28/09/2020

“Kỳ vọng tân Chủ tịch Chu Ngọc Anh đưa Hà Nội phát triển một cách khoa học”

KTS Trần Huy Ánh, Ủy viên thường trực BCH Hội Kiến trúc sư Hà Nội kỳ vọng khi ông Chu Ngọc Anh làm Chủ tịch UBND TP.Hà Nội phải quy hoạch Hà Nội phát triển một cách khoa học.

Với 100% đại biểu HĐND TP.Hà Nội nhất trí, tại Kỳ họp thứ mười sáu HĐND TP.Hà Nội khóa XV, nhiệm kỳ 2016-2021, ngày 25/9, ông Chu Ngọc Anh, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội đã được bầu làm Chủ tịch UBND TP.Hà Nội nhiệm kỳ 2016-2021.

Phát biểu nhận nhiệm vụ Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, ông Chu Ngọc Anh “nhận thức sâu sắc rằng đây là vinh dự lớn, đồng thời cũng là trách nhiệm nặng nề”.

Lãnh đạo Thành ủy Hà Nội chúc mừng tân Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh. (Ảnh: T.An)

Lãnh đạo Thành ủy Hà Nội chúc mừng tân Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh. (Ảnh: T.An)

Ông khẳng định với các đại biểu HĐND, toàn thể nhân dân Thủ đô “nguyện đem hết sức mình, cùng với tập thể UBND TP, phục vụ nhân dân, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch UBND TP được quy định tại Luật tổ chức HĐND và UBND, Luật Thủ đô và các quy chế làm việc”.

Tân Chủ tịch UBND Hà Nội đề cập đến việc chú trọng các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, khả thi để vừa đảm bảo thực hiện được các mục tiêu phát triển thủ đô toàn diện và bền vững, vừa phát huy được các giá trị của thủ đô ngàn năm văn hiến…

Quy hoạch Hà Nội phát triển một cách khoa học

Trao đổi với PV Dân Việt, KTS Trần Huy Ánh, Ủy viên thường trực BCH Hội Kiến trúc sư Hà Nội, Thành viên Hội đồng Khoa học TCKTVN – Viện Kiến trúc Quốc gia, Bộ Xây dựng nhấn mạnh, Hà Nội hiện nay đang phát triển đa dạng theo các lĩnh vực khác nhau. “Về mặt kiến trúc, tôi kỳ vọng khi ông Chu Ngọc Anh làm Chủ tịch UBND TP.Hà Nội phải quy hoạch Hà Nội phát triển một cách khoa học”.

KTS Trần Huy Ánh, Ủy viên thường trực BCH Hội Kiến trúc sư Hà Nội, Thành viên Hội đồng Khoa học TCKTVN – Viện Kiến trúc Quốc gia, Bộ Xây dựng

KTS Trần Huy Ánh, Ủy viên thường trực BCH Hội Kiến trúc sư Hà Nội, Thành viên Hội đồng Khoa học TCKTVN – Viện Kiến trúc Quốc gia, Bộ Xây dựng

Theo KTS Trần Huy Ánh, chúng ta đang ở trong bối cảnh một TP phát triển rất nhanh, có nhiều vấn đề tồn tại từ giao thông, đô thị, môi trường và kinh tế. Mới đây, đô thị cũng phải đối mặt với những thách thức hậu Covid-19. Do vậy, trước mắt phải đánh giá, nhìn nhận tất cả một cách khoa học, nghiêm túc, trung thực, toàn diện những vấn đề Hà Nội đang phải đối mặt. Sau đó, xem trong những khó khăn đang phải đối diện ấy có những năng lực gì để vượt qua để giúp TP.Hà Nội phát triển thông minh.

“Nghĩa là phải có lộ trình thông minh chứ đừng rối loạn và đôi khi là ngẫu hứng, tùy tiện, lãng phí tài nguyên như trước đây. Tất cả những vấn đề này nhìn ở góc độ khoa học đều có thể giải quyết được. Khi anh nhìn nhận được bản chất của những khó khăn đấy thì anh sẽ có những giải pháp, bắt được đúng bệnh thì sẽ giải được căn nguyên của bệnh . Không có gì bằng là ta giải quyết bằng vấn đề khoa học”, KTS Trần Huy Ánh nhấn mạnh.

Nhắc đến vấn đề ô nhiễm môi trường, KTS có nhiều tâm huyết với TP.Hà Nội cho rằng, hiện nay TP đang phải đối mặt với các vấn đề ô nhiễm không khí, nước thải, tiếng ồn, bụi… “Nếu nhìn nhận ở vấn đề khoa học thì chúng ta sẽ biết được nguyên nhân của nó là do khí thải, sử dụng phương tiện cơ giới nhiều, trong quá trình sản xuất thải ra chất độc hại không được thu gom và xử lý đúng cách do vấn đề môi trường xây dựng, trật tự đô thị bừa bãi, đào bới lộn xộn…

“Về mặt khoa học chúng ta sẽ có những giải pháp để giải quyết. Đó là chuyển đổi các phương tiện giao thông để làm sao giảm thiểu được khí thải độc hại, quản trị được phát triển kinh tế nhưng không phát thải những thứ độc hại ra môi trường. Trước sự phát triển của đời sống kinh tế như thế thì phải có khoa học công nghệ để thu gom, xử lý nó nó một cách khoa học”, KTS Trần Huy Ánh nói.

Cần chuyển đổi số mạnh mẽ trong quản trị đô thị

Về vấn đề giao thông, KTS Trần Huy Ánh kỳ vọng tân Chủ tịch UBND TP.Hà Nội  lưu ý vấn đề “vận hành giao thông ở Hà Nội rất thiếu khoa học” hiện nay.

Theo ông, phần lớn các đô thị trên thế giới phát triển giao thông rất khoa học. Họ phát triển mạng lưới giao thông công cộng, giảm giảm thiểu phương tiện giao thông cá nhân, phát triển phương tiện giao thông phi cơ giới, cũng như các xe buýt có khối lượng lớn để vận chuyển nhanh.

Hà Nội cần quy hoạch giao thông công cộng một cách khoa học. (Ảnh: Thành An)

Hà Nội cần quy hoạch giao thông công cộng một cách khoa học. (Ảnh: Thành An)

Còn ở Hà Nội, TP bỏ rất nhiều tiền ra để đầu tư những tuyến đường sắt đô thị lớn, huy động nhiều nguồn lực song không hoạt động được hoặc sau này có vận hành được thì cũng tốn rất nhiều tiền. Đó là phát triển không khoa học!.

“Thay vì như trên, chúng ta có nhiều cách khác nhau để phát triển những tuyến xe buýt có giá thành rẻ với những làn đường ưu tiên thu hút được hành khách. Đồng thời chủ động được phương tiện, chế tạo sản xuất. duy tu bảo dưỡng… Đấy là khoa học”, KTS Trần Huy Ánh nói và góp ý: “Nhìn theo hướng khoa học thì chúng ta phải dựa vào nền tảng kinh tế, hiện nay Hà Nội không phải là TP giàu nên không thể dựa vào những khoản vay khổng lồ của nước ngoài để đầu tư xây dựng những cái đắt tiền, chưa phù hợp… Chúng ta phải nhìn nhận chiến lược khoa học như vậy”.

Về vấn đề này, Ủy viên thường trực BCH Hội Kiến trúc sư Hà Nội nhấn mạnh thêm: Trong việc phát triển giao thông “cái khó nhất là tổ chức giao thông thông minh”, do vậy phải bằng những khoa học để đánh giá, thống kê, phát hiện ra những chiến lược phát triển giao thông nhằm tránh đầu tư những dự án lớn không hiệu quả, mất thời gian, luôn luôn chậm hơn sự phát triển dẫn đến hạ tầng cơ sở hụt hơi, lạc hậu… tạo ra những rắc rối mới.

“Chúng ta phải thấy rằng trong việc phát triển giao thông, bao gồm cả an toàn giao thông, phương tiện, dự án đầu tư và cả việc xây dựng xung quanh trục giao thông không khoa học nên cần phải có cách nhìn nhận, đánh giá toàn diện để tổ chức giao thông, song hành với biện pháp tích hợp đa ngành, đa mục tiêu về phát triển đô thị đi theo sự phát triển trật tự, có khuôn khổ”, KTS Trần Huy Ánh lưu ý.

Đô thị Hà Nội đang phát triển mạnh mẽ trong những năm vừa qua, tuy nhiên cần phải được quy hoạch khoa học, đồng bộ. (ảnh: Thành An)

Đô thị Hà Nội đang phát triển mạnh mẽ trong những năm vừa qua, tuy nhiên cần phải được quy hoạch khoa học, đồng bộ. (ảnh: Thành An)

Góp ý về vấn đề xây dựng, đặc biệt trước thực trạng kiểm soát không gian khi đô thị Hà Nội đang phát triển thiếu kiểm soát không gian dẫn đến kiến trúc không đạt thẩm mỹ cao, tạo ra những áp lực mới cho giao thông và hạ tầng đô thị… KTS Trần Huy Ánh nhấn mạnh: “Việc phát triển giao thông, đô thị, môi trường là một bài toán tổng hợp, phải có cách tiếp nhận khoa học tích hợp đa ngành không phải “mạnh ai nấy làm”, như thế là phản khoa học”.

Đáng chú ý, KTS Trần Huy Ánh cho rằng, về quản trị đô thị, hiện nay là thời đại 4.0 nhưng ở Hà Nội vẫn có chuyện gì xảy ra là cử rất nhiều cán bộ đi đo, đi vẽ, cầm loa dò dẫm vào các ngóc ngách tuyên tuyền… trong khi đó nhà đầu tư xây dựng tràn lan. Nghĩa là việc xây dựng hệ thống quản lý hiện nay còn thô sơ nên cần “chuyển đổi số mạnh mẽ trong quản trị đô thị” chứ không phải thủ công như bây giờ.

“Làm như hiện nay là là không theo kịp thời đại. Bây giờ, chúng ta thử đến hỏi các Sở ở Hà Nội bản đồ số đâu thì chắc chắn là không có mà lại lôi văn bản này văn bản kia ra. Đây là quản lý đô thị lạc hậu, cổ lỗ nên phải chuyển đổi số toàn diện tất cả các giá trị tài nguyên của đô thị và công khai, minh bạch. Từ không gian cao tầng, thấp tầng cho đến tầng ngầm…đều phải được khai thác phục vụ lợi ích công cộng chứ không phải cho các tập đoàn dẫn dắt trục lợi cá nhân khiến nguồn lực xã hội ngày càng suy kiệt. Trên thế giới quản trị số hóa đã được áp dụng vào quản lý đất đai, đô thị hàng nửa thế kỷ nay”, KTS Trần Huy Ánh nhấn mạnh.

Thành An/Dân Việt