Kiến tạo khu đô thị thông minh và đáng sống tại Việt Nam
Một khu đô thị thông minh và đáng sống đạt chuẩn như thế nào, kinh nghiệm thế giới áp dụng thế nào với hoàn cảnh của Việt Nam đã được làm rõ tại Tọa đàm “Kiến tạo khu đô thị (KĐT thông minh) và đáng sống: Mô hình cho Việt Nam”. Tọa đàm diễn ra vào ngày 13/11. Tọa đàm do Hiệp hội bất động sản (BĐS) việt Nam bảo trợ, Tạp chí điện tử BĐS Việt Nam và Viện Nghiên cứu BĐS Việt Nam tổ chức.
Trên cơ sở phân tích những bài học kinh nghiệm trên thế giới, Tọa đàm đã tập trung luận bàn về mô hình phù hợp với Việt Nam; phân tích vai trò của nhà tư vấn quy hoạch trong việc phát triển khu đô thị thông minh và đáng sống. Thông qua đó, các nhà phát triển BĐS và các chuyên gia quy hoạch đã cùng trao đổi và thảo luận, đưa ra những giải pháp thiết thực nhất cho lộ trình kiến tạo khu đô thị thông minh và đáng sống; góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng cư dân và sự bền vững của thị trường BĐS, của quá trình phát triển đô thị.
Theo đó, với đô thị thông minh hiện nay, công nghệ là công cụ, phương tiện, hướng đến chất lượng đáng sống của từng đô thị, tính cạnh tranh của từng đô thị, quản trị và an ninh an toàn sống trong khu đô thị. Đặc biệt là khả năng thích ứng, ứng phó với các tình huống bất thường của biến đổi khí hậu, dịch bệnh, thiên tai có thể xảy ra trong đô thị.
Xây dựng một hệ sinh thái mang lại đời sống chất lượng cao cho người dân
Chiến lược phát triển đô thị thời gian tới được đề cập tại Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII có nhắc tới nội dung phát triển đô thị Việt Nam ứng dụng công nghệ mới. Dần dần Việt Nam cũng sẽ hình thành hệ thống các đô thị thông minh tập trung vào 3 miền Bắc – Trung – Nam. Hà Nội đang là nơi thí điểm nhiều khu đô thị thông minh như ở khu vực phía Bắc sông Hồng, tương tự TP.HCM là phát triển thành phố trong thành phố ở khu vực phía Đông, miền Trung là Đà Nẵng. Đây là những thành phố tiên phong đi đầu.
Cùng với đó, năm 2019, Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị cũng nêu mục tiêu cụ thể có ít nhất 3 đô thị thông minh. Như vậy có thể nói, không thể tự nhà đầu tư có thể làm được các khu đô thị thông minh và đáng sống, mà phải theo bộ khung của Nhà nước.
Khu đô thị thông minh là một hệ sinh thái mang lại môi trường sống chất lượng cao cho người dân. Điều này được định nghĩa nhờ sự hỗ trợ bởi khung quy hoạch đô thị tích hợp, có sự tham gia của các bên liên quan, và sử dụng công nghệ, công nghệ thông tin và phân tích dữ liệu tiên tiến. Hệ sinh thái này bao gồm các bên cung cấp giải pháp, bên thụ hưởng và hệ thống hạ tầng thông minh, khác biệt bởi khả năng đưa ra các quyết định trong thời gian thực cho tất cả các bên một cách nhanh chóng, hiệu quả, bền vững và kinh tế.
Yếu tố khiến cho khu đô thị thông minh khác khu đô thị thông thường là hạ tầng số, đây là bộ não của khu đô thị thông minh. Hạ tầng số hoạt động với 6 lớp chức năng: Lớp hạ tầng kỹ thuật; lớp cảm biến; lớp kết nối; lớp phân tích dữ liệu; lớp tự động và lớp tương tác. Ví dụ như khi có đám cháy nhỏ, lớp cảm biến sẽ phát hiện ra đám cháy ở đâu, truyền thông tin đến trung tâm xử lý dữ liệu, đưa ra các giải pháp tương thích,… trong quá trình thực hiện sự việc sẽ có chức năng tương tác để cư dân báo cáo họ ở đâu, có an toàn hay không.
Theo ông Nguyễn Viết Chiến, Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam, điều quan trọng trong hợp tác để xây dựng khu đô thị thông minh, không thể quên vai trò của 4 nhà, trong đó có chính quyền, nhà đầu tư, các chuyên gia tư vấn giỏi và đặc biệt là cư dân. Thêm vào đó là các giai đoạn phát triển khu đô thị thông minh, trong đó không chỉ tập trung phát triển khu đô thị mới quy mô như Ecopark, mà còn tái phát triển các khu đô thị cũ.
Ông Nguyễn Đỗ Dũng, Tổng Giám đốc enCity Singapore nhấn mạnh, khi xây dựng các khu đô thị thông minh phải đạt được 2 mục tiêu. Mục tiêu ngắn hạn là tạo được dự án cạnh tranh và hấp dẫn cho nhà đầu tư. Mục tiêu cuối cùng là chất lượng sống cho con người, bảo vệ môi trường để đảm bảo chất lượng sống. Theo đó, có những yếu tố quan trọng nhất để nói rằng khu đô thị thông minh là xu hướng đáng sống hơn.
PGS.TS. Hồ Long Phi, nguyên Giám đốc Trung tâm quản lý nước và biến đổi khí hậu thuộc ĐHQG TP.HCM chia sẻ, thông minh được coi là xu thế không thể không theo. Cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 là một xu hướng tất yếu. Điều này cũng ảnh hưởng lớn tới quy hoạch đô thị bởi một khu đô thị thông minh cũng chính là chỗ ở mới của cư dân thời đại mới.
Trương Văn Quảng, Phó Tổng thư ký Hội Quy hoạch & Phát triển đô thị Việt Nam cho biết, Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII đã nói về hệ thống đô thị thông minh, coi đó chính là phát triển một mạng lưới xanh và thông minh. Một trong những bước xây dựng thành phố thông minh, khu đô thị thông minh là phải tìm được nhà tư vấn nhiều kinh nghiệm, có bản lĩnh và giỏi chuyên môn. Tuy nhiên, điều mà hiện nay nhiều người lo lắng là một khi áp dụng công nghệ thông minh, phụ thuộc vào công nghệ quá thì liệu có giữ được bản sắc của đô thị không? Bởi nếu không đô thị sẽ chỉ là cái hộp, con người ngồi một chỗ để kết nối khắp nơi. “Bản sắc văn hóa của cư dân đô thị thông minh sẽ phụ thuộc vào nền tảng số” – ông Quảng chia sẻ.
Đô thị thông minh – xu hướng phát triển tất yếu, bền vững
Nhìn vào bức tranh đô thị Việt Nam hiện nay có thể thấy nhiều nơi hạ tầng đã xong nhưng không có người ở, hiệu quả sử dụng đất sụt giảm, hình thành nên những khu đô thị bỏ hoang… Khi quy hoạch bị phá vỡ, sức ép hạ tầng gây ra các hệ quả cho xã hội như tắc đường, kẹt xe, ngập lụt… Tình trạng này diễn ra ở cả những khu đô thị được cho là đáng sống ở nhiều quốc gia trên thế giới. Rõ ràng, nếu như kiến tạo một đô thị mới đã là một bài toán khó thì kiến tạo khu đô thị mới đáng sống lại càng khó hơn.
Điều này cho thấy đây là một bài toán, thách thức lớn của nhiều quốc gia trên cả thế giới chứ không riêng gì Việt Nam. Vi vậy, cần phải thu hút cư dân và xây dựng một cộng đồng sống tốt; thu hẹp khoảng cách với thành phố trung tâm; đa dạng hoạt động kinh tế với một khu đô thị không chỉ để ngủ mà còn để tương tác, làm việc, học tập, sinh hoạt; sự linh hoạt với các biến động của thị trường; xây dựng mô hình vận hành để cộng đồng đó sinh hoạt và phát triển bền vững theo thời gian; gia tăng giá trị đất đai theo thời gian.
Việt Nam có hai ví dụ điển hình là Ecopark ở miền Bắc và Phú Mỹ Hưng ở miền Nam. Dù phải nói rằng, không có kiểu mẫu nào là hoàn hảo nhưng những đô thị này đều có công thức chung với các yếu tố cụ thể: địa điểm chiến lược; kết nối vùng; phân khu và phân kỳ; đa dạng sản phẩm; tạo hệ sinh thái; tập trung tiện ích; môi trường thân thiện; vận hành bền vững; gắn kết cộng đồng – nơi người dân muốn an cư lạc nghiệp.
Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, đặc biệt là công nghệ số đang làm thay đổi bức tranh kinh tế toàn cầu, công nghệ đang làm cho nhân loại trở nên kết nối và gắn kết hơn, tạo nhiều cơ hội phát triển, song cũng tạo ra không ít thách thức. Chúng ta cần ứng dụng một cách có trách nhiệm những tiến bộ khoa học công nghệ vào việc phát triển BĐS. Trong bối cảnh đó, chỉ khi thị trường BĐS được vận hành theo quy luật xanh – thông minh và đáng sống hơn, nhằm giảm thiểu các tác hại của biến đổi khí hậu, lấy con người làm trung tâm thì khi đó, mới đảm bảo hài hòa lợi ích doanh nghiệp với lợi ích của khách hàng và cộng đồng, giữa bảo tồn và phát triển để tạo ra những không gian sống nhân văn, hạnh phúc.
Trong khó khăn mang tính sàng lọc cao như COVID-19, nhiều doanh nghiệp đã nhận ra cơ hội bằng sự thích ứng nhanh, đẩy mạnh hơn bao giờ hết việc ứng dụng các thành tựu của Cách mạng 4.0 vào quy trình kinh doanh. Đặc biệt là xu hướng phát triển bền vững hơn, nhân văn hơn bằng cách đầu tư, kiến tạo nên những khu đô thị thông minh và đáng sống.
Có thể thấy, chỉ khi trải qua một năm 2020 đầy sóng gió của dịch bệnh và những bất thường của biến đổi khí hậu, người ta mới thấu hiểu rằng, phát triển bền vững không còn là mục tiêu mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc. Đó là yêu cầu phải phát triển các dự án thông minh và đáng sống để hướng đến sự bền vững trong tương lai.
Lương Thủy