20/06/2020

Phát triển mô hình làng nghề – du lịch, làng di sản – du lịch trong khu vực Đồng bằng sông Hồng tại Hưng Yên

Định hướng phát triển du lịch, khai thác các giá trị văn hoá của làng nghề truyền thống đã được xác định trong chủ trương phát triển kinh tế, xã hội, định hướng quy hoạch của nhiều tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH). Tuy nhiên, tính đến nay có rất ít những làng thành công, cơ bản tại các làng nghề hoạt động du lịch còn nhỏ lẻ, mang tính tự phát. Đây cũng là đề tài Khoa học và Công nghệ được trường Đại học Xây dựng nghiên cứu mô hình phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn (2016-2020). Hội thảo Phát triển mô hình làng nghề – du lịch, làng di sản – du lịch trong khu vực Đồng bằng sông Hồng được tổ chức ngày 18/6 vừa qua tại chùa Nôm, xã Đại Đồng, Văn Lâm, Hưng Yên.

Hội thảo được tổ chức tại chùa Nôm – Hưng Yên

Hội thảo được tổ chức tại chùa Nôm – Hưng Yên

Nội dung thảo luận xoay quanh một số vấn đề về phát triển làng nghề gắn với du lịch trong các tỉnh, thành phố cụm Đồng bằng sông Hồng như: Tiềm năng du lịch và định hướng phát triển sản phẩm du lịch của tỉnh Hưng Yên; một số định hướng phát triển các sản phẩm du lịch tại làng Nôm, xã Đại Đồng (Văn Lâm); phát triển các sản phẩm du lịch tại làng nghề đan đó xã Thủ Sỹ (Tiên Lữ); xây dựng mô hình làng nghề – du lịch, làng di sản – du lịch trong các làng xã khu vực Đồng bằng sông Hồng; phát triển sản phẩm du lịch phi vật thể dựa trên giá trị văn hóa; sản phẩm du lịch nhà ở truyền thống tại vùng đồng bằng sông Hồng…

Cảnh quan làng Nôm

Cảnh quan làng Nôm

Thay đổi cách thức khai thác các giá trị văn hoá nghề hiện nay đang tự phát, manh mún, không chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch, coi du lịch là yếu tố “ăn theo” của phát triển nghề, tạo ra nhiều mâu thuẫn về môi trường, không gian giữa hoạt động sản xuất nghề và hoạt động du lịch. Nghiên cứu cũng đã đề xuất cách tiếp cận và giải pháp mới cho mô hình Làng nghề – Du lịch, nhằm khai thác hiệu quả các tiềm năng văn hoá của các làng nghề truyền thống vùng ĐBSH nhằm phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế xã hội và xây dựng nông thôn mới.

Chùa Thái Lạc, Văn Lâm, Hưng Yên đang lưu giữ 16 bức chạm cổ bằng gỗ từ thời Trần

Chùa Thái Lạc, Văn Lâm, Hưng Yên đang lưu giữ 16 bức chạm cổ bằng gỗ từ thời Trần

PGS.TS Phạm Hùng Cường cho biết: Nghiên cứu về vùng ĐBSH có khoảng 7500 làng nghề truyền thống, trong đó có 1500 làng nghề với 11 nhóm nghề với 300 làng được công nhận là làng nghề truyền thống. Các làng nghề truyền thống không chỉ có nghề mà hầu hết còn có nhiều giá trị về di sản kiến trúc, cảnh quan và các giá trị văn hoá phi vật thể khác. Đây thực sự là tiềm năng quý giá để các làng nghề phát triển du lịch, đóng góp vào phát triển kinh tế, bảo tồn các giá trị văn hoá.

image007

Thăm cơ sở anh Bách tại làng nghề đúc đồng Đại Bái – Hưng Yên

Thăm cơ sở anh Bách tại làng nghề đúc đồng Đại Bái – Hưng Yên

Đề án “Chương trình Quốc gia mỗi xã một sản phẩm – OCOP” định hướng đến năm 2020 phát triển mục tiêu có từ 80 – 100 làng (bản) văn hoá du lịch đạt tiêu chuẩn từ 3- 5 sao. Tuy nhiên đến nay cũng mới chỉ có làng gốm Bát Tràng có hoạt động du lịch khá, các làng khác hoạt động du lịch ở quy mô nhỏ. Câu chuyện đi tìm giải pháp, khai thác thế nào cho hiệu quả, cần có chính sách như thế nào cho bài bản vẫn đang được nhắc đến nhiều qua các cuộc hội thảo, nghiên cứu về thực trạng phát triển làng nghề gắn với du lịch hiện nay.

Các đại biểu thăm quan làng Nôm, xã Đại Đồng

Các đại biểu tham quan làng Nôm, xã Đại Đồng

Theo đánh giá của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, các công ty lữ hành tham gia hội thảo, Việt Nam có tiềm năng phong phú, đa dạng để phát triển loại hình du lịch làng nghề, du lịch di sản. Tuy nhiên, việc phát triển loại hình du lịch này hiện chưa tương xứng với tiềm năng; sản phẩm làng nghề tuy phong phú nhưng chưa có sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng; hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch hạn chế… Vì thế, để phát triển loại hình làng di sản-du lịch và làng nghề-du lịch cần đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến nét đẹp văn hoá làng nghề, nét văn hóa cổ xưa của làng quê; đầu tư cơ sở hạ tầng và mở rộng dịch vụ phục vụ khách du lịch; tuyên truyền vận động người dân tại một số làng nghề, làng cổ gìn giữ nét văn hóa truyền thống của địa phương; xây dựng các sản phẩm làng nghề đặc trưng thu hút khách du lịch…/.

Lương Thuỷ

Banner_NTM_1