Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì buổi làm việc về Chiến lược Phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, định hướng đến năm 2050
Ngày 18/6/2020, tại Viện Vật liệu xây dựng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì buổi làm việc về Chiến lược Phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, định hướng đến năm 2050.
Tham dự buổi làm việc có Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh; Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh; Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng Lê Trung Thành; đại diện Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, các hội, hiệp hội chuyên ngành vật liệu xây dựng.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của ngành vật liệu xây dựng trong kiến thiết, xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển đất nước và cho biết những năm qua, Nhà nước, Chính phủ rất chú trọng xây dựng chính sách pháp luật, hoàn thiện thể chế nhằm nâng cao vai trò quản lý Nhà nước đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để thị trường vật liệu xây dựng Việt Nam phát triển.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá, hiện nay đầu tư trong lĩnh vực vật liệu xây dựng ngày càng tăng đã tạo thêm nhiều việc làm mới cho người lao động, nhiều công trình mới được xây dựng, góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị và nông thôn Việt Nam, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế đất nước. Bên cạnh đó, công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng cũng có bước thay đổi tích cực, công nghệ hiện đại đã dần thay thế công nghệ lạc hậu, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm vật liệu xây dựng, chú trọng bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, ngành vật liệu xây dựng Việt Nam hiện đang đứng trước không ít khó khăn, thách thức như: Công tác dự báo còn bất cập, công nghệ sản xuất trong một số lĩnh vực còn lạc hậu, vẫn còn tình trạng cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường… Vì vậy, trong thời gian tới, ngành vật liệu xây dựng phải đảm bảo đáp ứng nhu cầu trong nước, đồng thời tăng dần xuất khẩu; phát triển đa dạng các sản phẩm, trong đó có các loại vật liệu xây dựng mới thân thiện với môi trường, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường.
Để thực hiện được các mục tiêu trên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Chiến lược Phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, định hướng đến năm 2050. Chiến lược này phải đề ra những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, phân công trách nhiệm tới các Bộ, ngành, địa phương. Trên cơ sở đó, các Bộ, ngành, địa phương kế hoạch hóa trong nhiệm vụ từng năm, 5 năm và xa hơn.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Bộ Xây dựng đã giao Viện Vật liệu xây dựng chủ trì, phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ Xây dựng tiến hành khảo sát, đánh giá hiện trạng ngành sản xuất vật liệu xây dựng Việt Nam, đồng thời tổ chức nhiều hội thảo nhằm tổng hợp ý kiến các chuyên gia, tham khảo kinh nghiệm quốc tế phục vụ công tác xây dựng Chiến lược Phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, định hướng đến năm 2050, đảm bảo chất lượng tốt nhất.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, nội dung Chiến lược nêu rõ quan điểm, mục đích cũng như các mục tiêu phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, định hướng đến năm 2050 như: Đáp ứng yêu cầu cơ bản trong nước về vật liệu xây dựng, tiến tới nâng dần tỷ trọng xuất khẩu; tiếp cận, ứng dụng nhanh nhất những tiến bộ, thành tựu khoa học công nghệ; triệt để tiết kiệm tài nguyên, tiết kiệm năng lượng, nguyên vật liệu; bảo vệ tốt nhất môi trường sinh thái; phát huy, khuyến khích được các thành phần kinh tế tham gia vào đầu tư phát triển vật liệu xây dựng; phân bổ mạng lưới các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng phù hợp với điều kiện tự nhiên, tài nguyên, cơ sở hạ tầng, yêu cầu phát triển kinh tế của địa phương.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Chu Ngọc Anh bày tỏ sự thống nhất cao với nội dung Dự thảo Chiến lược Phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, định hướng đến năm 2050 do Bộ Xây dựng chủ trì thực hiện, đặc biệt là các nội dung về quan điểm, mục tiêu phát triển, các nhiệm vụ chủ yếu trong phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời gian tới.
Cùng với Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, các chuyên gia, đại diện các Bộ, ngành, các hội, hiệp hội chuyên ngành cũng đã có những ý kiến đóng góp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng Dự thảo Chiến lược, trong đó có những ý kiến đề nghị đơn vị chủ trì soạn thảo tiến hành rà soát, biên tập ngắn gọn, súc tích và cụ thể hơn ở một số nội dung Dự thảo.
Tiếp thu những chỉ đạo của Phó Thủ Tướng Chính Phủ Trịnh Đình Dũng và các ý kiến đóng góp của các đại biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết, Bộ Xây dựng sẽ nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu một cách có chọn lọc nhằm hoàn thiện Dự thảo Chiến lược Phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, định hướng đến năm 2050 đảm bảo chất lượng tốt nhất trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Trần Đình Hà/moc.gov.vn