13/11/2020

Hà Nội: Rà soát, đảm bảo an toàn tại các tòa nhà chung cư cũ nguy hiểm

Hiện trên địa bàn Thành phố Hà Nội có 5 tòa nhà được đánh giá là nguy hiểm cấp độ D, cần phải di dời ngay, tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có một phần các hộ gia đình di dời đến nhà tạm cư mà Thành phố bố trí, phần còn lại vẫn nhiều băn khoăn.

Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội về việc phải thực hiện dứt điểm di dời các hộ dân ra khỏi chung cư cũ nguy hiểm trên địa bàn Thành phố, Sở Xây dựng Hà Nội đã đề nghị Ủy ban nhân dân các quận, huyện tăng cường công tác kiểm tra, rà soát, phân loại và lập danh mục các công trình chung cư cũ trên địa bàn, trong đó đặc biệt quan tâm, chú trọng đối với các khu chung cư cũ nguy hiểm, không bảo đảm an toàn cho việc sử dụng.

Theo kiểm tra, hiện trên địa bàn Thành phố còn 5 nhà chung cư cũ nguy hiểm cấp độ D có nguy cơ sập đổ, phải di dời ngay, gồm 1 nhà tại quận Đống Đa, 4 nhà tại quận Ba Đình.

Tòa nhà G6A Thành Công nơi được đánh giá là một trong những chung cư có nguy cơ mất an toàn nhất của thành phố Hà Nội

Tòa nhà G6A Thành Công nơi được đánh giá là một trong những chung cư có nguy cơ mất an toàn nhất của thành phố Hà Nội

Để triển khai công tác di dời, Ủy ban nhân dân Thành phố đã bố trí đủ quỹ nhà tạm cư để phục vụ di dời và đã chỉ đạo Ủy ban nhân dân các quận Đống Đa, Ba Đình tổ chức tuyên truyền, vận động và tổ chức di dời khẩn cấp các hộ dân ra khỏi nhà chung cư cũ để bảo đảm an toàn. Tuy nhiên, đến nay, việc di dời vẫn chưa hoàn thành.

Mới đây, nhằm bảo đảm an toàn cho người, tài sản tại các nhà chung cư cũ nguy hiểm cấp độ D trước mùa mưa bão, Sở Xây dựng đề nghị Ủy ban nhân dân các quận Đống Đa, Ba Đình khẩn trương tổ chức tuyên truyền, vận động và tổ chức di dời các chủ sở hữu, chủ sử dụng nhà chung cư theo chỉ đạo của Thành phố, đồng thời kiểm tra, rà soát các chung cư cũ nguy hiểm cấp độ D trên địa bàn quản lý để xây dựng phương án và tổ chức di dời, tạm cư, bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và tài sản.

Có thể nói, mặc dù việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn Thủ đô đã được các cấp, các ngành Thành phố Hà Nội tích cực chỉ đạo, nhưng trước những vướng mắc về cơ chế, chính sách nên đến nay tiến độ thực hiện vẫn còn quá chậm, số lượng nhà chung cư cũ được xây dựng lại còn quá ít chỉ đạt khoảng 1%. Đáng chú ý, có nhiều dự án đã quyết định đầu tư nhưng việc triển khai tư vấn lập quy hoạch rất chậm trễ, không đạt yêu cầu đã đặt ra.

Để đẩy nhanh tiến độ cải tạo chung cư cũ, Hà Nội đã kêu gọi xã hội hóa và hiện đã có 19 nhà đầu tư được Thành phố chấp thuận đề xuất tự bỏ kinh phí triển khai lập quy hoạch chi tiết 1/500 cải tạo khoảng 30 khu chung cư cũ.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội, việc triển khai này vẫn đang vướng mắc về cơ chế, chính sách cần có sự vào cuộc của Chính phủ, Quốc hội nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Tuấn Dũng/Lao động Thủ đô