08/07/2015

Hà Nội đầu tư trên 1,7 nghìn tỷ đồng xây các khu vui chơi giải trí, vườn hoa công viên

Trong thời gian qua Hà Nội đã quan tâm đầu tư các khu vui chơi giải trí, vườn hoa công viên cho nhân dân, nổi bật là đã ban hành Quy hoạch công viên cây xanh; đã chấp thuận các địa điểm xây dựng các điểm văn hóa với trên 20ha, 26 dự án phê duyệt chủ trương đầu tư với trên 1,7 nghìn tỷ đồng. Đó là đánh giá của Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc tại phiên họp HĐND TP Hà Nội sáng 7/7.

Trả lời phản ánh của cử tri về tình trạng trẻ em tại các khu dân cư không có nơi vui chơi; các thiết chế văn hóa thể thao tại cơ sở hầu hết không thiết kế các điểm vui chơi cho trẻ em… Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cho biết, qua rà soát sơ bộ toàn TP Hà Nội có khoảng 200 điểm vườn hoa, sân chơi công cộng, trong đó 4 quận nội đô lịch sử có 29 điểm vườn hoa, khu vui chơi công cộng (chưa kể các điểm sinh hoạt cộng đồng và sân chơi tại các khu chung cư, khu tập thể cũ).

Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Nguyễn Thế Hùng: Ưu tiên quỹ đất di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường để xây dựng công viên, vườn hoa, khu vui chơi.

Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Nguyễn Thế Hùng: Ưu tiên quỹ đất di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường để xây dựng công viên, vườn hoa, khu vui chơi.

Trong thời gian qua, TP đã quan tâm đầu tư xây dựng các khu vui chơi, vườn hoa, tuy nhiên còn chưa đáp ứng đủ yêu cầu về số lượng, chất lượng. Cụ thể, khu vực nội đô lịch sử có mật độ dân cư đông, mật độ xây dựng cao, thiếu quỹ đất cho sân chơi, vườn hoa. Trong khi vườn hoa, sân chơi hiện có vốn đã quá tải, chưa được bổ sung thì lại bị chiếm dụng, sử dụng sai mục đích.

Điển hình như các khu tập thể cũ như Kim Liên, Trung Tự (quận Đống Đa), khu tập thể Thanh Xuân (quận Thanh Xuân), khu tập thể Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy), tập thể ở Đội Cấn (quận Ba Đình)…

Thực trạng này do công tác quản lý chưa chặt chẽ; hệ thống sân chơi cho trẻ em được xây dựng từ nhiều năm trước, chất lượng xuống cấp và thiếu hấp dẫn. Trang thiết bị tại các khu vui chơi cho trẻ em chất lượng kém, lạc hậu. Tại các khu đô thị mới, khu nhà ở, tiến độ xây khu vui chơi chung cho trẻ em còn chậm.

Để khắc phục tình trạng trên, UBND TP Hà Nội đã giao Sở Quy hoạch – Kiến trúc ngay từ bước lập quy hoạch phải xác định quỹ đất công cộng. Đối với các dự án cải tạo chung cư cũ cũng phải bố trí diện tích dành cho khu vui chơi trẻ em. Cùng với đó, ưu tiên quỹ đất di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường để xây dựng công viên, vườn hoa, khu vui chơi.

UBND TP cũng giao UBND các quận kiểm tra, rà soát các sân chơi bị chiếm dụng để có biện pháp giải tỏa, thu hồi đồng thời với việc bổ sung trang thiết bị dành cho các hoạt động vui chơi cho trẻ em trong khu dân cư, khu tập thể.

Liên quan đến tình hình, kết quả thực hiện chủ trương ưu tiên dành quỹ đất thu được (do di dời các cơ quan, đơn vị hoặc do thanh lý các hợp đồng cho thuê các khu đất xen, kẹt, giáp ranh khu dân cư hiện đang sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh…) để xây dựng thiết chế văn hóa, vườn hoa, sân chơi, lắp đặt dụng cụ thể thao… ông Nguyễn Thế Hùng cho biết, tại 12 quận sau rà soát đã xác định bổ sung được khoảng 189 điểm đất với tổng diện tích khoảng 119.000 m2.

Căn cứ vào quy hoạch được duyệt, UBND TP sẽ xây dựng các tiêu chí, danh mục, lộ trình di dời, đề xuất cơ chế tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt làm căn cứ triển khai trong thời gian tới.

Trả lời câu hỏi về kết quả thực hiện chính sách khuyến khích đầu tư, huy động đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân vào việc xây dựng công trình văn hóa, công viên, vườn hoa, khu vui chơi giải trí theo Nghị quyết số 16/2013/NQ-HĐND, Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Nguyễn Thế Hùng cho biết, UBND TP đã xây dựng và công bố tổng số 44 danh mục dự án kêu gọi đầu tư, trong đó có 3 dự án thuộc lĩnh vực văn hóa, công viên vườn hoa.

Ngoài ra, UBND TP đã phê duyệt chấp thuận địa điểm, chấp thuận đề xuất dự án hoặc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cho 26 dự án thuộc lĩnh vực văn hóa, khu vui chơi thể thao với diện tích chiếm đất khoảng 21,47ha, tổng mức đầu tư dự kiến các dự án khoảng 1.700 tỷ đồng. Các dự án đang trong quá trình triển khai thực hiện, tuy nhiên quá trình triển khai đều chậm so với tiến độ được phê duyệt.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Phạm Xuân Tài về công viên, vườn hoa hiện nay thiếu so với nhu cầu người dân hay thiếu so với quy chuẩn. Năm 2013, HĐND TP đã ban hành Quy hoạch phát triển văn hóa, trong đó có chỉ tiêu đến 2015 thì 45% các khu đô thị phải có khu vui chơi trẻ em, kết quả thực hiện chỉ tiêu này thế nào?

Giám đốc Sở QH-KT Nguyễn Thế Hùng cho biết, các điểm vui chơi, công viên vườn hoa của TP hiện nay thiếu so với cả quy chuẩn và với cả nhu cầu của người dân, nhất là trong các quận trung tâm có tốc độ gia tăng dân số nhanh, trong khi các tiêu chuẩn quy hoạch được thiết kế từ rất lâu, không theo kịp sự phát triển.

Về chỉ tiêu của HĐND TP, do thời gian qua chịu ảnh hưởng của suy giảm kinh tế, thị trường xây dựng trầm lắng nên hết năm 2015, TP sẽ không đạt chỉ tiêu 45% các khu đô thị có khu vui chơi trẻ em.

Trả lời câu hỏi của đại biểu về chất lượng hoạt động của các thiết chế văn hóa, Giám đốc Sở VHTT&DL Tô Văn Động thẳng thắn thừa nhận hoạt động của các thiết chế văn hóa chưa hiệu quả, nguyên nhân trước tiên thuộc về vai trò quản lý nhà nước của ngành, do chưa có hướng dẫn cụ thể để làm phong phú hoạt động của các thiết chế văn hóa, chưa đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Thứ hai là do các thiết chế văn hóa được đầu tư từ lâu, cơ sở vật chất cũ, đội ngũ cán bộ quản lý cũng chưa đáp ứng yêu cầu…

Tuy nhiên, ông Tô Văn Động nhấn mạnh, việc tồn tại các thiết chế văn hóa này là rất cần thiết. Phương hướng thời gian tới, Sở sẽ tham mưu TP một cơ chế quản lý, vận hành hiệu quả nhất đối với các thiết chế văn hóa này, đặc biệt là đẩy mạnh xã hội hóa; xây dựng nội dung hoạt động phong phú, hấp dẫn, thiết thực; nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ quản lý thiết chế văn hóa…

Liên quan đến thực hiện chủ trương xã hội hóa các khu vui chơi, vườn hoa, công viên, đại biểu Vũ Đức Bảo phản ánh trên địa bàn quận Long Biên hiện có 5 dự án đăng ký xã hội hóa nhưng quá trình triển khai lại vướng mắc tại các sở ngành TP. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Ngô Văn Quý trả lời các dự án trên của quận nằm trong phạm vi điều chỉnh của Nghị định 30 và Nghị định 15 của Chính phủ về lựa chọn nhà đầu tư các dự án xã hội hóa và về dự án TPP. Hai nghị định trên mới có hiệu lực thi hành, do đó trong thời gian tới Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ báo cáo UBND TP giao quận Long Biên lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án trên.

Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc đánh giá, trong thời gian qua, TP đã quan tâm đầu tư các khu vui chơi giải trí, vườn hoa công viên cho nhân dân, nổi bật là đã ban hành Quy hoạch công viên cây xanh; đã chấp thuận các địa điểm xây dựng các điểm văn hóa với trên 20ha, 26 dự án phê duyệt chủ trương đầu tư với trên 1,7 nghìn tỷ đồng. Cùng với đó, đã đầu tư các khu công viên mới cho nhân dân, như công viên Cầu Giấy, Yên Sở…

Tuy nhiên, với sự phát triển đô thị như hiện nay thì khu vui chơi, vườn hoa công viên của TP còn thiếu so với nhu cầu của nhân dân và thiếu so với cả tiêu chuẩn. Nguyên nhân là do các sở, ngành chưa có giải pháp cụ thể, quyết liệt, chủ động rà soát, báo cáo UBND TP để báo cáo HĐND TP xem xét, quyết định.

Chủ tịch HĐND TP yêu cầu, thời gian tới UBND chỉ đạo các ngành triển khai các quy hoạch đã được phê duyệt, nhất là Quy hoạch văn hóa, Quy hoạch công viên cây xanh và vườn hoa. Đồng thời chỉ đạo các ngành có giải pháp quyết liệt thu hồi các khu đất của các cơ sở gây ô nhiễm môi trường để xây dựng vườn hoa, khu vui chơi cho nhân dân. Rà soát lại các vườn hoa, công viên, khu vui chơi hiện có để có hướng đầu tư, cải tạo, nâng cấp. Tích cực triển khai Nghị quyết số 16 của HĐND TP, đẩy mạnh thu hút xã hội hóa. Tăng cường kiểm tra, giải quyết một cách quyết liệt, nghiêm túc việc lấn chiếm vườn hoa, khu vui chơi, nhất là trong các khu dân cư cũ…

Theo Báo xây dựng