Ngày 30/9, tại thành phố Huế, Viện Kiến trúc quốc gia (VIAR) phối hợp với Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội thảo Khoa học với chủ đề “Khai thác kiến trúc vùng trung bộ và sử dụng kỹ thuật, công nghệ, vật liệu cho kiến trúc mới hướng đến hội nhập, phát triển”. Với sự tham gia của nhiều kiến trúc sư giàu kinh nghiệm, đại diện cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia, nhà khoa học sinh sống và làm việc tại khu vực Trung bộ, Tây Nguyên.
Phát biểu tại buổi khai mạc Hội thảo, Viện Trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia Đỗ Thanh Tùng nhấn mạnh: “Đây cuộc hội thảo định hướng nằm trong chuỗi chương trình tập huấn, phổ biến Luật Kiến trúc do Bộ Xây dựng được tổ chức ở một số khu vực vùng miền trong cả nước (Thành phố Hồ Chí Minh cho các tỉnh Đông Nam Bộ và tại Huế cho các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên).
Khu vực Trung bộ có sự giao lưu, hòa trộn giữa văn hóa, lịch sử và kiến trúc. Trải qua thời gian, kho tàng kiến trúc truyền thống đồ sộ, với nhiều giá trị về quy hoạch cảnh quan, kiến trúc và nghệ thuật trang trí, điêu khắc cũng như kỹ thuật lắp dựng phù hợp với khí hậu miền Trung, kiến trúc truyền thống vùng Trung bộ thể hiện sự phong phú, đa dạng từ kiến trúc cung đình, kiến trúc dân gian, lăng tẩm, đình, chùa… Những chi tiết chạm trổ, mô típ trang trí trên bộ khung, hệ mái… của công trình.
Ông Đỗ Thanh Tùng – Viện trưởng Viện Kiến trúc quốc gia phát biểu tại hội thảo
Kiến trúc Trung bộ có nét giản dị, khiêm tốn, nhẹ nhàng và khoáng đạt, kết hợp hài hòa với cảnh quan, bố cục hài hòa, cân xứng, sắc màu giàu tính dân gian và sử dụng nhiều vật liệu địa phương. Tuy nhiên trước tốc độ đô thị hóa, công nghệ hiện đại, nhu cầu phục vụ ngày càng cao, đòi hỏi chất lượng ngày càng tốt hơn, mặt khác việc khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên ngày càng cần quản lý chặt chẽ, hạn chế tối đa việc xâm hại của con người tới môi trường sinh thái. Do đó, kiến trúc vùng Trung bộ cần có góc nhìn cũng như định hướng sao cho phù hợp với sự phát triển hiện tại, nhưng cần có sự kế thừa các yếu tố truyền thống, vận dụng các thành tựu khoa học trong sử dụng công nghệ, vật liệu kiến trúc mới, và chú trọng đến văn hóa vùng miền hướng đến hội nhập.
Nét mới trong đô thị Huế
Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã nghe báo cáo tham luận của các kiến trúc sư về tổng quan kiến trúc truyền thống (đô thị và nông thôn) vùng Trung bộ Việt Nam; các yếu tố hình thành và tạo nên nét đặc trưng của kiến trúc vùng Trung bộ; sử dụng kỹ thuật, công nghệ, vật liệu cho kiến trúc mới, định hướng phát triển kiến trúc Trung bộ theo hướng hiện đại và có bản sắc; hệ thống văn bản pháp luật hiện hành về quản lý và phát triển kiến trúc truyền thống.
Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia đánh giá, hội thảo lần này sẽ giúp nâng cao nhận thức, tạo ra công cụ quản lý và các cơ sở pháp lý, làm nên cái chung, nhận thức chung toàn xã hội về kiến trúc, để tạo ra những quần thể kiến trúc đẹp, nâng cao giá trị của công trình. Hội thảo không chỉ đơn thuần là ở một địa phương, mà đề phát triển kiến trúc cho cả vùng, tạo ra một sự quan tâm mới trong lĩnh vực kiến trúc đối với phát triển đô thị, nông thôn.
Lương Thủy