Như vậy, dù Luật đã có quy định để bảo đảm quyền cho người dân khi đất của họ đã lỡ bị nằm trong quy hoạch, nhưng thực tế thì trong nhiều trường hợp, quyền của người dân chỉ là quyền “trên giấy”.
Bình luận về những bất cập trong quy hoạch, GS.TS Đặng Hùng Võ cho rằng, quy hoạch của Việt Nam là “quy hoạch theo sự lãng mạn của cán bộ”. Hình ảnh lãng mạn được ông Võ giải thích, người tiền nhiệm cho rằng phải làm như thế này mới đẹp, còn cán bộ nhiệm kỳ sau lại cho rằng phải làm thế kia, “nhưng ai bỏ tiền ra làm cho nó đẹp thì lại không có, cho nên quy hoạch xong thì treo để đấy. Mà cứ dính đến quy hoạch là ngân hàng sẽ ‘lè’ ra ngay lập tức, như vậy là tự mình làm hại mình”.
Lãng phí trong quy hoạch hạ tầng khung
Liên quan đến vấn đề quy hoạch, thời gian qua việc quy hoạch hạ tầng khung cũng được xem là còn tràn lan, khi tỉnh nào quy hoạch cũng có cảng, có sân bay, gây ra tình trạng lãng phí nguồn lực xã hội.
Đơn cử như khu vực miền Trung giữa TP. Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi, cả 3 địa phương này đều có vị trí liền kề và cả 3 tỉnh đều có nhiều cảng biển (Đà Nẵng có 1, Quảng Nam có 2 và Quảng Ngãi cũng có 2 cảng biển), chưa kể các cảng nhỏ. Hiện nay Đà Nẵng có sân bay, Quảng Nam cũng có sân bay (sân bay Chu Lai đang được nghiên cứu để quy hoạch thành cảng trung chuyển hàng không quốc tế). Đặc biệt, khu vực này có 2 khu kinh tế nối liền là Khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam) và Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi), điều này vô hình trung là tại một khu vực có bán kính trong vòng 60km lại có quá nhiều hạ tầng khung, chưa kể hiện nay 2 khu kinh tế Chu Lai và Dung Quất đang cạnh tranh về đầu tư cơ sở hạ tầng và quy hoạch các khu công nghiệp để thu hút các nhà đầu tư.
“Ngoài ra, tính đồng bộ giữa quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng chưa thể hiện tính thống nhất và đề cập trong luật. Công tác quy hoạch sử dụng đất thiên về sắp xếp các loại đất theo mục tiêu quản lý hành chính, chưa tính toán đầy đủ về hiệu quả kinh tế – xã hội, môi trường, đặc điểm vùng miền…”, ông Nguyễn Văn Diệu, Hội Liên hiệp KHKT Quảng Nam nêu ý kiến.
Ông Nguyễn Văn Diệu cho rằng, về nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cần nêu thêm yêu cầu quy hoạch phải gắn với hiện trạng cơ sở hạ tầng nền đã có và vị trí quy hoạch hạ tầng khung (sân bay, cảng biển) của các vùng miền có địa lý liền kề để tận dụng lẫn nhau, tránh tình trạng lãng phí trong quy hoạch hạ tầng.
Về những bất cập trong quá trình thực hiện Luật Đất đai 2013, ông Đào Trung Chính, Tổng cục trưởng Tổng cục Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho rằng, những vướng mắc của các địa phương có thể là vì chúng ta mới triển khai Luật Đất đai mới với hệ thống nghị định, thông tư mới, vì thế cần phải có thời gian để luật đi vào cuộc sống. Hiện nay Bộ TN&MT đã chỉ đạo Tổng cục Đất đai tiếp thu các ý kiến của địa phương, thực hiện sơ kết thi hành Luật Đất đai mới, trên cơ sở đó mới tìm ra được đâu là vấn đề thực sự vướng, cần tháo gỡ. Bộ cũng đã kiến nghị Chính phủ tổng kết, sơ kết thi hành luật. Nếu có vướng mắc sẽ đưa vào một nghị định mới để giải quyết.