Quy hoạch sản xuất – Những vấn đề đặt ra
TS. NGUYỄN QUANG DŨNG
Quyền Viện trưởng Viện Quy hoạch & Thiết kế Nông nghiệp – Bộ NN&PTNT
ĐÁNH GIÁ VỀ QUY HOẠCH XÃ NTM TẠI 11 XÃ THÍ ĐIỂM
Đối với các xã điểm xây dựng theo chương trình của Ban bí thư (11 xã điểm), công tác quy hoạch và tổ chức thực hiện một số nội dung, ngay cả khi chưa phê duyệt quy hoạch, được tiến hành song song nhằm đáp ứng mô hình thực tiễn về áp dụng chính sách và tổ chức thực hiện ở địa bàn cụ thể. Tuy nhiên, không có sự mâu thuẫn giữa nội dung thực hiện và các đồ án quy hoạch được phê duyệt. Thực tế ở các địa phương điển hình đã xác định được những vấn đề cấp bách cần thực hiện, những vấn đề ưu tiên cần triển khai bao gồm xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển sản xuất. Với các nguồn lực huy động tại chỗ, địa phương cũng lựa chọn triển khai ngay các hạng mục về kết cấu hạ tầng.
Những văn bản định hướng khung tập trung vào 3 nội dung chính: Quy hoạch đất đai, quy hoạch sản xuất, quy hoạch xây dựng cùng với kinh phí, thời gian yêu cầu đi kèm nêncác địa phương, đơn vị tư vấn thiết kế về cơ bản đã tập trung và đưa ra được bộ khung về nội dung quy hoạch chung. Thuận lợi là mỗi bộ ngành đều có trách nhiệm tham gia, có tiêu chuẩn theo từng ngành phụ trách.
Nhìn chung đánh giá chất lượng có nơi tốt, nơi khá, hạn chế nhưng đã đáp ứng được yêu cầu thực hiện chung. Đội ngũ tư vấn cũng đã áp dụng những tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức của các bộ ngành liên quan như Bộ Nông nghiệp, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Giao thông vận tải,… nên cố gắng áp dụng các tiêu chuẩn khác nhau để đưa vào gắn với điều kiện xây dựng NTM.
Ở khu vực đồng bằng, trung du, địa bàn giao thông điều kiện đi lại thuận lợi nên công tác quy hoạch đạt yêu cầu. Đối với vùng núi, vùng sâu vùng xa, địa bàn rộng, đi lại khó khăn, dân cư phân bố rải rác , diện tích mỗi xã lớn mà với thời gian, kinh phí yêu cầu có hạn nên chỉ đáp ứng tối thiểu.
Thông qua công tác quy hoạch như vậy, trong bước chỉ đạo triển khai ở các địa phương về cơ bản cũng đã tuân thủ theo các quy hoạch đã được phê duyệt, đặc biệt là về các mạng lưới công trình kết cấu hạ tầng, khu trung tâm đã đáp ứng được định hướng và căn cứ theo quy hoạch là hướng, tuyến, quy mô, đáp ứng về tiêu chuẩn kỹ thuật, tính đến cải tạo mở mang đáp ứng tiêu chuẩn độ rộng của mặt đường, thực hiện cắm mốc cho từng giai đoạn. Tùy nguồn lực huy động, có địa phương quy hoạch cả tuyến đường 1km chiều rộng 9m. Như vậy, quy hoạch đã định hướng cho các địa phương, gắn sát với điều kiện thực tế của địa phương. Do điều kiện về mặt thời gian, có thể trong quá trình thực hiện quy hoạch, phê duyệt cũng có nội dung đã được điều chỉnh, rà soát quy hoạch để đáp ứng điều kiện mới của các địa phương.
Thông qua việc xây dựng quy hoạch, thực hiện quy hoạch cũng có đóng góp nhất định vào kết quả xây dựng NTM ở địa phương.Điều dễ nhận thấy nhất là bộ mặt nông thôn thay đổi, hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ sinh hoạt và sản xuất đường giao thông, khu trung tâm, trường học, trạm xá, nhà văn hóa…được làm mới hoặc cải tạo tại đa số các xã.Người dân sống ở nông thôn được hưởng thụ các công trình trong sinh hoạt và sản xuất.
ĐỊNH HƯỚNG CÁC QUY HOẠCH
Dựa trên nền tảng 19 tiêu chí giúp cho cán bộ địa phương cấp xã, thôn hình dung rõ, sử dụng quy hoạch trong quá trình tổ chức thực hiện xây dựng NTM theo quy hoạch tương đối phù hợp với trình độ cán bộ địa phương, mang tính đồng bộ, trên diện rộng và sâu trên phạm vi toàn quốc, cung cấp được nhu cầu thiết yếu về kết cấu hạ tầng ở mức độ tiên tiến
Tuy nhiên, chất lượng công tác quy hoạch ở nhiều địa phương còn thấp. Nhiều xã mới dừng ở quy hoạch chung, thiếu những cụ thể hóa cần thiết. Nhiều đề án nặng về tính toán đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chưa chú trọng đúng mức tới phát triển sản xuất, bảo tồn các giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường, thiếu giải pháp thực hiện, tính toán huy động nguồn lực còn thiếu tính thực tiễn.
Các văn bản, hướng dẫn về NTM nhiều, chương trình mới, chưa có chuẩn nên vừa làm vừa thử nghiệm mô hình, triển khai nhân rộng ngay nên có nhiều nội dung phải điều chỉnh, các văn bản thường xuyên cập nhật, chịu sự chi phối của nhiều văn bản hướng dẫn khác nhau gây khó cho cán bộ chủ trì nắm được.
Việc lập đồ án quy hoạch NTM tương đối toàn diện trên các lĩnh vực quy hoạch đất đai; quy hoạch sản xuất; quy hoạch xây dựng;… làm cơ sở đầu tư, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội nông thôn nên khi xây dựngquy hoạch đội ngũ tư vấn cần có am hiểu toàn diện, có đầy đủ kiến thức về nông nghiệp, xây dựng, xã hội … Nhưng trong thực tế, đội ngũ quy hoạch thường chỉ mạnh về một lĩnh vực, khó có sự bao quát toàn diện. Hơn nữa, trong quá trình triển khai, áp dụng các thông tư hướng dẫn của các Bộ ngành vẫn còn gặp nhiều khó khăn và bị chồng chéo.
Do cách hiểu về mục đích, nội dung, ý nghĩa NTM khác nhau mà các bộ ngành liên quan đưa ra các tiêu chuẩn không trên cùng mặt bằng. Có ngành đưa ra tiêu chuẩn mang tính chất hiện đại, cũng có ngành đưa ra tiêu chuẩn tối thiểu chưa hướng đến yêu cầu phát triển trong tương lai.
Mặc dù thực hiện qua nhiều năm nhưng nhận thức của người dân, ngay cả cán bộ các cấp không phải đã thông hiểu đầy đủ hết về mục tiêu, ý nghĩa của chương trình NTM nên cách hiểu khác nhau và cách chỉ đạo cũng khác nhau. Văn bản không trực tiếp bổ trợ cho các hoạt động ở dưới. Trong nhiều trường hợp cũng chưa hoàn toàn mang tinh thần của NTM, chưa tuyên truyền vận động và khai thác tối đa nguồn lực tại địa phương, nhiều nơi, nhiều nội dung còn trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước.
Việc thực hiện quy hoạch tại các địa phương mới bám theo tiêu chí nên thực chất mang tính chất cải tạo, nâng cấp, mở rộng chứ cũng chưa làm mới vì khó khăn về nguồn lực.
CẦN THÊM THỜI GIAN VÀ NGUỒN LỰC ĐỂ TĂNG TÍNH HIỆU QUẢ CỦA QUY HOẠCH SẢN XUẤT
Quy hoạch sản xuất được xem như là một trong 3 nhóm chủ đạo trong quy hoạch xây dựng NTM, rất cần thiết giúp phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho lao động nông nghiệp nói riêng và cho lao động, người dân nông thôn nói chung. Tuy nhiên,cho đến nay còn nhiềuhạn chế khi giải quyết các vấn đề, nội dung là căn cứ để dự báo tính toán phương án quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế, sản xuất có hiệu quả. Đó là các vấn đề về dự báo thị trường, chính sách để tập trung và tích tự đất đai, kinh tế trang trại, hợp tác xã dịch vụ và sản xuất, thương mại, tín dụng nông nghiệp nông thôn, bảo hiểm nông nghiệp,…Điều đó khiến cho chất lượng các quy hoạch phát triển sản xuất, phát triển kinh tế chỉ đạt mức trung bình, còn nhiều hạn chế.
Để phát triển sản xuất thành công, cần hướng đến những mô hình kỹ thuật bao gồm về: trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, chế biến, ngành nghề thủ công, các ngành nghề phi nông nghiệp, dịch vụ… Các quy hoạch ngành nghề kỹ thuật (bao gồm cả định hướng, phân bố không gian cho các khu vực sản xuất và phát triển kinh tế) tùy theo lợi thế về vị trí, điều kiện đất đai nguồn nước trên địa bàn các xã để thực hiện.
Nếu sản xuất đi lên, đời sống người dân được nâng cao là yêu cầu quan trọng cho xây dựng NTM thành công. Tuy nhiên, thể chế chính sách, các mô hình kỹ thuật về tổ chức sản xuất, hình thức tổ chức sản xuất, quan hệ sản xuất, phân bố không gian tạo điều kiện hướng đến sản xuất hàng hóa, tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập của người lao động nông thôn một cách bền vững. Quy hoạch sản xuất với phân bố không gian trong phạm vi hành chính của một xã, trong khi thể chế, chính sách có tác động đa lĩnh vực, trên địa bàn thường là rộng lớn hơn nhiều một xã, có thể là liên xã, huyện và tỉnh. Do vậy quy hoạch sản xuất cho một xã NTM cần tính đến mối quan hệ liên xã, liên vùng.
Mô hình kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi đã có giải pháp nhất định nhưng vấn đề liên kết thị trường tiêu thụ, gắn kết với doanh nghiệp còn khó khăn và ko phải dễ dàng để xử lý.
Phân bố không gian các khu vực sản xuất có nhiều lợi thế dựa trên các điều kiện thuận lợi về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý thì có thể định hướng, thực hiện được.
Trong 3 nhóm nội dung chính như vậy, đối với phát triển sản xuất trên toàn bộ các xã cũng thể hiện được quy hoạch chung về phân bố không gian chứ quy hoạch về phát triển sản xuất, phát triển kinh tế, làm chi tiết để có hiệu quả thì với kinh phí, thời gian làm, yêu cầu lại trên toàn địa bàn thì chưa đáp ứng được. Vì vậy quy hoạch phát triển kinh tế nằm trong quy hoạch NTM nhìn chung hiệu quả còn thấp, chưa hỗ trợ nhiều cho người nông dân, chưa kể quy hoạch phát triển sản xuất còn chịu nhiều điều phối của cơ chế khác chứ chỉ quy hoạch thì chưa giải quyết được.
Mô hình của xã Tân Thịnh – Lạng Giang – Bắc Giang được xây dựng thành công dựa trên sự đồng bộ quy hoạch và có định hướng ngay từ ban đầu, bao gồm bố trí các công trình cơ sở hạ tầng về không gian, phát triển kinh tế. Trong phát triển kinh tế cũng đưa ra định hướng mở phát triển kinh tế hàng hóa, từng bước áp dụng được và có những thành quả nhất định. Đạt được hiệu quả cũng do nhiều yếu tố:
Một trong những yếu tố đóng góp lớn đó là quy hoạch. Xuất phát điểm của địa bàn cũng có nhiều yếu tố thuận lợi như: trình độ cán bộ, người dân có trình độ so với mặt bằng chung. Đi cùng với hỗ trợ về vốn, chính sách xây dựng mô hình điểm nên cũng đạt được thành công trong công tác xây dựng NTM.
Mô hình xã Hải Đường – Nam Định được coi là mô hình điểm xây dựng thành công NTM. Điểm thuận lợi là xã Hải Đường có lịch sử hàng trăm năm từ thời khai hoang lấn biển và đã có quy hoạch tương đối tốt về mặt bố trí không gian dựa trên nền tảng gắn với hệ thống cây xanh, giao thông thuận tiện, cảnh quan môi trường tốt. Với chủ trương, quy hoạch, hỗ trợ điểm, chỉ đạo trực tiếp của các cấp địa phương nên đã có sự chuyển dịch về kết cấu hạ tầng, chuyển đổi kinh tế, phát triển các hình thức sản xuất, chuyển dịch ngành nghề phi nông nghiệp, sau nông nghiệp rõ rệt.
Như vậy, dựa vào truyền thống của từng cá biệt và đặc thù, cá nhân năng động, đầu mối sản xuất đặc thù nên thành công ở một số địa phương mang tính đơn lẻ, chưa có khả năng phổ biến trên diện rộng.
Từ công tác quy hoạch đến việc thực hiện có rất nhiều hạn chế, dẫn đến chất lượng quy hoạch về phát triển sản xuất, kinh tế còn nhiều hạn chế nên không đóng góp nhiều cho việc phát triển kinh tế của các xã trong công tác xây dựng NTM. Hiện nay, những trường hợp phát triển được cũng dựa nhiều vào truyền thống từng địa phương, mang tính cá biệt, đặc thù chứ chưa mang tính phổ biến. Những địa phương thành công với mô hình phát triển kinh tế do có sẵn, có cá nhân năng động hay đầu mối về sản xuất tiêu thụ. Việc thành công mang tính phố biến nhân rộng, tính lan tỏa còn rất hạn chế.
MỘT SỐ ĐỀ XUẤT
Như vậy để cải thiện chất lượng quy hoạch, nhất là quy hoạch sản xuất, phát triển kinh tế cần xác định các tồn tại, nguyên nhân và trên cơ sở như vậy đề xuất các giải pháp khắc phục đảm bảo quy hoạch NTM có đóng góp đáng kể, là tiền đề đảm bảo xây dựng NTM thành công tại mỗi địa phương. Trước mắt cần tập trung vào:
Tiếp tục và nhanh chóng nghiên cứu, ban hành chủ trương và chính sách về hỗ trợ phát triển kinh tế, sản xuất có hiệu quả: chủ trương chính sách về tín dụng, bảo hiểm, tập trung tích tụ ruộng đất, các hình thức liên kết sản xuất, sản xuất theo hợp động, đào tạo nghề,… sớm có khả năng thực thi, áp dụng thực tiễn.
Cần có được mô hình kỹ thuật đảm bảo tạo ra nhiều công ăn việc làm, cho phép chuyển đổi theo quy luật chung từ lao động nông nghiệp giản đơn sang lao động nông nghiệp chuyên nghiệp, công nghiệp có kỹ thuật, ngành nghề dịch vụ tại chỗ, đầu tư vốn có lợi nhuận cao hơn, sang phát triển nông nghiệp xanh bền vững môi trường…
Cần có quy hoạch phát triển sản xuất chi tiết, đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu, không nhất thiết chạy theo tiến độ, số lượng. Nhà nước nên hỗ trợ đầu tư quy hoạch phát triển sản xuất, kinh tế chi tiết có tính liên vùng, liên xã, có thể phát triển sản xuất, phát triển kinh tế phục vụ xây dựng NTM cấp huyện chứ không đơn thuần là cấp xã. Có thể có những nghiên cứu đánh giá sâu hơn để có hình mẫu quy hoạch NTM, tạo hình mẫu các khu vực hỗ trợ cho việc điều chỉnh, thực hiện công tác quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch trong thời gian tới./.
Tạp chí Kiến trúc Việt Nam số 3+4/2015