15/10/2020

Hà Nội: Điểm sáng của cả nước trong xây dựng nông thôn mới

Xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Thủ đô đã thực sự là luồng gió mới, trở thành phong trào mạnh mẽ, rộng khắp trong cả nước, được hệ thống chính trị và đông đảo nhân dân nhiệt tình hưởng ứng, tích cực tham gia. 

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI của Đảng bộ TP, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình số 02-CTr/TU về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016 – 2020”. Kế hoạch số 188/KH-UBND để tổ chức triển khai thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU cũng được UBND TP ban hành ngay sau đó.

Song song với chỉ đạo của Ban chỉ đạo Chương trình số 02 của Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, văn bản chỉ đạo các cấp, ban ngành, các địa phương, đơn vị, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình tổ chức thực hiện. Ban chỉ đạo Chương trình 02 đã thành lập các đoàn kiểm tra, làm việc trực tiếp với các huyện, thị xã và Sở, ngành liên quan.

Hà Nội dẫn đầu cả nước về số xã nông thôn mới. Ảnh: TL

Hà Nội dẫn đầu cả nước về số xã nông thôn mới. Ảnh: TL

Nhờ sự vào cuộc chủ động, tích cực của các cấp, ban ngành, sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân, đến nay, toàn TP đã có 6 huyện được công nhận đạt chuẩn NTM gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Quốc Oai và Gia Lâm. Ngoài ra, thị xã Sơn Tây đã được Hội đồng T.Ư thẩm định, đang hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ công nhận thị xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Theo Phó Chánh văn phòng Thường trực Điều phối xây dựng NTM Hà Nội Nguyễn Văn Chí, hiện nay, các huyện: Thạch Thất, Thường Tín, Phúc Thọ đã trình hồ sơ lên Hội đồng thẩm định T.Ư; hai huyện Thạch Thất, Thường Tín đã được T.Ư thẩm định đủ điều kiện trình Hội đồng thẩm định T.Ư xem xét công nhận đạt chuẩn NTM năm 2020.

Huyện Thanh Oai cũng đã được Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia TP Hà Nội bỏ phiếu đủ điều kiện trình Hội đồng thẩm định T.Ư xem xét công nhận đạt chuẩn NTM năm 2020. Các huyện Sóc Sơn, Phú Xuyên đã được Đoàn công tác TP thẩm tra đủ điều kiện và đang hoàn thiện hồ sơ trình Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia TP Hà Nội bỏ phiếu xem xét công nhận đạt chuẩn NTM năm 2020.

Sau nhiệm kỳ 2016 – 2020, toàn TP đã có 355/382 xã (chiếm 92,9%) được công nhận đạt chuẩn NTM. Đáng chú ý, Hà Nội là địa phương có tổng số xã về đích nhiều nhất của cả nước. Bên cạnh đó, TP cũng đã có 13 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Trong 27 xã còn lại chưa đạt chuẩn NTM, có 24 xã đạt và cơ bản đạt từ 15 – 18 tiêu chí, 3 xã đạt và cơ bản đạt từ 11 – 14 tiêu chí. Dự kiến đến cuối năm 2020, toàn TP sẽ có 368/382 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 96,3%) và 23 xã đạt chuẩn NTM nâng cao.

TP Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 có 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 20% số xã NTM kiểu mẫu và năm huyện phát triển lên quận, xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Để đạt được mục tiêu trên, Ban chỉ đạo Chương trình số 02 xác định nhiệm vụ trọng tâm đặt ra là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao năng lực quản lý, điều hành bộ máy chính quyền. Đổi mới phương thức quản lý, đẩy mạnh cải cách hành chính. Đồng thời, phát huy vai trò của MTTQ, các đoàn thể chính trị – xã hội…

Rà soát chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống quản lý nông nghiệp từ TP đến cơ sở cũng là giải pháp được đặt ra, nhằm sớm kiện toàn, tổ chức bộ máy ngành NN&PTNT theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành T.Ư (khóa XII). Hướng tới xây dựng bộ máy chính quyền, hệ thống chính trị ở khu vực nông thôn tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đảm nhiệm tốt nhiệm vụ trong tình hình mới.

Đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM ở tất cả các xã trên địa bàn Hà Nội. Tiếp tục tăng cường nguồn lực đầu tư xây dựng NTM theo hướng nâng cao, kiểu mẫu, gắn với quy hoạch. Đầu tư xây dựng hạ tầng khung một số huyện phát triển thành quận theo kế hoạch, lộ trình của TP.

Khánh Phong/Pháp luật và Xã hội