12/08/2020

Chiến lược phát triển nền “kinh tế biển xanh” và bài toán tổ chức lại không gian kinh tế biển

(KTVN 228) – LTS: GS Nguyễn Chu Hồi, người đã có nhiều năm dành tâm huyết nghiên cứu về biển đảo. Theo ông, chiến lược hướng tới một nền “kinh tế biển xanh” đã được xác định, dù không phải sớm, để từ đó chúng ta có những quyết sách phát triển cụ thể, trong đó có công tác quy hoạch các đô thị biển. Với KTVN, Ông đã chia sẻ góc nhìn, nhận định và hướng giải cho bài toán tổ chức lại không gian kinh tế biển hiện nay. Đồng thời, có những đánh giá thực trạng phát triển của các đô thị biển hiện hữu và đề xuất một chiến lược phát triển các “cực kinh tế biển” trong mối quan hệ với “chuỗi đô thị ven biển” và “chuỗi đô thị đảo”.

Cù Lao Chàm - Quảng Nam (Ảnh: Phú Đức)

Cù Lao Chàm – Quảng Nam (Ảnh: Phú Đức)

Ở nước ta, muốn nói đến “cực phát triển” kinh tế biển thì phải quan tâm đến toàn bộ cơ cấu của “chuỗi đô thị ven biển” và “chuỗi đô thị đảo”. Vì, một cực phát triển (một đô thị, một khu kinh tế ven biển hay trên đảo,…) có tính độc lập, nhưng không cô lập, hay còn gọi là “tính độc lập tương đối”. Đó là nguyên tắc liên kết để tạo động lực cho phát triển dài hạn dựa trên cách tiếp cận hệ sinh thái trong kinh tế học hiện đại.

Có các cực phát triển ven biển và trên biển thì phải có chuỗi liên kết như thế nào? Trả lời câu hỏi này chính là việc giải bài toán tổ chức lại không gian kinh tế biển và nó đòi hỏi một tầm nhìn chiến lược, tổng thể và toàn diện, đi cùng với các giải pháp có tính đột phá. Trong đó, phát triển đúng hướng, hiệu quả các chuỗi đô thị ven biển và chuỗi đô thị đảo (sau đây gọi chung là đô thị biển) sẽ tạo nên các điểm cực phát triển tốt trong mỗi chuỗi. Tốt không chỉ cho chính nó (điểm cực) mà còn góp phần tạo động lực lan tỏa, tác động mạnh trở lại những vùng đất nội địa chứ không chỉ là đất liền tác động đến khu vực ven biển và biển, đảo như hiện nay, đồng thời cũng tác động mạnh đến không gian biển rộng lớn của đất nước.

Ngoài ra, đây còn là bài toán của địa kinh tế, địa chính trị, gắn phát triển kinh tế – xã hội với bảo vệ các quyền và lợi ích của nước ta trên biển Đông trong bối cảnh khu vực biển này là không gian chịu ảnh hưởng của các chiến lược nước lớn: Sáng kiến “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21” và Chiến lược “Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và mở”.

Vì vậy, muốn phát triển các cực kinh tế biển thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển kinh tế biển – ven biển thì chúng ta phải xem xét kết nối các đô thị ven biển cũ và mới, sớm hình thành chuỗi đô thị đảo, đặt chúng trong một chỉnh thể không gian: ven biển – biển – đảo. Trước tiên, xem thử việc chỉnh trang, nâng cấp các đô thị biển cũ như thế nào, theo mô hình nào? Hình thành các đô thị biển mới theo nguyên lý nào?

Khu lấn biển Rạch Giá, Kiên Giang - Nguồn ảnh: Phú Đức

Khu lấn biển Rạch Giá, Kiên Giang – Nguồn ảnh: Phú Đức

Nhìn lại các đô thị biển cũ như Thành phố Hải Phòng, Đà Nẵng, Huế,… và các khu đô thị mới tiềm năng như Dung Quất (có thể tương lai là TP Núi Thành), Vũng Áng (có thể tương lai là TP Kỳ Anh) thấy rõ đây là những đô thị biển hình thành một cách tự nhiên, dựa trên định hướng mối quan hệ giữa cảng – biển – đô thị.

Trên cơ sở xem xét, nghiên cứu sẽ tìm ra mô hình mới đa dạng, hiệu quả, thích hợp, kế thừa và độc đáo. Ngoài đảo cũng vậy, đô thị đảo phải có mô hình riêng, thuận thiên và dựa vào biển (ocean-based) chứ không phải dựa vào đất (trên đảo) là chính. Kinh tế đảo, vì thế, cũng định hướng dựa vào bảo tồn (vốn và tài sản tự nhiên biển, đảo), xanh và bền vững. Khi đó các đô thị đảo sẽ được kiến thiết theo hướng đô thị đảo xanh, một cực giao thương trên biển và kết nối với đất liền.

Muốn kết nối chuỗi đô thị biển (ocean city), bao gồm đô thị trên biển (theo đúng nghĩa của nó), đô thị ven biển (coastal city) và đô thị đảo (island city), cần dựa trên 3 yếu tố cơ bản là không gian biển (sea space), không gian đảo và không gian ven biển (coastal space). Khi quy hoạch không gian một đô thị biển phải tính đến 3 mảng không gian nói trên (trực tiếp hay gián tiếp). Đây là điểm khác cơ bản so với quy hoạch phát triển các đô thị đất liền.

Chiến lược hướng tới một nền “kinh tế biển xanh” đã được xác định, dù không phải sớm, để từ đó chúng ta có những quyết sách phát triển cụ thể, trong đó có công tác quy hoạch các đô thị biển.

Sau khi đã xác định được hướng đi, hình hài (mô hình) đô thị biển, câu chuyện tiếp theo là của các nhà chuyên môn – các nhà kiến trúc đô thị và nhà quy hoạch đô thị. Phải nghiên cứu kỹ, có trách nhiệm, thận trọng, khách quan (không bị sức ép cục bộ nào) để có được các chuẩn mực đô thị biển – là mô hình tham khảo khi quy hoạch và kiến trúc một đô thị cụ thể (ở ven biển hoặc trên đảo). Khi đó ta tránh được bệnh hội chứng (copy style) trong phát triển đôi khi vẫn gặp hiện nay, như cách “bê mảnh vỡ” nham nhở của một đô thị cũ ven biển áp đặt ra một hòn đảo có thiên nhiên hoang dã, phá vỡ thế mạnh của không gian đảo,…

Đô thị biển không chỉ là đô thị mà phải là cực đô thị tăng trưởng trên không gian biển, phải là điểm nối kết các điểm cực tăng trưởng trong 3 mảng không gian biển, đảo và ven biển nói trên.

Trong thực tế, đô thị biển ở nước ta thực ra mới thấy phát triển tập trung ở dải ven biển, chỉ là các đô thị ven biển, hiện chưa có đô thị đảo và đô thị trên biển theo đúng nghĩa của nó.

Trong khi đã có một số quốc gia, ngoài phát triển các đô thị ven biển đã có những đô thị đảo nổi tiếng từ những thế kỷ trước (các nước khu vực Địa Trung Hải), đô thị trên các đảo nhân tạo, đô thị “nổi trên biển” gắn với cảng biển nổi, sân bay nổi,… cũng đã và sẽ được xây dựng (Trung Đông, Nhật Bản,…). Các dạng đô thị biển này được xây dựng ban đầu từ vốn tự nhiên (natural capital) và vốn con người, quá trình phát triển sẽ tích tụ dân số và tăng vốn xã hội (social capital),… Do vậy, cũng có những giá trị đã bị hoặc sẽ phải bị đánh đổi (trade off ) bên cạnh những giá trị đặc thù còn tồn tại và những giá trị đặc hữu cần phải giữ lại.

Đô thị biển, như tên gọi của nó, phát triển dựa vào biển (ocean-based) thay vì dựa vào đất (land-based) như các dạng đô thị nội địa (trên đất liền) thông thường. Cơ sở của đô thị biển, tùy theo vị trí của nó, phải là thế mạnh của kinh tế biển, kinh tế ven biển và kinh tế đảo (hiện gặp trở ngại do kinh tế biển được hiểu là kinh tế tổng hợp, bao gồm cả kinh tế của các xã, huyện ven biển, hoặc thậm chí tính cả kinh tế toàn tỉnh ven biển).

Sự thiếu sót trong nhận diện quy mô của kinh tế biển đã làm mất đi giá trị cốt lõi của nó và ảnh hưởng đến cách nhìn nhận về đô thị biển, đặc biệt đô thị đảo. An ninh quốc gia, lợi thế cạnh tranh và khả năng hội nhập trên biển cũng theo đó bị suy giảm, bị đẩy lùi vào thị trường nội địa ngày một eo hẹp và bấp bênh.

Chính những áp đặt cách hiểu chủ quan về tiềm năng không gian biển cũng dẫn đến những thiếu sót trong việc xác định quy mô và hình thái đô thị biển với 3 loại hình đô thị nói trên. Yếu tố biển phải được đưa vào trung tâm của bài toán phát triển đô thị đảo thay vì phát triển thuần túy dựa vào việc “chia lô, bán nền” như ở một số “đô thị đảo đang phôi thai” hiện nay.

Ví dụ, giá trị thực sự của Phú Quốc nằm ở các hòn đảo vệ tinh, cách “đảo mẹ Phú Quốc” chừng 3-10km, có những rạn san hô ngầm, các bãi cỏ biển với các quần xã sinh vật biển đa dạng, phong phú, cùng các bãi cát biển, gò ngầm dài ngắn khác nhau rất đẹp. Chính các giá trị dịch vụ tự nhiên biển như vậy đã tạo cho Phú Quốc sự hấp dẫn đến lạ thường.

Sự hoang sơ của biển cả vẫn chưa được đánh giá đúng chân giá trị “biển bạc” của nó, mà các giá trị trước mắt của “đất vàng” vẫn hấp dẫn không chỉ các nhà đầu tư “nâu” mà còn cả một số nhà hoạch định chính sách và quy hoạch.

Cách nghĩ, cách làm như thế sẽ hướng đến các quyết định lấn biển bằng mọi giá để tạo thêm quỹ đất, không hoặc
ít chú trọng gìn giữ, bảo vệ các nguồn vốn và tài sản tự nhiên giá trị để đời của biển, trong khi nguồn vốn quý giá này có biểu hiện tiêu hao.

Ngoài ra, các “viên ngọc xanh trên nền biển bạc” như các cụm đảo Cô Tô, Vân Đồn (Quảng Ninh), Cát Hải, Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Phú Quý (Bình Thuận), Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu) là những địa điểm phát triển đô thị đảo tiềm năng, trong chừng mực nhất định, cũng đang vấp phải những vấn đề cụ thể mà chỉ có đặt vào tổng thể mới tháo gỡ được.

Vịnh Cát Lan, Cát Bà, Hải Phòng

Vịnh Cát Lan, Cát Bà, Hải Phòng

Do đó, trong quá trình phát triển các loại hình đô thị biển nên:

1. Công nhận và sử dụng khôn khéo các giá trị của cảnh quan thiên nhiên và các hệ sinh thái biển, đảo như là nguồn “vốn phát triển” dài hạn; Thiết kế và lựa chọn các mẫu hình kiến trúc đô thị xanh, thân thiện với tự nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp văn hóa bản địa.

Sự giống nhau và đơn điệu đến nhàm chán của các “khối nhà” bê tông lạnh lẽo và thiếu vắng “cơ sở hạ tầng tự nhiên” ven biển, đảo đang ngăn cách con người với thế giới tự nhiên và hương vị biển, đánh mất giá trị bản địa. Điều này chẳng những không đem lại các giá trị đặc thù về kiến trúc đô thị biển mà du khách và người dân chỉ có thể nhìn thấy những “mảng biển xanh” qua khe hở của các khối/bức tường bê tông. Đôi khi gây hiệu ứng khi mưa lũ về biến các “đảo ngọc” thành “đảo ngập”giữa biển khơi.

Hội chứng phát triển đô thị, đa phần còn chung chung, dường như đã xảy ra ở ta, từ trên miền núi xuống đồng bằng và ra đến ven biển, mặc dù gần đây đã xuất hiện một vài đô thị ven biển phát triển bước đầu đúng hướng, như Đà Nẵng, Quy Nhơn, Vũng Tàu,…

Những giá trị về lợi thế so sánh, tính trội, sự khác biệt và tính liên kết của một vùng đô thị ven biển chưa được quan tâm, tận dụng trong quá trình phát triển nên dần bị suy thoái, lãng phí tài sản tự nhiên.

2. Xác định mô hình đô thị biển như là một hệ sinh thái đô thị biển đa chiều, đa phương, đa diện, đa dạng và đa dụng. Nó có đầy đủ chức năng và cấu trúc của một hệ sinh thái tự nhiên – nhân sinh, có các dòng vật chất tương tác bên trong và bên ngoài hệ thống (con- nectivity). Mô hình vừa hiện đại, vừa dân tộc; bảo đảm an ninh, an toàn và an sinh; và vừa có tính đặc thù vùng miền cho một đô thị ven biển, đô thị đảo hay đô thị trên biển.

Ví dụ, mô hình đô thị ven biển gắn với cảng biển ở nước ta chiếm đa số cả trong quá khứ, như: Hải Phòng, Vinh, Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn, Vũng Tàu, cũng như trong tương lai, như: Nghi Sơn, Vũng Áng, Bắc Vân Phong, Chu Lai, Dung Quất,… Trong khi, Quảng Ninh có thế mạnh về biển rất lớn, ngay từ thời người Việt cổ đã xây dựng cảng Vân Đồn ngoài biển xa (ven đảo Quan Lạn), nhưng nay vẫn đứng trước sự lựa chọn trong dài hạn về mô hình “đô thị ven biển/TP Hạ Long gắn với cảng Cái Lân” hay là “đô thị Hạ Long gắn với giá trị di sản toàn cầu vịnh Hạ Long và các nguồn vốn tự nhiên biển khác”.

Bài toán mà Quảng Ninh phải giải là thay đổi tư duy và tầm nhìn dài hạn, tái cơ cấu kinh tế biển dựa vào việc cân bằng giữa lấn biển để mở rộng quỹ đất và tìm cách “tiến ra biển” bằng đầu tư bất động sản, với ưu tiên đầu tư phát triển các ngành kinh tế dựa vào bảo tồn biển (ocean conserva- tion-based economy).

Nếu như vậy, đô thị Hạ Long không còn là mô hình“Đô thị – cảng biển”, mà là“đô thị xanh, thông minh đa dụng”, còn Quảng Ninh vẫn thừa “dư địa”để tiên phong xây dựng một mô hình “Đô thị biển – đảo”theo đúng nghĩa của nó (dựa vào biển, đảo) gắn với cảng biển nước sâu ven đảo (có thể là cảng Hòn Nét) và một hệ thống cầu – đường vượt biển hợp lý, chứ không phải ven biển như cảng Cái Lân và phát triển dựa vào bờ như hiện nay.

3. Ủng hộ sáng kiến xây dựng một mô hình đô thị biển cấu trúc đa chiều, vì đô thị vốn là một thực thể mang tính nhân văn, hay nói cách khác cũng là một hệ sinh thái được con người tạo ra từ chính các nguồn lực trong tự nhiên (tài sản và vốn tự nhiên). Hệ sinh thái đa chiều lồng ghép cả 4 yếu tố chính – Tự nhiên, Kinh tế, Con người và Văn hóa – nhưng vẫn đảm bảo chức năng riêng (để hệ tồn tại) và tính liên kết với các hệ sinh thái khác xung quanh nó (để hệ phát triển).

Do đó, cần xác định rõ cấu trúc, chức năng và các dòng (flow) quan hệ nội tại của đô thị và các tương tác với môi trường xung quanh. Theo đó, chính quyền đô thị cũng phải đảm bảo đủ khả năng quản lý đô thị đa chiều với các vấn đề đa ngành, liên ngành dựa trên cấu trúc liên thông, kết nối đã được nghiên cứu, đánh giá và tiềm năng phát triển dài hạn. Trong đó, quan trọng nhất là chất lượng nguồn nhân lực, nhất là lãnh đạo có kỹ năng quản lý phát triển.

Con người là một thành tố quan trọng của hệ sinh thái đô thị biển đa chiều, cần được quan tâm, phát triển độc lập nhưng vẫn phải tương tác với các thành tố khác và các mối liên kết của hệ sinh thái đô thị này.

4. Thêm nữa, cần chú ý làm rõ chức năng trung tâm của hệ sinh thái đô thị biển đa chiều. Một hệ sinh thái đô thị bao giờ cũng là thành phần của một hệ thống lớn hơn và đồng thời lại bao chứa một hoặc nhiều hệ thống nhỏ hơn. Do đó, thông qua tương tác đa chiều, đô thị kiểu này hội tụ các nguồn lực, các dòng vật chất cả bên trong lẫn bên ngoài, và cứ thế phát triển. Khi đó, đô thị mới có thể phát huy được khả năng tích tụ, không chỉ đối với đất đai mà còn đối với dân số biển đảo, gia tăng nhu cầu nội vùng (cầu) và tạo động lực (cung) phát triển kinh tế của chính đô thị và vùng chung quanh.

Ví dụ, Thủ đô Hà Nội không thể phát huy ảnh hưởng và điều khiển nền kinh tế cả nước tốt nhất, trực tiếp là vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, nếu như thiếu vai trò“sải tay nối dài”của chuỗi đô thị ven biển: Hạ Long – Hải Phòng – Thái Bình – Nam Định – Ninh Bình – Thanh Hóa. Do đó, quy hoạch đô thị không chỉ dừng ở quy mô một đô thị, mà cần được xem xét nó trên quy mô của một hệ sinh thái, đặc biệt động lực lan tỏa và khả năng liên kết vùng.

5. Cuối cùng, cần xác định tính trội của một hệ sinh thái đô thị biển đa chiều – là một trong 3 thuộc tính vốn có trong mỗi hệ thống (tự nhiên và nhân sinh): Tính trội, tính đa dụng và tính liên kết (liên kết nội tại và liên kết vùng). Đây là 3 yếu tố đóng vai trò quan trọng trong xây dựng phương pháp luận về mô hình phát triển hệ sinh thái đô thị biển đa chiều.

Nghiên cứu mô hình hệ sinh thái đô thị biển đa chiều cần được đặt vào bối cảnh một vùng ven biển hoặc một vùng biển – đảo cụ thể ở Việt Nam. Khu vực ven biển luôn được hiểu là bàn đạp để “tiến ra” biển, còn con người rất nhỏ bé khi hiện diện trong không gian biển rộng lớn, hệ thống quần đảo và đảo của Việt Nam có phân bố rộng từ Bắc vào Nam hình thành một thế trận kinh tế – quốc phòng trên biển rất hữu dụng.

Tuy nhiên, đến nay liên kết phát triển vùng giữa vùng ven biển, các hệ thống đảo/cụm đảo và các vùng biển còn rất hạn chế. Do đó, việc đầu tiên cần nghiên cứu, xem xét là tái cơ cấu chuỗi đô thị ven biển, định hướng phát triển chuỗi đô thị đảo và đánh giá tiềm năng xây dựng đô thị trên biển đặt trong khuôn khổ tổ chức lại không gian kinh tế biển.

Có thể thấy, từ góc nhìn phát triển đô thị biển như trên, dường như chúng ta vẫn đang đứng ở ven biển, chưa phát triển đô thị đảo và đô thị trên biển. Trong bối cảnh quốc tế và khu vực hiện nay, cần phải “mạo hiểm” tiến ra biển lớn bằng việc sớm hoàn thiện các chuỗi đô thị biển để góp phần khẳng định thế đứng của một“Quốc gia biển”chứ không phải “Quốc gia ven biển”./.

GS Nguyễn Chu Hồi

Tag: hướng biển, kinh tế biển, nguyễn chu hồi,