Nắm chắc thời cơ, phát triển đột phá
Ngày 5-8-2020, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 59-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (NQ59).
NQ59 đề ra mục tiêu đến năm 2030 Cần Thơ là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng ÐBSCL; là trung tâm của vùng về dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao; là đô thị hạt nhân vùng ÐBSCL; đời sống vật chất và tinh thần của người dân đạt mức cao; tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc. Tầm nhìn đến năm 2045 Cần Thơ là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc sông nước vùng ÐBSCL; thuộc nhóm các thành phố phát triển khá ở châu Á.
NQ59 đã khẳng định quan điểm của Ðảng về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của Cần Thơ đối với ÐBSCL và cả nước. Từ đó, tạo sự thống nhất cao trong tư tưởng, nhận thức và hành động; đề ra các giải pháp mới mang tính mở đường để Cần Thơ tháo gỡ khó khăn, thu hút nguồn lực, tạo ra sự đột phá trong bối cảnh mới – cơ hội và thách thức đan xen. NQ59 cũng đồng thời tạo ra động lực và không gian phát triển mới cho Cần Thơ trong nhiệm kỳ 2020-2025 và những giai đoạn tiếp theo.
Cần Thơ phải làm gì để nắm chắc thời cơ từ NQ59 để khai thác thật tốt tiềm năng, phát triển đột phá là câu hỏi không chỉ dành cho các nhà quản lý, điều hành mà các nhà khoa học, các chuyên gia cũng đều suy nghĩ tìm câu trả lời. Nhân dịp Xuân mới 2021, Báo Cần Thơ đã phỏng vấn ông Huỳnh Văn Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế Xã hội TP Cần Thơ; ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ và Tiến sĩ Khoa học Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn về vấn đề này.
Ông Huỳnh Văn Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế – Xã hội TP Cần Thơ: Cần Thơ cần cơ chế đặc thù tương đồng với các thành phố trực thuộc Trung ương khác
Ông nhận định như thế nào về việc thực hiện 3 nhóm giải pháp then chốt về phát triển hạ tầng cơ sở, quy hoạch và quản lý quy hoạch, huy động các nguồn lực cho các mục tiêu đầu tư phát triển theo NQ59?
– Ðây là 3 nhóm giải pháp rất quan trọng, giúp TP Cần Thơ tạo ra tiềm lực mới cho sự phát triển và là đòn bẩy để thúc đẩy tăng trưởng trong ngắn, trung và dài hạn.
Hiện nay, chúng ta đang ở trong bối cảnh cả nước và vùng ÐBSCL đang phát triển kết cấu hạ tầng mạnh mẽ, với tốc độ rất nhanh. Ðây vừa là cơ hội, cũng vừa là điều kiện quan trọng để thúc đẩy Cần Thơ hoàn thiện nhanh kết cấu hạ tầng hiện hữu, nhất là những hạ tầng mang tính động lực phát triển vùng. Ðặc biệt là mạng lưới hạ tầng giao thông kết nối Cần Thơ và hệ thống giao thông của vùng, với các dự án đã được thể hiện rõ trong NQ59.
Quy hoạch TP Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 dự kiến hoàn thành trong năm 2021 là căn cứ để thành phố hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch đầu tư và kiến tạo động lực phát triển. Ðiểm mới của Quy hoạch là phương pháp tiếp cận tổng hợp, mang tính tích hợp quy hoạch và phối hợp đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực có liên quan đến kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Cả nước đã và đang thực hiện những cải cách thể chế mạnh mẽ để cải thiện chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh. Do đó, thành phố cần nhanh chóng hoàn thiện thể chế để tận dụng hiệu quả, đặc biệt là Luật Ðầu tư Công và Luật Ðầu tư, cho mục tiêu phát triển hoàn thiện kết cấu hạ tầng.
Cái khó của chúng ta hiện nay là thành phố chưa có cơ chế đặc thù thực sự hiệu quả để đáp ứng các yêu cầu phát triển mới. Theo ông, Cần Thơ cần cơ chế đặc thù như thế nào?
– Ðầu tiên, cơ chế này cho Cần Thơ cần tương đồng với các thành phố trực thuộc Trung ương khác. Trong đó, xoay quanh các biện pháp thúc đẩy tính hiệu quả sử dụng của các nguồn vốn: ngân sách, ODA, đầu tư của khu vực tư nhân và FDI. Trong trung hạn và dài hạn, tập trung các phương án theo hướng khuyến khích đầu tư của khu vực tư nhân và hợp tác công tư cho phát triển hạ tầng và phát triển kinh tế nói chung sau khi một số hạ tầng trọng yếu đi vào khai thác.
Cơ chế chính sách là quan trọng, nhưng vấn đề ưu tiên được xác định một cách rõ ràng và đưa cơ chế chính sách đó vào thực tiễn càng quan trọng hơn. NQ59 cũng đã tiếp tục xác định Cần Thơ là đô thị hạt nhân của vùng và có vai trò dẫn dắt. Muốn như vậy bắt buộc phải phát triển mạnh mẽ các lĩnh vực kinh tế tiềm năng như: công nghiệp, năng lượng, du lịch…
Vậy theo ông, thành phố cần làm gì để đẩy mạnh thu hút đầu tư trong thời gian tới?
– Theo tôi, thành phố cần tập trung thực hiện quy hoạch một cách tốt nhất. Quy hoạch mới chính là một bản thuyết minh tuyệt vời nhất cho thu hút đầu tư. Ðiều đặc biệt hơn, đó không phải là một quy hoạch riêng lẻ của một địa phương, mà là một phần trong sự phát triển không thể tách rời với vùng ÐBSCL và trong mối quan hệ với Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực Ðông Nam Bộ.
Trong định hướng quy hoạch sắp tới, cần làm sao để quá trình đô thị hóa gắn liền với quá trình chuyển đổi số để tận dụng tốt hơn các cơ hội kinh tế, xã hội và điều kiện tự nhiên. Một nền tảng kỹ thuật số sẽ cho phép ứng dụng công nghệ vào việc kiểm soát và quản lý các vấn đề về biến đổi khí hậu; quản lý các vấn đề xã hội nảy sinh trong quá trình phát triển đô thị và xây dựng hệ thống cảnh báo sớm các rủi ro thông qua việc kết nối mạnh mẽ giữa chính quyền và người dân. Do đó, xây dựng trung tâm công nghệ thông tin tập trung là việc cần được ưu tiên trong phát triển đô thị thông minh.
Ngoài ra, không gian đô thị nên được mở rộng về phía Tây để giảm bớt các áp lực đang tập trung tại khu vực đô thị dọc theo sông Hậu.
Xin cảm ơn ông!
Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Chi nhánh Cần Thơ: Thành phố cần có “ngành kinh tế đặc trưng” với hạ tầng và chính sách tương thích
NQ59 nhận định: Hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố có quy mô nhỏ, chậm đổi mới công nghệ, chậm nắm bắt cơ hội thị trường… Theo ông chúng ta có thể làm gì để khắc phục các điểm yếu này?
– Mặc dù là địa phương có số doanh nghiệp lớn, quy mô bình quân cao hơn nhiều tỉnh trong vùng, nhưng thành phố vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp mang tính dẫn đắt, đi đầu trong lĩnh vực công nghệ để tạo “sức kéo” cho kinh tế thành phố.
Ðể khắc phục, tôi nghĩ trước tiên cần đánh giá lại những ngành mang tính chiến lược của thành phố. Cần có chiến lược giảm bớt đầu tư ngành sản xuất không phải trọng tâm như trồng trọt, chăn nuôi, da giày, may mặc hay chế biến, mà tập trung hơn cho các trung tâm công nghệ, khu công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các ngành thương mại dịch vụ như logistics, tài chính, vận tải, giáo dục, du lịch, giải trí… Kế đến là thu hút đầu tư từ bên ngoài, ưu tiên cho các ngành mà thành phố xem là “chiến lược” để tạo dựng lực lượng doanh nghiệp có cùng ngành có thế mạnh, được xem là “ngành kinh tế đặc trưng” của thành phố.
Tôi cũng xin nhấn mạnh là cần có một hạ tầng và chính sách tương thích. Chẳng hạn trung tâm logistics, khi đó các doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics sẽ phát triển mạnh hơn, hay trung tâm công nghệ thông tin, phần mềm, để tạo ra một ngành kinh tế công nghệ dẫn dắt.
Chúng ta – thành phố và doanh nghiệp – cần làm gì để đạt đến mục tiêu về cơ cấu kinh tế, dặc biệt là mục tiêu tổng sản phẩm công nghệ cao mà NQ59 đặt ra, thưa ông?
– Tôi cho rằng đây là mục tiêu phù hợp với điều kiện và năng lực phát triển của thành phố trong giai đoạn này và sắp tới nếu như thành phố có được sự đầu tư tương thích và cơ chế dành riêng cho sự phát triển. Tuy nhiên nó sẽ là một thách thức lớn nếu như không có sự điều chỉnh về quy hoạch và đầu tư nguồn lực.
TP Cần Thơ đang có một điều kiện thuận lợi là trung tâm kinh tế vùng, nơi có lực lượng doanh nghiệp hội tụ với năng lực sản xuất hiệu quả cao. Cần Thơ đóng vai trò đầu tàu trong giáo dục và nghiên cứu khoa học trong vùng, có nhiều trường đại học, trong đó Trường Ðại học Cần Thơ đang dẫn dắt về khoa học công nghệ. Ðể đạt mức tổng sản phẩm công nghệ cao, trước hết cần phải hình thành được trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ, trung tâm công nghệ cao để thu hút doanh nghiệp về đầu tư và sản xuất sản phẩm về công nghệ. Các ngành công nghệ chế biến, công nghệ sinh hóa học, hay thậm chí công nghệ thông tin, Trường Ðại học Cần Thơ đang có thế mạnh nên sẽ là thuận lợi cho cung ứng nguồn nhân lực cho doanh nghiệp. Vấn đề còn lại là hạ tầng và chính sách khuyến khích, ưu đãi phù hợp cho các lĩnh vực cần đầu tư.
Cuối cùng, để thật sự trở thành thành phố trung tâm động lực của vùng ÐBSCL, theo ông, Cần Thơ cần chú ý điều gì trong chiến lược phát triển kinh tế địa phương và quản trị hành chính công?
– Quản trị công và chiến lược phát triển kinh tế địa phương là hai nội dung theo tôi có ý nghĩa lớn đối với bối cảnh phát triển của Cần Thơ.
Tôi nghĩ ngoài những chủ trương chung của Ðảng, Chính phủ hay nguồn lực địa phương, Cần Thơ cần mạnh dạn huy động nguồn lực từ doanh nghiệp và quốc tế. Cần tính tới một sự ủng hộ từ Trung ương cho phép thu hút nguồn vốn vay trái phiếu để phục vụ phát triển riêng cho thành phố. Cần Thơ cũng cần có một sự hợp tác đúng nghĩa với các tỉnh trong vùng để phân bổ lại nguồn lực dựa trên lợi thế mỗi địa phương.
Cần có một sự tiếp cận mới hay thay đổi lớn trong quản trị nhà nước, trong đó năng lực cán bộ quản lý phải được nâng lên theo yêu cầu của xã hội. Cán bộ công chức cần được trang bị kiến thức về kinh tế hiện đại, các mô thức quản trị mới, tinh thần trách nhiệm cao hơn. Ðặc biệt là xây dựng những mô hình quản trị mới trong cải cách thể chế, thủ tục hành chính.
Xin cảm ơn ông!
Tiến sĩ khoa học Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn: Thành phố Cần Thơ cần một triết lý phát triển đô thị phù hợp
TP Cần Thơ cần quy hoạch, phát triển theo tư duy và triết lý nào để định vị mình trong sự cạnh tranh – kết nối với mạng lưới các đô thị trên cả nước, trong khu vực, thưa ông?
– TP Cần Thơ cần một triết lý phát triển đô thị phù hợp trên cơ sở lấy yếu tố con người làm trung tâm. Trong đó, bản sắc đô thị phải phù hợp với giá trị và tiềm năng phát triển của địa phương; đảm bảo được các lợi ích chung hài hòa với lợi ích riêng; tổng thể hài hòa với sự phát triển của TP Cần Thơ, của vùng ÐBSCL trong bối cảnh chung phát triển đất nước. Quan trọng nhất là đáp ứng được các hoàn cảnh chủ quan và khách quan, nhu cầu và mong muốn của các chủ thể. Các chủ thể đó là: chính quyền, nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân, chuyên gia. Trong đó, Cần Thơ cần phải:
Thứ nhất, phát triển quan hệ hợp tác và hạ tầng đa trung tâm kết nối liên vùng xứng tầm với vị thế là đô thị trung tâm vùng ÐBSCL.
Thứ hai, tổ chức quy hoạch Cần Thơ theo hệ khung sườn sông nước kênh rạch và giao thông công cộng, phối hợp tốt với các loại hình giao thông khác. Trong đó, đô thị được tổ chức theo tuyến và cụm kết nối với nhau để tạo động lực phát triển TOD (Transit Oriented Development – phát triển gắn kết với giao thông công cộng).
Thứ ba, mở rộng cải tạo đô thị và nông thôn Cần Thơ theo chiến lược bảo vệ môi trường và ứng phó tốt với biến đổi khí hậu, với hai mục tiêu chính: đưa Cần Thơ nói riêng và vùng ÐBSCL nói chung, ra khỏi danh sách những vùng đất có nguy cơ lớn nhất trên thế giới khi nước biển dâng; phát triển Cần Thơ theo chiến lược đô thị xanh và kiến trúc xanh.
Thứ tư, gia tăng giá trị bản sắc Cần Thơ, thông qua việc bảo vệ di sản thiên nhiên và di sản quy hoạch kiến trúc, để giữ gìn giá trị truyền thống và phát huy bản sắc mới hòa hợp với bản sắc hiện có. Trong đó, dưới áp lực phát triển tự phát của kinh tế thị trường, cần phát triển giá trị đô thị sông nước, kênh rạch, kiến trúc truyền thống với phong tục, tập quán sinh hoạt phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội, văn hóa của địa phương.
Thứ năm, hướng đến một Cần Thơ hội nhập quốc gia và quốc tế, gắn kết với kế hoạch thực hiện quy hoạch, chính sách, chương trình thu hút vốn đầu tư tư nhân và đầu tư từ nước ngoài, ít lệ thuộc vào nguồn được cấp hằng năm từ ngân sách Trung ương.
Theo ý tưởng của ông TP Cần Thơ cần làm thế nào thu hút vốn đầu tư tư nhân và đầu tư từ nước ngoài, ít lệ thuộc vào nguồn được cấp hằng năm từ ngân sách Trung ương?
– Công tác chuẩn bị, từ định hướng chiến lược, quy hoạch,… cho đến các kế hoạch thực hiện quy hoạch và chính sách khuyến khích đi kèm cần được cân nhắc từ góc độ đa ngành. Trong đó, cần chú trọng góc độ tư duy kinh tế thị trường. Nhờ đó, Cần Thơ sẽ có được các điều kiện cần và đủ cho việc tạo ra nhiều cơ hội đầu tư với hiệu suất lợi nhuận cao, giúp thu hút đầu tư mạnh mẽ. Ðồng thời vẫn phục vụ tốt cho các nhu cầu an sinh xã hội, phát triển kinh tế phục vụ cho người dân và phát triển bền vững thành phố về lâu dài.
Ðó là cách thức để chính quyền TP Cần Thơ có thể huy động được nguồn vốn xã hội hóa cần thiết từ khu vực tư nhân, các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Ông có thể chia sẻ những mô hình phát triển đô thị phù hợp với TP Cần Thơ?
– Tôi cho là với đặc điểm đô thị sông nước, Cần Thơ có thể học hỏi từ kinh nghiệm đi trước của nhiều đô thị sông nước trên thế giới, như Amsterdam (Hà Lan), Tô Châu (Trung Quốc), New Orleans (Mỹ)… Cần Thơ đi sau, nên có thể chọn lọc kinh nghiệm và có những lợi thế riêng trong việc phát triển theo hướng: đô thị thông minh; đô thị thân thiện với người đi bộ, với mạng lưới kết nối giao thông công cộng hiệu quả TOD; đô thị sinh thái với nhiều không gian xanh mặt nước; đô thị phát triển bền vững với xu hướng tập trung có chọn lọc theo tuyến và cụm, không phát triển dàn trải.
Tôi tin TP Cần Thơ sẽ ngày càng phát triển, giúp nâng cao vị thế cạnh tranh quốc tế của vùng ÐBSCL với các vùng đô thị khác trong khu vực.
Xin cảm ơn ông!
Anh Khuyên/Báo Cần Thơ