10/07/2015

Nhập khẩu thép tăng mạnh: Vấn đề đáng quan ngại

Trong khi lượng sắt thép xây dựng nhập khẩu tăng mạnh thì lượng xuất khẩu sắt thép xây dựng lại giảm đi rất nhiều so với năm 2015. Các chuyên gia cho rằng, số lượng sắt thép xây dựng nhập khẩu tăng cao là vấn đề đáng quan ngại bởi không chỉ tác động đến DN sản xuất nội địa, mà đây là dấu hiệu cho thấy thị trường bất động sản đang “nổi lên” như trước đây.


Riêng tháng 6 tăng tới 200%

Theo Bộ Công Thương, trong tháng 6, nhập khẩu thép các loại từ các thị trường tăng 205,3% về lượng và 94,4% về trị giá. Tính chung 6 tháng đầu năm 2015, nhập khẩu thép các loại tăng 36,1% về lượng và tăng 10% về giá trị. Đáng chú ý, nhập khẩu các sản phẩm từ thép tăng tới 49,7% về giá trị.

Trước đó, Tổng cục Hải quan cho biết lượng nhập khẩu sắt thép các loại trong tháng 5 đạt gần 1,3 triệu tấn, có trị giá là 672 triệu USD, tăng 15,3% về lượng và tăng 12,1% về trị giá so với tháng trước.

Tính trong 5 tháng đầu năm 2015, lượng sắt thép cả nước nhập về là 5,27 triệu tấn, trị giá là 2,97 tỷ USD, tăng 17,5% về lượng và giảm 0,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, phần lớn là lượng sắt thép xây dựng nhập khẩu.

Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất cung cấp sắt thép cho Việt Nam trong 5 tháng đầu năm với 3,05 triệu tấn và có tốc độ tăng khá cao 41,9%. Tiếp theo là các thị trường: Nhật Bản đạt 967 nghìn tấn, giảm nhẹ 0,1%; Hàn Quốc đạt 673 nghìn tấn, tăng 24,8%; Đài Loan đạt 406 nghìn tấn, giảm 15,3%… so với 5 tháng đầu năm 2014.

Ông Nguyễn Tiến Vị, Vụ trưởng Vụ kế hoạch (Bộ Công Thương) đánh giá, cùng với đà phục hồi và phát triển của nền kinh tế, thị trường thép trong nước đã có cải thiện đáng kể về sức mua và tổng cầu.

Tuy nhiên, trái ngược với sự phục hồi của nhu cầu tiêu thụ thép, giá bán trên thị trường thép thành phẩm nội địa lại liên tục giảm theo xu hướng giảm giá của nguyên liệu đầu vào. Hầu hết các mặt hàng trên thị trường thép hiện nay đều có mức giảm giá phổ biến từ 5 – 10% so với hồi đầu năm 2015.

Tại thị trường nội địa, sản xuất thép của DN trong nước đã có sự khởi sắc trở lại, khi tháng 6/2014, lượng sắt thép thô ước đạt 403.200 tấn, tăng 8,2% so với cùng kỳ. Lượng thép cán ước đạt 351.100 tấn, tăng 22,9% so với cùng kỳ; lượng thép thanh, thép góc ước đạt 344.300 tấn, tăng 22,2% so với cùng kỳ.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2015, lượng sắt thép thô đạt hơn 1,8 triệu tấn, tăng 3,2% so với cùng kỳ; thép cán đạt hơn 2 triệu tấn, tăng 18,2% so với cùng kỳ; thép thanh và thép góc đạt 1,8 triệu tấn, tăng 8,8% so với cùng kỳ.


Lượng sắt thép xây dựng nhập khẩu tăng mạnh thì lượng xuất khẩu sắt thép xây dựng lại giảm đi rất nhiều

Lo ngại bất động sản nổi lên?

Theo ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), nhập siêu đang có xu hướng ngày càng tăng, đặc biệt là một số mặt hàng trong nước có thế mạnh sản xuất như sắt thép, đang đặt ra nhiều thách thức trong quản lý nhập khẩu.

Hiện đã có nhiều giải pháp được đưa ra, đặc biệt là xây dựng đề án quản lý nhập khẩu phù hợp cam kết quốc tế, theo định hướng chiến lược xuất nhập khẩu giai đoạn 2011 – 2020, tầm nhìn 2030.

Tuy nhiên, để quản lý tốt hoạt động nhập khẩu nói chung và mặt hàng sắt thép nói riêng, ông Chinh cho rằng còn nhiều việc phải làm.

Dẫn ra số liệu nhập khẩu sắt thép các loại trong 6 tháng đầu năm đã lên tới 7 tỷ USD, vị Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho rằng đây là vấn đề “báo động” đáng quan ngại.

Cũng bởi, trong khi lượng sắt thép xây dựng nhập khẩu tăng mạnh thì lượng xuất khẩu sắt thép xây dựng lại giảm đi rất nhiều so với năm 2015.

Do đó, ông Chinh cho rằng số lượng sắt thép xây dựng nhập khẩu tăng cao không chỉ tác động đến DN sản xuất nội địa, mà không cẩn thận đây là dấu hiệu cho thấy thị trường BĐS đang “nổi lên” như trước đây.

“Xu hướng nhập khẩu sắt thép tăng mạnh cho thấy cần phải có chính sách quản lý. Không phải để kiểm soát hay hạn chế nhập khẩu mặt hàng này, mà có điều chỉnh chính sách tích cực hơn, đặc biệt là chính sách vĩ mô.

Theo kinh nghiệm cho thấy khi lượng nhập khẩu thép xây dựng tăng mạnh, mà lượng xuất khẩu mặt hàng này giảm, thì không cẩn thận đây là dấu hiệu thị trường bất động sản nổi lên”, ông Chinh cảnh báo.

Đại diện của Cục Xuất nhập khẩu cũng cho biết, cùng với việc tăng cường sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ ngành để có nhận thức đúng về quản lý nhập khẩu, hiện cơ quan này đang trình Bộ Công Thương ban hành hành thông tư về kiểm soát nhập khẩu sắt thép. Cùng với đó là các chính sách về thuế quan, cùng nhiều công cụ quản lý khác để kiểm soát nhập khẩu lành mạnh, tích cực cho nền kinh tế.

Theo Trí Thức Trẻ