Ngoài những trường học này còn có những công trình kiến trúc cổ như đền thờ Vua Hùng tại Thảo Cầm Viên, viện Pasteur… Từ nay những di tích này sẽ được bảo vệ nghiêm với nhiều quy định.
Mới đây UBND TP. HCM đã ra quyết định về xếp hạng di tích cấp Thành phố đối với ba trường học là THCS Hồng Bàng, THPT chuyên Lê Hồng Phong, THPT Marie Curie. Đây đều là những ngôi trường có kiến trúc đặc sắc với tuổi đời gần 100 năm.
Trường THCS Hồng Bàng mang tên này từ năm 1967. Ngôi trường được xây dựng từ năm 1933 để dành riêng cho những con em của người Pháp đến Việt Nam làm việc và lập gia đình với người bản xứ.
Cổng trường Lê Quý Đôn. (Ảnh: delcampe.net)
Trường THPT Lê Hồng Phong được xây dựng vào năm 1927 và có tên là Collège Pétrus Ký. Trong khi đó trường THPT Marie Curie được mở cửa từ năm 1918, đây là ngôi trường dành riêng cho nữ sinh.
Ngoài các công trình nói trên, trong đợt này UBND TP còn xếp hạng di tích đối với nhiều công trình khác như: chùa Giác Hải (quận 6), hội quán Tam Sơn (quận 5), viện Pasteur (quận 3). Di tích kiến trúc nghệ thuật Đền thờ Hùng Vương (trong khuôn viên Thảo Cầm Viên, quận 1) và Di tích kiến trúc nghệ thuật mộ ông Nghị viên địa hạt Đặng Tân Xuân (trong khuôn viên Học viện Chính trị – Hành chính, quận 9).
Theo các quyết định công nhận, UBND TP nghiêm cấm mọi hoạt động khai thác, xây dựng trong khu vực di tích đã khoanh vùng bảo vệ. Trường hợp đặc biệt cần sử dụng đất đai khu vực di tích thì phải được Chủ tịch UBND TP cho phép.
Liên quan đến vấn đề này, UBND TP.HCM cũng vừa có ý kiến chỉ đạo với đề xuất cải tạo trường Lê Quý Đôn (quận 3). Theo đó ông Hứa Ngọc Thuận – Phó chủ tịch TP yêu cầu việc sửa chữa phải xem xét tổng thể mặt bằng đã xây dựng theo thiết kế của những năm 1977.
Bên cạnh đó UBND TP cũng không chấp thuận một số đề nghị của đề án như “bổ sung hạng mục tầng hầm” tại khu B hay xay chen vào khu E.
Ngôi trường này được đổi tên thành Lê Quý Đôn từ năm 1967. Trước đó khi thành lập vào năm 1874 trường có tên gọi Collège Chasseloup – Laubat, tới năm 1954 thì đổi thành Jean Jacques Rousseau.
Như vậy tính đến nay TP.HCM đã có 156 di tích được xếp hạng và 250 công trình thuộc danh sách cần bảo tồn. Với lịch sử hơn 300 năm, các công trình tại TP.HCM đã số chỉ có tuổi đời trên dưới 100 năm. Tuy nhiên đây đều là những nơi gắn liền với lịch sử xây dựng, phát triển của TP này và có ý vị trí rất quan trọng trong tâm thức người dân.
(Theo Infonet)