02/11/2020

Giá nhà TPHCM trung bình gấp 20 lần thu nhập người dân, làm sao kéo giảm?

HoREA cho rằng giá nhà khoảng 2,5 tỷ đồng tại TPHCM cao hơn 20 lần thu nhập trung bình của các hộ gia đình, cá nhân. Hiệp hội kiến nghị nhiều giải pháp như giảm thuế, hoàn thiện cơ chế phát triển nhà ở xã hội, giải quyết các điểm nghẽn về thủ tục đầu tư…

Hiệp hội bất động sản TPHCM (HoREA) vừa gửi công văn kiến nghị Thủ tướng và các bộ ngành để triển khai các chính sách giảm giá nhà và có nhiều nhà ở vừa túi tiền, nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu ở của đông đảo người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị.

Một dự án nhà ở xã hội tại quận 9, TP HCM. Ảnh: Lê Xuân

Một dự án nhà ở xã hội tại quận 9, TPHCM. Ảnh: Lê Xuân

Theo HoREA, tại TPHCM, hầu hết căn hộ trung cấp (2 phòng) hiện nay có giá khoảng 2,5 tỷ đồng (35 triệu đồng/m2), cao hơn khoảng 20 lần so với thu nhập trung bình của các hộ gia đình, cá nhân có khả năng tiết kiệm khoảng 8 – 12 triệu đồng/tháng và khoảng 100 triệu đồng/năm. Trong khi đó, căn hộ có giá vừa túi tiền dưới 2 tỷ đồng (25 – 30 triệu đồng/m2) và căn hộ nhà ở xã hội lại vắng bóng trên thị trường TPHCM trong 2 năm qua.

Hiệp hội phân tích, cơ cấu giá thành chủ yếu của các dự án nhà ở thương mại gồm 4 yếu tố: chi phí tạo lập lập quỹ đất; chi phí xây dựng; chi phí tài chính và chi phí quản lý. Đặc biệt còn có nhiều chi phí “không tên” trong quá trình chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án mà các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại đều phải tính đến trong khoản “chi phí dự phòng”. Tất cả những chi phí này cuối cùng đều cộng vào giá bán mà người mua nhà phải chịu. Nếu dự án càng bị ách tắc thủ tục, chủ đầu tư càng tốn thêm chi phí. Bên cạnh đó, giá nhà còn bị ảnh hưởng bởi năng lực, tài chính của chủ đầu tư.

Từ đó, HoREA kiến nghị một số giải pháp góp phần giảm giá nhà chung cư, gồm: thay đổi cách thu tiền sử dụng đất dự án nhà ở thương mại, chuyển thành sắc thuế đánh trên “hành vi chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp thành đất ở”, với thuế suất có thể bằng khoảng 15% – 20% giá đất trong bảng giá đất. Chính phủ có thể xem xét giảm mức thu “tiền bảo vệ đất lúa” tối thiểu 50% bảng giá đất; đề nghị TPHCM xem xét giảm mức thu “tiền bảo vệ đất lúa” bằng 80% bảng giá đất hiện nay.

HoREA kiến nghị UBND TPHCM ban hành quy trình chuẩn về đầu tư xây dựng gồm 4 bước, đối với dự án nhà ở thương mại, để xác định thời gian thực hiện từng thủ tục hành chính, nhằm rút ngắn thời gian thực hiện toàn bộ thủ tục hành chính.

Hiệp hội đề nghị Chính phủ sớm sửa đổi, bổ sung Nghị định 100 để hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội, thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia và sử dụng hiệu quả các quỹ đất được quy hoạch phát triển nhà ở xã hội.

Chính phủ sớm triển khai “Đề án phát triển nhà ở thương mại giá thấp” với các cơ chế, chính sách ưu đãi về tiền sử dụng đất, thuế, tín dụng, để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư các dự án nhà ở thương mại có mức giá căn hộ không quá 20 triệu đồng/m2 ở các tỉnh và không quá 22-25 triệu đồng/m2 ở các đô thị loại I, đô thị đặc biệt.

Cuối cùng, HoREA đề nghị Quốc hội và Chính phủ coi trọng giải quyết “điểm nghẽn về thể chế pháp luật”, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các văn bản luật, dưới luật có liên quan hoạt động đầu tư kinh doanh, bảo đảm tính hệ thống, đồng bộ, liên thông, để làm cơ sở xây dựng, kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng; tiếp tục thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính và đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, nhũng nhiễu.

Lê Xuân/Người đồng hành