất hiện sau khi giải toả, như tại đường Bùi Đình Tuý, Q.Bình Thạnh mới đây.

Vướng mắc về giá bồi thường

Có một phần đất bị thu hồi để thực hiện dự án mở rộng đường Lò Lu, P.Trường Thạnh, TP.Thủ Đức, bà Nguyễn Thị Mười cho hay, giá bồi thường của Nhà nước thấp hơn nhiều so với giá giao dịch trên thị trường.

Phần đất còn lại sau giải toả của gia đình bà Mười đủ để mở một ki-ốt bán hàng, đây là nguồn thu thập chính của gia đình bà trong thời gian tới.

Theo bà Mười, giá trị phần đất còn lại chắc chắn sẽ tăng lên đáng kể khi dự án mở rộng đường hoàn thành. Nhưng nếu Nhà nước thu hồi thêm đất hai bên đường mà vẫn đền bù theo giá đã thu hồi trước đó để mở rộng đường thì quá thiệt thòi.

Nhà dân trên đường Cách Mạng Tháng Tám bị giải toả để nhường đất xây dựng tuyến Metro số 2

Nhà dân trên đường Cách Mạng Tháng Tám bị giải toả để nhường đất xây dựng tuyến Metro số 2

Tương tự, nằm ở mặt tiền đường Tô Ngọc Vân, TP.Thủ Đức, một phần căn nhà của gia đình ông Hà Văn Khoa nằm trong diện bị giải toả để mở rộng đường lên 30m. Theo ông Khoa, giá đất giao dịch thị trường ở tuyến đường này dao động từ 90 – 120 triệu đồng/m2. Trong các hẻm nhỏ, giá nhà đất từ 40 – 60 triệu đồng/m2.

Lợi ích từ việc mở rộng đường ai cũng thấy, bộ mặt đô thị khang trang hơn và đất đai cũng có giá hơn. Tuy nhiên điều quan trọng nhất là Nhà nước phải có phương án bồi thường phù hợp, hỗ trợ tái định cư cho người dân thật công bằng. Khi thấy những lợi ích đó chắc chắn không ai phản đối”, ông Khoa nói.

Chủ trương thu hồi thêm đất kề hạ tầng từng được đề xuất áp dụng tại dự án tuyến Metro số 2 dọc đường Cách Mạng Tháng Tám nhưng chưa nhận được sự đồng thuận.

Ông Lê Quang Thọ, người bị giải toả gần như hoàn toàn căn nhà trên đường Cách Mạng Tháng Tám cho biết, giá bồi thường không đủ cho ông mua nhà khác gần đó để tiếp tục công việc kinh doanh.

Từ nhà mặt tiền, sau khi bị giải toả, tôi chỉ có thể mua được căn nhà trong hẻm đường Phạm Văn Bạch. Ngược lại, những nhà trong hẻm trước đây thì nay đã thành mặt tiền”, ông Thọ nói.

Theo Chuyên gia kinh tế – TS. Lê Bá Chí Nhân, chủ trương thu hồi đất hai bên đường mới để bán đấu giá, bố trí tái định cư tại chỗ cho người dân, trên một số khía cạnh rất phù hợp, những nơi khác cũng đã áp dụng. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là lợi ích giữa Nhà nước và người dân phải hài hoà.

Khi người dân bị thu hồi đất được bồi thường với giá tương đương hoặc cao hơn giá thị trường thì họ sẽ có điều kiện tạo lập cuộc sống mới tốt hơn. Khi đó, chắc chắn sẽ tạo được sự đồng thuận.

Phương Anh Linh – Hồ Văn/Vietnamnet