Hội thảo tìm nguyên nhân lũ quét, sạt lở đất ở miền Trung
Ngày 16/1, tại Hội An đã diễn ra Hội thảo “Thiên tai lũ quét, sạt lở đất ở khu vực miền Trung – nguyên nhân và giải pháp giảm thiểu” do Tổng hội Xây dựng Việt Nam và UBND tỉnh Quảng Nam chủ trì, cùng với sự phối hợp tổ chức của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, UBND tỉnh Quảng Ngãi. Hội thảo thu hút khoảng 200 chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, lãnh đạo các cơ quan Trung ương, các tỉnh/thành phố cũng như các tổ chức khoa học, xã hội…
Theo thống kê của Tổng cục Phòng, chống thiên tai, cả nước đã xảy ra 20 trận lũ quét trên địa bàn các tỉnh miền núi lũ quét, sạt lở đất diễn ra khắp cả nước làm: 131 người chết và mất tích, 89 người bị thương. Trước tác động của biến đổi khí hậu, diễn biến thiên tai ngày càng bất thường và cực đoan, gây thiệt hại lớn về người, tài sản, cơ sở hạ tầng; Hội thảo “Thiên tai lũ quét, sạt lở đất ở khu vực miền Trung – nguyên nhân và giải pháp giảm thiểu” thảo luận về các giải pháp phòng chống hiệu quả đã thực hiện; chia sẻ kinh nghiệm về tổ chức bộ máy, lực lượng, cơ chế điều phối của các Bộ, ngành, địa phương đối với công tác phòng, chống lũ quét, sạt lở đất. Đồng thời đề xuất các giải pháp phòng, chống nhằm giảm thiểu thiệt hại; giới thiệu những kết quả nghiên cứu về ứng dụng công nghệ tiên tiến phục vụ công tác giám sát, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất như ảnh vệ tinh, công nghệ AI, IOT, WSN,…
Tại đây, TS. Đặng Việt Dũng – Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cũng chỉ ra nguyên nhân và giải pháp phòng tránh lũ quét, sạt lở; Nguyên nhân nội tại bao gồm độ dốc sườn, mức độ liên kết của đất đá, chiều dày lớp phong hóa, mức độ uốn nếp, phân cắt của địa hình. Nguyên nhân bên ngoài bao gồm diễn biến bất thường của thời tiết như thời gian mưa, cường độ mưa, mức độ bao phủ của thảm thực vật và các hoạt động xây dựng của con người trong khu vực như việc khai thác lưu vực, hoạt động chặt phá rừng, lấn chiếm hành lang thoát lũ, xây dựng các hồ chứa, cắt xẻ, san gạt sườn đồi, núi làm khu dân cư hay các công trình thiết yếu. Đối với thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất thì nguyên nhân đến từ công tác quy hoạch lựa chọn đất xây dựng, đánh giá ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khi xây dựng các công trình, năng lực cảnh báo và dự báo, khả năng phản ứng và nhận thức của cộng đồng trước thiên tai.
Nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, chính quyền các cấp đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp phi công trình và công trình. Các biện pháp phi công trình bao gồm nâng cao năng lực dự báo như phát triển hệ thống đo mưa tự động, xây dựng hệ thống cảnh báo lũ quét, sạt lở. Xây dựng bản đồ phân vùng nguy cơ xảy ra lũ quét sạt lở đất với tỷ lệ thích hợp (1/5000 với cấp huyện, 1/1000 -1/2000 với cấp xã) nhằm sắp xếp lại dân cư, di dời người dân trong vùng nguy cơ cao xảy ra thiên tai đến định cư ở nơi an toàn; quy hoạch phát triển dân sinh kinh tế xã hội và cơ sở hạ tầng.
Tăng cường đảm an toàn đập, hồ chứa nước trên địa bàn, đặc biệt đối với các hồ chứa nhỏ, hồ chứa đã xuống cấp; kiểm tra phương án bảo vệ dân cư vùng hạ lưu khi hồ chứa phải xả lũ khẩn cấp hoặc nguy cơ xảy ra sự cố vỡ đập. Kịp thời hỗ trợ thiệt hại và ổn định sản xuất cho người dân. Các biện pháp công trình bao gồm nhà chống lũ, kè, tường chắn, công trình thoát lũ, trồng rừng… Các giải pháp đưa ra khá đồng bộ, nhưng trong điều kiện nguồn lực hạn chế, thời tiết biến đổi bất thường, vẫn cần áp dụng những giải pháp cấp bách trước mắt, phù hợp với từng địa phương khu vực.
Cũng tại Hội thảo các chuyên gia, nhà khoa học đã giới thiệu các công nghệ mới bao gồm: công nghệ thông tin địa lý (GIS) và trí tuệ nhân tạo (AI) để dự báo sạt lở đất; công nghệ IOT và WSN nhằm cảnh báo sớm sạt lở đất và lũ quét; công nghệ ảnh vệ tinh không ảnh kết hợp với trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc theo dõi giám sát và phòng, chống lũ quét, sạt lở đất; và phương pháp cảnh báo lũ quét theo thời gian thực áp dụng cho khu vực miền Trung. Đây là những công nghệ mới do chính người Việt Nam nghiên cứu và đã được áp dụng thí điểm có kết quả ở một số địa phương. Rất cần sự quan tâm cho phép ứng dụng để kịp thời cảnh báo cho địa phương di dời dân giảm thiểu tổn thất.
Đinh Hằng/Tạp chí kiến trúc