21/09/2020

Sau 20 năm nhìn lại trận lũ lịch sử ở đồng bằng sông Cửu Long

Ai đã từng sống trong thời kỳ “nước sôi lửa bỏng” ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phải vật lộn giải quyết bài toán lũ lụt giai đoạn 1961-2011 với các trận lũ lớn khét tiếng 1961, 1966, 1978, 1984, 1991, 1996, 2000, 2001, 2002 và 2011, mới cảm nhận được thật sự hai vấn đề sau đây:

Thứ nhất là sự tàn phá của lũ lụt trong vùng ngập lụt ĐBSCL như làm chết nhiều người, phá nát cơ sở hạ tầng (đường sá, cầu cống, làng mạc, nhà cửa, công sở, trường học, bệnh viện, nhà máy, xí nghiệp,..), phá hủy môi trường sống đến mức trơ trụi (cây cối, mùa màng, ô nhiễm đất và nước, dịch bệnh,..) tất cả liên kết lại thành thảm họa khủng khiếp diễn ra trên diện rộng xấp xỉ 3/4 diện tích ĐBSCL. Nhà nước và nhân dân phải mất rất nhiều thời gian, công của, nỗ lực để khôi phục lại đời sống cho nhân dân sau các trận lũ lớn, đặc biệt là lũ lịch sử năm 2000.

Thứ hai là nhận thức sâu sắc ĐBSCL không thể nào lên hệ thống đê quốc gia dọc sông chính: sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Nao như đồng bằng sông Hồng. Nhiều cơ quan nhà nước, cơ quan nghiên cứu, nhà khoa học,.. đã dày công chắt chiu từ những kinh nghiệm truyền thống phòng chống lũ sông Hồng, từ những kinh nghiệm phòng chống lũ tự phát nhỏ lẽ ban đầu của dân vùng lũ lụt ĐBSCL, nghiên cứu lịch sử khai thác tài nguyên nước và đất từ thời Nhà Nguyễn đến thời Pháp thuộc, tìm hiểu các kết quả nghiên cứu của Ủy ban quốc tế sông Mekong giai đoạn 1960-1970, tham khảo các mô hình phòng chống lũ lụt ở các châu thổ lớn trên thế giới, phát triển mạnh mẽ những nghiên cứu mới về thủy văn-thủy lực châu thổ Mekong trong đó có ĐBSCL.

Nhờ đó, Nhà nước ta cùng các địa phương và nhân dân ĐBSCL đã tìm ra được hướng đi chính xác cho bài toán phòng chống lũ lụt ĐBSCL là “làm thủy lợi kết hợp giao thông và phân bố dân cư” trong đó giải pháp kỹ thuật chủ lực là xây dựng hệ thống đê bao hợp lý cho từng cánh đồng rộng lớn với quy mô từ vài ba trăm ha đến dăm ba ngàn ha dựa theo đúng thế tự nhiên của địa hình, sông và thế nước, mà không làm cản trở dòng chảy lũ trên hệ thống dòng sông chính và kênh rạch thoát lũ ĐBSCL. Giải pháp này đã đưa toàn bộ ĐBSCL thoát khỏi thảm họa lũ lụt khi có lũ lớn xảy ra, mang lại những lợi ích cực kỳ to lớn có tính lịch sử về kinh tế, xã hội, môi trường cho ĐBSCL.

Điều đáng nói thêm ở đây là hệ thống đê bao ĐBSCL không những làm nhiệm vụ phòng chống lũ lụt như sứ mệnh tự vốn có của chính nó, mà nay trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng và cực đoan khí hậu, nó gánh vác nhiệm vụ tổng hợp lớn lao hơn nữa mang tính đa năng đó là phòng chống lũ lụt khi có lũ cao xảy ra trong mùa mưa, tích lũ vào các cánh đồng khi xảy ra lũ thấp để góp phần phòng chống nước biển dâng, hạn, kiệt, mặn trong mùa khô.

Nằm ở hạ lưu vực Mekong, với diện tích tự nhiên chỉ chiếm 5% tổng diện tích lưu vực, nhưng hàng năm, ĐBSCL phải hứng chịu một lượng nước rất lớn (432 tỷ m3), trong đó dòng chảy mùa lũ (từ tháng 6-11) khoảng 350-400 tỷ m3, lưu lượng đỉnh lũ từ 35.000-42.000 m3/s, từ thượng lưu đổ về. Diện tích ngập lũ của cả châu thổ sông Mekong gần 40.000 km2, trong đó, Biển Hồ 15.000–16.000 km2, vùng châu thổ Campuchia 4.000–5.000 km2 và ĐBSCL 18.000–19.000 km2.

Lũ vào ĐBSCL bởi (i) Theo dòng chính sông Tiền và sông Hậu khoảng 80-85%; (ii) Tràn dọc biên giới khoảng 15-20%. Hàng năm, ở ĐBSCL, lũ thượng lưu về làm ngập 1,4-1,6 triệu ha, năm lũ lớn 1,8-2,0 triệu ha (bao gồm toàn bộ các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, phần lớn các tỉnh Long An, Kiên Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, một phần các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre) với độ sâu 0,5-4,0 m, thời gian từ 3-5 tháng. Lũ phối hợp với mưa nội đồng và triều cường Biển Đông làm tăng mức độ ngập lụt.

 Sơ đồ tổng hợp ảnh hưởng các điều kiện tự nhiên đến ĐBSCL

Sơ đồ tổng hợp ảnh hưởng các điều kiện tự nhiên đến ĐBSCL

Trận lũ lịch sử năm 2000

Lũ năm 2000 về sớm, đạt mức lớn nhất trong vòng 76 năm, diễn biến phức tạp gây ngập lụt nghiêm trọng trên luu vực sông Mekong, đặc biệt ở ĐBSCL. Hoạt động mạnh và ngay từ sớm của gió mùa Tây Nam từ đầu tháng 7 đến tháng 9 kết hợp với hoạt động của bão số 2, bão số 4 (Wu Kong) và dải hội tụ nhiệt đới, gây mưa lớn diện rộng trên lưu vực sông Mekong, từ Trung, Hạ Lào đến Tây Nguyên, vùng Campuchia và các tỉnh ĐBSCL là những nguyên nhân chính gây lũ lụt trên sông Mekong năm 2000.

Do lũ thượng nguồn sớm, tổng lượng rất lớn, đỉnh lũ cao liên tiếp, nước lũ cao tràn ngập vùng trũng ven sông thuộc Campuchia rồi nhanh chóng truyền mạnh theo dòng chính, các kênh rạch và tràn qua biên giới vào các vùng đầu nguồn, và các vùng phía hạ lưu ĐBSCL trong khi nền nước lụt tại đồng bằng đang rất cao, nên lũ tại các trạm đầu nguồn sông Cửu Long, sau khi giảm khoảng 10-20cm lũ lên lại khá nhanh, với cường suất trung bình khoảng 4-6 cm/ngày, có khi đến 7-9cm/ngày liên tục trong những ngày cuối tháng 8, đầu tháng 9; nước lên đặc biệt nhanh trong vùng Đồng Tháp Mười và  Tứ giác Long Xuyên, cường suất lên thường 7-12cm/ngày, lớn nhất đến 15-17cm/ngày, là những trường hợp ít thấy trong các trận lụt lớn. Lũ ngoài dòng chính và mức ngập lụt ở các vùng đầu nguồn thuộc Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên hầu như đồng loạt đạt mức cao nhất (sau khi lũ tại Tân Châu, Châu Đốc đạt đỉnh chỉ 2-6 ngày), nhanh hơn hẳn quá trình truyền lũ khá chậm trong các trận lũ lụt lớn.

Lưu lượng lớn nhất thực đo và tổng lượng ước tính lũ năm 2000 Ghi chú: -     Số trên là tổng lưu lượng thoát qua tuyến, m3/s; -Số dưới là tổng lượng mùa lũ, tỷ m3; -    Có điều chỉnh theo lưu lượng đồng thời toàn tuyến.

Lưu lượng lớn nhất thực đo và tổng lượng ước tính lũ năm 2000
Ghi chú: – Số trên là tổng lưu lượng thoát qua tuyến, m3/s;
– Số dưới là tổng lượng mùa lũ, tỷ m3;
– Có điều chỉnh theo lưu lượng đồng thời toàn tuyến.

Khảo sát thực tế trận lũ năm 2000

Lũ năm 2000 xảy ra với mức lũ lịch sử, cho chúng ta sự kiểm chứng thực tế và sinh động nhất các nghiên cứu trong quy hoạch lũ và hiệu quả của những công trình kiểm soát lũ đã hoàn thành. Chúng ta có thể thấy rõ rằng định hướng quy hoạch kiểm soát lũ ĐBSCL là hoàn toàn đúng đắn, được thể hiện rõ nét nhất từ Quyết định 99/TTg và những giải pháp trong quy hoạch kiểm soát lũ là hoàn toàn có cơ sở khoa học và phù hợp với thực tế. Nếu quy hoạch này được thực hiện sau lũ năm 2000, thì thiệt hại do lũ gây ra sẽ vô cùng to lớn, phát triển kinh tế-xã hội vùng ngập lũ ĐBSCL sẽ tiếp tục còn gặp nhiều khó khăn.

Tác giả (bên trái) đang tháp tùng Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Bộ trưởng Lê Huy Ngọ, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Nguyễn Cảnh Dinh và lãnh đạo địa phương đi khảo sát lũ năm 2000

Tác giả (bên trái) đang tháp tùng Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Bộ trưởng Lê Huy Ngọ, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Nguyễn Cảnh Dinh và lãnh đạo địa phương đi khảo sát lũ năm 2000

Tuy các công trình kiểm soát lũ chưa được đầu tư đồng bộ, nhưng đã phát huy tác dụng khá tốt, mang lại hiệu quả rõ rệt trong kiểm soát lũ tháng 8, giảm đỉnh lũ chính vụ và góp phần rút lũ cuối vụ. Nhờ kết hợp giữa giao thông, thủy lợi và bố trí dân cư nên hầu hết các công trình kiểm soát lũ đều đứng vững và phát huy tác dụng trong thoát lũ, đảm bảo giao thông và an toàn cho người dân trong suốt mùa mưa lũ. Tuy nhiên, trong khi kinh phí đầu tư xây dựng các công trình kiểm soát lũ rất lớn, (khoảng 22.000 tỷ đồng) nhưng nguồn vốn lại hạn chế nên chỉ mới xây dựng được một số công trình then chốt, chưa thể phát huy hiệu quả cao như mong muốn.

Tôi vẫn nhớ kỷ niệm khi lũ năm 2000, đoàn công tác của Chủ tịch nước Trần Đức Lương đi khảo sát thực tế diễn biến lũ ở Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên. Tôi đang ngồi chung thuyền với anh Nguyễn Ty Niên – Cục trưởng Cục Phòng chống lụt bão thì thấy thuyền chở Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Bộ trưởng Lê Huy Ngọ, Chủ nhiệm Văn phòng nước Nguyễn Cảnh Dinh và lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đi ở phía trước dừng lại, và chuyển tôi sang ngồi cạnh Chủ tịch nước để trực tiếp giải thích tất cả các câu hỏi của ông từ  thế nước, diễn biến của dòng chảy, đến các chỉ tiêu cơ lý của đất ở vùng lũ…

Hình ảnh mô phỏng lũ năm 2000 bàng mô hình thủy lực VRSAP

Hình ảnh mô phỏng lũ năm 2000 bàng mô hình thủy lực VRSAP

 

Hội thảo về trận lũ lịch sử năm 2000 và vai trò của ông Võ Văn Kiệt

Ông Võ Văn Kiệt có nhiều công lao to lớn từ vạch đường hướng phát triển và trực tiếp chỉ đạo thực hiện nhiều công trình kiểm soát nguồn nước và phòng tránh thiên tai ở ĐBSCL. Ngày 10/7/2009, kỳ họp thứ 14 Hội đồng nhân dân tỉnh An Giang đã trịnh trọng ban hành Nghị Quyết số 24, chính thức đặt tên : KINH VÕ VĂN KIỆT và có văn bia bằng đá ở đầu kinh để tưởng nhớ công ơn của ông: “Người nhờ đất mà sống. Đất nhờ người mà có tên. Người nhờ người mà có ơn…”

Ngay sau trận lũ lịch sử năm 2000, Bộ NN&PTNT tổ chức hội thảo về kiểm soát lũ ĐBSCL dưới sự chủ trì của ông Võ Văn Kiệt, Bộ trưởng Lê Huy Ngọ,  GS viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu, có nhiều nhà khoa học và lãnh đạo các địa phương ĐBSCL tham dự. Tôi được Bộ trưởng chỉ định báo cáo và giải trình các câu hỏi của các vị đại biểu tham dự hội thảo.

Ông Võ Văn Kiệt đang thảo luận với ông Trương Tấn Sang và tác giả Tô Văn Trường về chiến lược phát triển tài nguyên nước ở ĐBSCL

Ông Võ Văn Kiệt đang thảo luận với ông Trương Tấn Sang và tác giả Tô Văn Trường về chiến lược phát triển tài nguyên nước ở ĐBSCL

Sau trận lũ năm 2000 có nhiều vấn đề mới phát sinh, đó là sự kết hợp xây dựng các công trình thủy lợi với dân cư, giao thông, cũng như việc xây dựng các công trình bảo vệ dân cư và cơ sở hạ tầng còn nhiều bất cập. Trận lũ năm 2000 xảy ra sớm và với tổng lượng rất lớn, gần với lũ thiết kế, lũ trên hệ thống sông Tà Keo – Giang Thành và sông Cửu Long xảy ra hầu như trùng nhau, dòng chảy tràn từ phía Campuchia vào Đồng Tháp Mười rất phức tạp, nên diễn biến mực nước nội đồng có nhiều điểm bất lợi, do vậy, một số công trình kiểm soát lũ đề xuất chưa đảm bảo yêu cầu thoát lũ cũng như điều khiển lũ. Hơn thế nữa, khi nghiên cứu quy hoạch lũ năm 1999 chưa có dự án quy hoạch lũ châu thổ Mekong.

Diện tích lúa 2 vụ cần đến sự bảo vệ trước lũ muộn và lũ sớm được mở rộng. Rồi vườn cây ăn quả tăng dần diện tích, lấn lên vùng ngập sâu… Bên cạnh đó, các công trình kết cấu hạ tầng cũng phát triển nhanh, đôi khi vượt cả sự kiểm soát của chiến lược quy hoạch lũ. Thiệt hại do lũ lớn gây ra đối với tính mạng người dân đã lên đến hàng trăm, đối với của cải vật chất đã lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Trận lũ năm 1996 càng cho thấy rõ hơn thiệt hại lớn về người và của đối với các phát triển không kiểm soát trong vùng ngập lũ. Đặc biệt, những thiệt hại từ trận lũ lịch sử năm 2000 lại càng cho thấy rằng nếu các phát triển trong vùng lũ không tuân thủ một sự quản lý lũ mang tính chiến lược cao hơn ở vùng ngập lũ thì thiệt hại là không lường hết được.

Phương pháp luận kiểm soát lũ: Trong quy hoạch thuỷ lợi, quy hoạch lũ cũng phải được xem xét một cách tổng hợp với các quy hoạch cấp nước, tiêu nước, ngăn mặn, thau chua rửa phèn, cải tạo đất thành một quy hoạch “sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước”. Hơn thế, cần phải kết hợp chặt chẽ giữa quy hoạch thuỷ lợi với quy hoạch phát triển các ngành giao thông, xây dựng (các khu dân cư và đô thị), thuỷ sản và nông nghiệp trong sự nghiệp xây dựng nông thôn ĐBSCL theo hướng văn minh, hiện đại.

Biện pháp phi công trình: bao gồm các lĩnh vực nhận dạng lũ, dự báo lũ, phân lại cấp báo động lũ, chuyển đối cơ cấu sản xuất cây trồng, vật nuôi

Biện pháp phi công trình: bao gồm các lĩnh vực nhận dạng lũ, dự báo lũ, phân lại cấp báo động lũ, chuyển đối cơ cấu sản xuất cây trồng, vật nuôi

Biện pháp công trình: Xây  dựng, bổ sung hoàn chỉnh hệ thống kiểm soát lũ, thoát lũ theo lũ thiết kế năm 2000 đối với các cụm tuyến dân cư, quốc lộ, tỉnh lộ. Bổ sung, hoàn chỉnh đê bao, bờ bao chống lũ theo tần xuất thiết kế và yêu cầu sản xuất của từng vùng. Phối hợp chặt chẽ với các nước thượng nguồn trong bài toán kiểm soát lũ cả lưu vực.

Lời kết

Lũ năm 2000 giúp chúng ta có cách nhìn toàn diện về vấn đề lũ, lụt trên ĐBSCL, từ đó có thể hoạch định đúng đắn chiến lược “sống chung tích cực với lũ, lụt”, cần tăng cường công tác nghiên cứu các quy luật thời tiết, mưa, lũ, lụt ở lưu vực sông Mê Kông, đánh giá những thay đổi, những xu hướng biến đổi của các yếu tố tác động là hết sức quan trọng.

Lũ năm 2000 cũng đặt ra những vấn đề không kém phần quan trọng trong quy hoạch bờ bao ở các vùng với mức kiểm soát lũ khác nhau nhằm đảm bảo sự cân bằng và hợp lý trong bảo vệ sản xuất từng vùng và thoát lũ hợp lý.

Lũ năm 2000 cũng cho thấy, tuy đã có sự kết hợp chặt chẽ giữa các công trình giao thông – thủy lợi nhưng để phát huy hiệu quả tổng hợp của cả hệ thống, cần rà soát lại từng hạng mục công trình để đảm bảo mỗi công trình đều đạt yêu cầu về cả hai mặt kỹ thuật và chất lượng, đảm bảo không gây gia tăng ngập lụt, không gây ảnh hưởng lớn đến chế độ dòng chảy tại Đồng Tháp Mười và tứ giác Hà Tiên.

Đối với ĐBSCL không phải ngẫu nhiên mà có được các thành quả kinh tế xã hội như ngày nay. Tôi vẫn nhớ trưa ngày 14/6/2008  khi chuẩn bị tang lễ cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt ở Hội trường Thống nhất, tôi nhận được điện thoại của nguyên Bộ trưởng Lê Huy Ngọ từ Hà Nội, trong cơn húng hắng ho nhẹ, Anh Ngọ xúc động hệ thống lại cả quá trình hình thành tư duy và chỉ đạo quyết liệt của ông Võ Văn Kiệt từ ngọt hoá Gò Công, đến bán đảo Cà Mau, chung sống với lũ, thoát lũ ra biển Tây, xây dựng cụm tuyến dân cư, và nhìn xa hơn là hệ thống công trình và phi công trình cho phòng chống thiên tai…

Anh Ngọ bảo người dân Việt Nam chịu ơn ông Võ Văn Kiệt nhiều lắm, những người có trách nhiệm cần nghiên cứu tổng kết về con người rất đặc biệt này. Tôi được chứng kiến, được đọc nhiều bức thư của người dân, của các nhà khoa học trong và ngoài nước gửi ông Võ Văn Kiệt, trong đó có cả những người nổi tiếng là khinh bạc. Vì sao họ lại tin và trọng ông đến thế, ngay cả khi đã nghỉ hưu, không còn quyền lực! Phải chăng ngoài văn hoá ứng xử rất Người ở ông, người ta thấy đó là điểm tựa hay nói một cách nôm na đó là sự tin cậy, kính yêu của người dân dành riêng cho ông.

Tô Văn Trường/Nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam