50 tỉnh ‘lỗi hẹn’ báo cáo kiểm kê đất đai
Trước việc “lỗi hẹn” báo cáo kiểm kê đất đai toàn quốc năm 2019, được sự chấp thuận của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) mới đây đã có công văn gửi các địa phương thông báo thời hạn mới và tiếp tục hối thúc việc nộp báo cáo.
Thời gian Bộ báo cáo kết quả được lùi đến Quý IV/2020, còn các địa phương phải nộp báo cáo trước ngày 30/9/2020.
50 tỉnh chưa hoàn thành kiểm kê đất đai
Theo Chỉ thị 15/CT-TTg ngày 17/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất (SDĐ) năm 2019, thời điểm triển khai thực hiện kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng SDĐ được thực hiện thống nhất trên phạm vi cả nước từ ngày 1/8/2019. Số liệu kiểm kê đất đai năm 2019 được tính đến ngày 31/12/2019.
Chỉ thị cũng đưa ra các mốc thời gian: Cấp xã báo cáo trước 16/1/2020; cấp huyện trước 1/3/2020; cấp tỉnh và Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trước ngày 16/4/2020; Bộ TN&MT phải hoàn thành tổng hợp, công bố, báo cáo kết quả của cả nước và các vùng kinh tế – xã hội trước ngày 16/6/2020.
Theo báo cáo của Tổng cục Quản lý đất đai (QLĐĐ) (Bộ TN&MT) đến ngày 15/8/2020, Bộ TN&MT mới chỉ nhận được kết quả kiểm kê chính thức của 10 tỉnh (Tiền Giang, Bắc Ninh, Hà Nam, Bắc Giang, Hậu Giang, Đồng Nai, Thái Bình, Ninh Thuận, Trà Vinh, An Giang); 3 tỉnh đã hoàn thành đang trình UBND tỉnh phê duyệt (Vĩnh Phúc, Bình Phước, Cà Mau). Còn 50 tỉnh chưa hoàn thành việc kiểm kê đất đai năm 2019, trong đó, 4 tỉnh (Yên Bái, Hưng Yên, Hà Giang và Hòa Bình) mới hoàn thành công tác chuẩn bị.
Trên hệ thống phần mềm kiểm kê đất đai (TK Online), đến ngày 11/8/2020, có 33 tỉnh, thành phố đã đưa toàn bộ dữ liệu kiểm kê cấp xã lên hệ thống tổng hợp cấp tỉnh, huyện; có 29 tỉnh, thành phố chưa đưa hết dữ liệu kiểm kê cấp xã trên hệ thống. Đặc biệt, có 3 tỉnh chưa xin cấp tài khoản để đưa dữ liệu kiểm kê cấp xã lên hệ thống (Yên Bái, Hưng Yên, An Giang).
Đề xuất không điều tra đất rừng không còn rừng
Ông Đào Trung Chính, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục QLĐĐ cho biết, mục đích của kỳ kiểm kê năm 2019 nhằm đánh giá thực trạng tình hình SDĐ của từng đơn vị hành chính các cấp xã, huyện, tỉnh, vùng kinh tế và cả nước để làm cơ sở đánh giá tình hình quản lý, SDĐ của các cấp trong 5 năm qua.
Đồng thời, đề xuất cơ chế, chính sách, biện pháp nhằm tăng cường quản lý Nhà nước về đất đai, nâng cao hiệu quả SDĐ; làm cơ sở cho việc lập quy hoạch, kế hoạch SDĐ các cấp giai đoạn 2021 – 2030 và là cơ sở quan trọng để xây dựng chiến lược phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Nội dung kiểm kê đất đai theo từng đơn vị hành chính các cấp bao gồm: Diện tích các loại đất theo quy định tại Điều 10 của Luật Đất đai 2013; diện tích các đối tượng đang SDĐ, đối tượng đang quản lý đất theo quy định tại Điều 5 và Điều 8 của Luật Đất đai 2013.
Ngoài ra, còn kiểm kê chi tiết các loại đất trồng lúa, đất rừng sản xuất, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng; diện tích đất ngập nước, đất khu bảo tồn thiên nhiên, đất cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học theo quy định tại Điều 16 và Điều 35 của Luật Đa dạng sinh học; tình hình SDĐ do DN nhà nước, DN cổ phần hóa quản lý sử dụng; đất do các ban quản lý rừng và các DN sản xuất nông, lâm nghiệp sử dụng; đất tại các dự án xây dựng nhà ở thương mại; đất xây dựng các công trình sự nghiệp ngoài công lập, công trình công cộng có mục đích kinh doanh; đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích.
Bên cạnh đó, tại Công văn 5904/VPCP ngày 21/7/2020, Văn phòng Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện công tác kiểm kê đất đai lưu ý lồng ghép việc thực hiện nhiệm vụ “rà soát diện tích đất quy hoạch là đất rừng nhưng thực tế không còn rừng và phần diện tích rừng nghèo kiệt phân bổ manh mún” được Chính phủ giao tại Nghị quyết 22/NQ-CP ngày 1/3/2020 về ổn định dân cư tự do và quản lý, SDĐ có nguồn gốc nông, lâm trường, Tổng cục QLĐĐ đã kiến nghị Lãnh đạo Bộ TN&MT cho phép báo cáo giải trình với Thủ tướng không thực hiện nhiệm vụ trong thời gian này.
Nguyên nhân là do các địa phương hiện đã cơ bản hoàn thành xong việc kiểm kê đất đai ở cấp xã; nội dung kiểm kê chuyên đề năm 2019 đã có kiểm kê chi tiết về tình hình SDĐ của các Công ty nông lâm trường và ban quản lý rừng (trong đó, có kiểm kê cả phần đất đã được giao chưa đưa vào sử dụng).
Bên cạnh đó, phần diện tích đất rừng nghèo kiệt và manh mún phải điều tra thực địa với sự đánh giá chất lượng rừng của ngành nông nghiệp. Nội dung này yêu cầu thời gian, nhân lực và kinh phí lớn nên hiện chưa thể triển khai ngay. Do đó, Tổng cục kiến nghị Lãnh đạo Bộ TN&MT báo cáo Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT chủ trì thực hiện trong dự án kiểm kê rừng, Bộ TN&MT phối hợp thực hiện.
Lam Hạnh/Báo Pháp luật