Nguồn nguyên phế thải xây dựng đang bị lãng phí
Với tốc độ đô thị hóa và phát triển kinh tế nhanh, các hoạt động xây dựng diễn ra ngày càng nhiều dẫn đến nhu cầu về tháo dỡ công trình gia tăng, tạo ra một lượng phế thải lớn được gọi là phế thải xây dựng (PTXD), chiếm tới 15% tổng lượng chất thải rắn tại đô thị.
Để tận dụng tối đa nguồn phế thải này, bảo vệ môi trường, các chuyên gia cho rằng cần phải có giải pháp để tái chế phù hợp.
Nan giải phế liệu xây dựng
Số liệu báo cáo từ Bộ TN&MT, mỗi ngày tại những đô thị lớn của Việt Nam, như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng… lượng chất thải rắn phát sinh ra môi trường khoảng 50.000 – 60.000 tấn, PTXD chiếm từ 12 – 15% tổng số lượng chất thải rắn đô thị. Trong khi đó, hiện nay các đô thị có khoảng trên 2.200 căn hộ (khoảng 6 triệu m2) được xây dựng vào thập niên 70 – 80 của thế kỷ trước, khoảng 90% đã bị xuống cấp nghiêm trọng.
“Từ năm 2007, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 34/2007/NQ-CP về giải pháp cải tạo và tái thiết chung cư bị hư hỏng, xuống cấp. Vì vậy, trong những năm tới, một lượng lớn PTXD sẽ được thải ra ở những TP lớn hoặc khu vực đô thị. Thực trạng này sẽ gây ra những áp lực lớn lên môi trường nếu không được xử lý tận gốc” – đại diện Bộ TN&MT cho hay.
Theo KS Ngô Kim Tuân – Đại học Xây dựng Hà Nội, thành phần của PTXD, gồm: 36% đất, sỏi, cát; 31% gạch và khối xây; 23% bê tông; còn lại 10% là nhựa và kim loại. Trong khi đó, phương pháp xử lý phổ biến nhất ở Việt Nam hiện nay là đổ bừa bãi ra môi trường và chôn tại những bãi chôn lấp. Tại đô thị lớn, khoảng 50 – 55% lượng PTXD sinh ra hàng ngày đều được thải bỏ ở bãi chôn lấp, vật liệu có thể bán được như thép, kim loại, gỗ, nhựa được phân loại tại các điểm tập kết và bán cho người tái chế.
“Lượng PTXD còn lại chủ yếu được thải bỏ theo hình thức đổ thải bất hợp pháp. Việc cải thiện việc đổ thải bất hợp pháp PTXD là một thách thức lớn đối với tất cả các bên liên quan, cần phải có biện pháp đối phó hiệu quả để ngăn chặn” – KS Ngô Kim Tuân cho hay.
KS Trần Công Hưng – Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho biết, việc xử lý nguồn PTXD bằng hình thức chôn lấp không chỉ gây ra nguy cơ về ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị; công tác xử lý, dọn dẹp các bãi phế thải bất hợp pháp đang tiêu tốn một lượng tài chính không nhỏ đối với chính quyền đô thị.
Quy định đã có nhưng khó thực thi
Thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều quy định có liên quan đến việc xử lý PTXD. Cụ thể, Luật Xây dựng năm 2014 quy định rằng các nhà thầu xây dựng phải chịu trách nhiệm về quản lý PTXD; Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 quy định rằng PTXD sẽ được thu thập, xử lý đầy đủ; hay Nghị định về Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình năm 2009 quy định, nhà thầu xây dựng phải vận chuyển và thải bỏ PTXD tại những nơi được chỉ định. Cùng với đó là một số chiến lược nhằm quản lý, tái chế nguồn PTXD, như: Chiến lược quản lý chất thải rắn tại các đô thị, khu công nghiệp Việt Nam; Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2010 với tầm nhìn đến năm 2020; Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Dự kiến đến năm 2050, tất cả chất thải rắn sẽ được thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý toàn diện bằng các công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, phù hợp với từng địa phương.
Đặc biệt, tầm quan trọng của nghiên cứu, thúc đẩy tái chế chất thải được nhấn mạnh trong Luật Bảo vệ môi trường mới được sửa đổi; Chiến lược quốc gia về quản lý chất thải rắn theo Quyết định số 609/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch xử lý chất thải rắn tại Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, sẽ được chia thành ba khu vực để thu gom và xử lý chất thải rắn.
“Các thành phần chính của phế thải xây dựng như đất, gạch, bê tông có thể được tái chế, tái sử dụng bằng cách xử lý, quản lý thích hợp và có thể được sử dụng cho các công trường xây dựng khác. Ví dụ, đất dùng để sản xuất gạch đất sét, sỏi và cốt liệu có thể dùng cho vật liệu nền đường, sản xuất bê tông… Việc sử dụng vật liệu tái chế góp phần trực tiếp để tiết kiệm tài nguyên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường” – KS Ngô Kim Tuân nhận định.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, mặc dù cơ quan quản lý Nhà nước đã ban hành chiến lược, quyết định về quản lý chất thải rắn nhưng hiện tại vẫn chưa có hướng dẫn kỹ thuật chi tiết để thúc đẩy việc xử lý, tái chế PTXD. Bên cạnh đó, những tiêu chuẩn cần thiết cho vật liệu tái chế từ PTXD và hướng dẫn về việc sử dụng vật liệu tái chế (ví dụ như vật liệu nền đường, cốt liệu bê tông…) chưa được quy định đầy đủ. PTXD có giá trị lớn cho việc tái sử dụng và tái chế, tuy nhiên, hiện các nhà máy, cơ sở tái chế PTXD vẫn chưa được phát triển.
Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) chỉ ra rằng, mỗi năm Việt Nam bị thiệt hại tới 5% GDP, tương đương với 10 tỷ USD vì môi trường ô nhiễm, chủ yếu do chất thải ngày một nhiều hơn nhưng không được thu gom, xử lý tốt, trong đó 25 – 30% là rác thải xây dựng. Với tốc độ kinh tế phát triển và đô thị hóa hiện nay, lượng rác thải ở các đô thị tăng gần 9% mỗi năm và đến năm 2030 tổng lượng chất thải cả nước ước đến 54 triệu tấn. Nếu biết quản lý, tận dụng và xử lý đúng quy chuẩn, những chất thải này có thể trở thành vật liệu tiềm năng để tái sử dụng, thay thế các loại vật liệu khai thác tự nhiên.
“Trong khi những nguồn tài nguyên phục vụ cho xây dựng bị khai thác ngày càng nhiều, có nguy cơ cạn kiệt, thì việc chôn lấp nguồn PTXD là một sự lãng phí lớn đối với nguồn tài nguyên, vì vậy cần phải có giải pháp tái chế đối với nguồn phế thải này”.” – KS Trần Công Hưng – Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam
Mai Vân/Kinh tế Đô thị