02/12/2020

Kết nối hạ tầng để phát triển

Phát triển đô thị bền vững luôn phải bảo đảm việc kết nối hạ tầng để tạo sự liên kết, phát triển hài hòa, đồng bộ mọi lĩnh vực, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội đang được giao làm chủ đầu tư, nghiên cứu trên phạm vi toàn bộ địa giới hành chính thành phố Hà Nội, các đô thị theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, bao gồm một đô thị trung tâm và năm đô thị vệ tinh gồm: Sơn Tây, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Xuân Mai, Hòa Lạc; ba đô thị sinh thái gồm: Thị trấn Quốc Oai, thị trấn Phúc Thọ, thị trấn Chúc Sơn; 11 thị trấn huyện lỵ của các huyện. Đây là nhiệm vụ thực hiện đề cương Chương trình phát triển đô thị toàn TP Hà Nội đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050 đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt.

hatang-1606879787168

Khu vực phía tây Hà Nội trong những năm gần đây được đẩy mạnh đầu tư hạ tầng kỹ thuật hiện đại. Ảnh: DUY LINH

Theo Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, mục tiêu của Chương trình phát triển đô thị nêu trên nhằm cụ thể hóa các chỉ tiêu phát triển đô thị, danh mục và lộ trình triển khai thực hiện các quy hoạch xây dựng đã được duyệt. Tạo công cụ quản lý và phát triển hệ thống đô thị trên địa bàn Hà Nội, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh tại mỗi vùng lãnh thổ, gắn với các quy hoạch ngành, lĩnh vực; đồng thời tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội tại khu vực đô thị phù hợp với chương trình phát triển đô thị quốc gia, khả năng huy động nguồn lực thực tế tại địa phương cho từng giai đoạn năm năm…

Các chuyên gia cho rằng, triển khai xây dựng các đô thị vệ tinh sẽ tạo điều kiện thuận lợi giảm áp lực về dân số, về hạ tầng kỹ thuật cho đô thị trung tâm và nhất là đẩy nhanh tiến độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đổi mới cơ cấu đầu tư và vai trò thúc đẩy phát triển vùng và cả nước. Cả năm đô thị vệ tinh khi được xây dựng đồng bộ có khả năng tiếp nhận hơn 1,4 triệu người dân, chiếm khoảng 15% dân số của Hà Nội vào năm 2030. Đây cũng là một trong những giải pháp nhằm giãn dân khu vực nội đô ra ngoại thành.

Riêng về khu vực phía tây Hà Nội, hơn 10 năm trở lại đây, hệ thống hạ tầng, giao thông kết nối trung tâm với khu vực này đã được đầu tư mạnh mẽ. Nhiều dự án hạ tầng giao thông lớn đã và đang được hình thành, như Đại lộ Thăng Long, tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông, trục đường hướng tâm Tố Hữu – Lê Văn Lương. Rồi các trục giao thông chính được mở rộng, nâng cấp như tuyến đường nối Nguyễn Xiển – Đại lộ Chu Văn An – Xa La; tuyến đường Vành đai 2,5… Rõ ràng, những dự án hạ tầng được đầu tư với hàng nghìn tỷ đồng đã tạo ra một “cú huých” lớn cho kế hoạch xây dựng khu đô thị vệ tinh phía tây.

Phát triển đô thị vệ tinh sẽ giải quyết được những áp lực đô thị trung tâm như ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, nhất là tạo ra sự đồng đều trong quá trình phát triển giữa các khu vực. Việc triển khai xây dựng năm đô thị vệ tinh gắn với xử lý tốt hơn những vấn đề về nhà ở, chất thải và bảo đảm vệ sinh môi trường, xây dựng nếp sống văn minh đô thị sẽ thúc đẩy kế hoạch phát triển khu đô thị. Vì vậy, thành phố Hà Nội cần huy động mọi nguồn lực, tạo bước đột phá đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là về giao thông và hạ tầng kỹ thuật khung, đẩy nhanh quá trình xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

 Nguyễn Vũ/Báo Nhân dân