25/11/2020

Bất cập trong công tác quản lý vỉa hè: Người đi bộ bị lãng quên

Tại hội thảo “Giao thông cho người đi bộ – Sự tham gia của cộng đồng với ứng dụng công nghệ tại Hà Nội”, diễn ra ngày 24/11, nhiều chuyên gia đã bày tỏ sự bức xúc trước thực trạng người đi bộ bị lãng quên.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên xuất phát từ những bất cập trong công tác quản lý đô thị, ý thức của các hộ kinh doanh mặt phố, thậm chí cả hạn chế trong tổ chức quy hoạch.

Lỗi từ nhiều phía

Theo PGS.TS.KTS Đỗ Tú Lan – chuyên gia trong lĩnh vực hạ tầng đô thị, đến thời điểm này, các quy định đều khẳng định vỉa hè là không gian dành cho người đi bộ. Nhưng trên thực tế, vỉa hè hiện đã không còn đáp ứng được nhu cầu đi bộ của người dân do bị xuống cấp hay biến thành nơi dừng đỗ phương tiện, tập kết rác, chiếm hữu làm nơi kinh doanh… Thậm chí, thiết kế vỉa hè cũng sai đã khiến người đi bộ buộc phải xuống lòng đường.

“Hiện nay, chúng ta đang phát triển một số loại giao thông công cộng như xe buýt, tuyến metro…, để kết nối giữa các loại hình vận tải này rất cần đến phần đường cho người đi bộ. Tuy nhiên, lối đi dành cho khách bộ hành đang bị lấn chiếm, chia cắt bởi hành vi vi phạm trật tự đô thị, dẫn đến không đảm bảo tính xuyên suốt, chỗ đi được, chỗ thì không. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc thông kết tuyến” – PGS.TS.KTS Đỗ Tú Lan chia sẻ.

 Xe máy để trên vỉa hè trên phố Hàng Bạc. Ảnh: Thanh Hải

Xe máy để trên vỉa hè trên phố Hàng Bạc. Ảnh: Thanh Hải

Đồng quan điểm về thực trạng vỉa hè bị chiếm dụng làm nơi kinh doanh gây cản trở giao thông, nhiều chuyên gia thẳng thắn chỉ ra những loại hình vi phạm và trách nhiệm của từng đơn vị có liên quan. Nhóm đầu tiên và lớn nhất có xu hướng chiếm lĩnh không gian chung của người đi bộ là người có cửa hàng hoặc thuê cửa hàng mặt phố. Trong đó, nguyên nhân để xảy ra tình trạng trên xuất phát từ ý thức kém của một số người dân và sự yếu kém trong quản lý của chính quyền sở tại, thậm chí sự chia sẻ lợi ích. Nhóm thứ hai, là người buôn bán vãng lai. Nhóm này chiếm dụng vỉa hè trong thời gian chốc lát, khi lượng chức năng kiểm tra thì di chuyển ngay nhưng sau đó vẫn tái phạm. Để xảy ra tình trạng trên, lỗi thuộc về lực lượng chức năng quản lý địa bàn.

Vỉa hè tại nhiều tuyến đường trên địa bàn TP Hà Nội vẫn đang bị chiếm dụng làm nơi dừng đỗ phương tiện hoặc bị biến thành nơi tập kết xe rác, rác của công ty vệ sinh môi trường… Với những hành vi này, người dân gần như là nạn nhân, trách nhiệm chính thuộc về công tác quy hoạch đô thị, lỗi của chính quyền địa phương.

Theo phân tích của PGS.TS.KTS Đỗ Tú Lan, hiện nay, nhiều đoạn vỉa hè đã và đang bị chia cắt do các điểm tập kết xe chở rác, rác của đơn vị vệ sinh môi trường… Song, người dân dù có bức xúc đến mấy cũng không thể xử lý được. Tương tự, với tình trạng dừng đỗ tạm thời để mua bán tại các cửa hàng mặt phố, một phần do ý thức kém của người dân, song phần khác còn do thiếu điểm đỗ xe tĩnh trên các tuyến đường.

Hài hòa các chức năng của vỉa hè

Theo TS.KTS Lê Thị Bích Thuận – Phó Tổng thư ký, Tổng hội Xây dựng Việt Nam, vỉa hè đô thị là yếu tố đặc trưng của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa tại Hà Nội. Đây là hệ thống hành lang không gian giao thông – văn hóa – kinh tế xanh của đô thị. Đó cũng là hành lang văn hóa đặc trưng của TP, không gian tổ chức các hoạt động văn hóa cộng đồng, phản chiếu “sức sống” của đô thị Hà Nội trong việc hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo lập sinh thái đô thị.

Đồng quan điểm, PGS.TS Vũ Thị Vinh – nguyên Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kiến trúc cho hay, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nền kinh tế phi chính thức có thể tạo ra việc làm cho 30% dân số và là nguồn cung ứng thực phẩm quan trọng. Bên cạnh đó, do nền kinh tế xuất phát điểm là nông nghiệp nên những hoạt động kinh doanh trên vỉa hè đã là một phần tự nhiên của Việt Nam… Đến nay, vấn đề “kinh tế vỉa hè” đã có nhiều thông tin, tài liệu đề cập, nhiều văn bản pháp lý được ban hành, hướng đến việc quản lý hoạt động trên vỉa hè cho phù hợp. Tuy nhiên, vấn đề là thực thi như thế nào sẽ mang tính quyết định.

“Quan điểm xuyên suốt và bao trùm khi giải quyết vấn đề này là không thể xóa bỏ hoàn toàn hoạt động kinh tế trên vỉa hè, mà cần xác định quan điểm giải quyết là chỉ nên sắp xếp lại sao cho trật tự. Trong đó, cần sắp xếp, bố trí các tuyến đường cho phép kinh doanh và quy định thời gian để đảm bảo hài hòa giữa một bên là vấn đề mưu sinh của người dân, một bên là trật tự, mỹ quan đô thị” – PGS.TS Vũ Thị Vinh nhấn mạnh.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia cho rằng, để quản lý tốt vỉa hè, đảm bảo các tuyến đi bộ hợp lý, TP cần thiết phải có một hệ thống chế tài đủ mạnh và phù hợp với điều kiện thực tế. Bởi, mục tiêu cơ bản là đảm bảo tuyến đi bộ thông suốt qua các con đường vỉa hè nhưng không có nghĩa dành toàn bộ vỉa hè cho người đi bộ. Từ đó, cần xác định rõ các đối tượng được sử dụng vỉa hè cho những mục tiêu khác đi bộ, ứng với điều kiện của từng tuyến… Thậm chí, sau khi nghiên cứu có thể tổ chức cho thuê vỉa hè vào những mục đích đã được quy định.

Theo một nghiên cứu về công tác quản lý hè phố được công bố, có 8 tuyến phố gồm: Trương Định, Đê La Thành, Trần Khát Chân, Đại Cồ Việt, Tam Trinh, Láng, Tây Sơn, Khâm Thiên tỷ lệ lấn chiếm vỉa hè trên 70%. Các tuyến phố Đại La, Minh Khai, Thái Hà, Tràng Thi, Tràng Tiền, Huế, Giải Phóng, Lạc Long Quân, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Lương Bằng tỷ lệ lấn chiếm vỉa hè từ 35 – 70%. Các tuyến phố lấn chiếm vỉa hè từ 1 đến dưới 35% gồm Nguyễn Trãi, Nguyễn Xiển, Nguyễn Khoái, Trần Hưng Đạo, Xã Đàn, Huỳnh Thúc Kháng, Kim Mã, Khuất Duy Tiến, Phạm Hùng.

Vân Nhi/Kịnh tế Đô thị