Tháp dầu khí cao nhất VN: Biểu tượng 1 tỷ USD ‘chết yểu’
Lẽ ra PVN Tower đã được khởi công và hoàn thành vào năm 2014, trở thành một biểu tượng tự hào cho ngành dầu khí và thủ đô Hà Nội, tương tự như tòa tháp đôi của Malaysia. Hơn 4 năm trôi qua, dự án hiện vẫn là bãi cỏ hoang nằm trong lòng khu đất vàng của thành phố Hà Nội.
Năm 2010, khi thị trường bất động sản đón nhận thông tin Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) sẽ xây Tổ hợp Tháp Dầu khí Việt Nam (PVN Tower) tại Mễ Trì (Hà Nội).
Theo giới thiệu, tòa nhà này sẽ được đầu tư trang thiết bị và công nghệ hiện đại nhất Việt Nam. Nằm trên cửa ngõ phía tây của Thủ đô Hà Nội, sau khi hoàn thành, tòa nhà sẽ là một điểm nhấn kiến trúc quan trọng trong tổng thể quy hoạch của Thủ đô và là một biểu tượng cho sự phát triển mạnh mẽ của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.
Dự án sẽ được xây dựng theo công nghệ hiên đại, thân thiện với môi trường và chịu được động đất trên cấp 7 độ MSK (khoảng 6 độ richter), cao hơn tiêu chuẩn xây dựng hiện hành của Việt Nam. Dự án này dự kiến sẽ thành hiện thực sau khoảng thời gian từ 3-5 năm xây dựng, có thể trở thành tòa nhà cao nhất Việt Nam và thứ 2 châu Á.
Tổng công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) và Công ty CP Tập đoàn Đại Dương đã bắt tay hợp tác đầu tư xây dựng toà nhà 102 tầng, cao nhất Việt Nam này, với trị giá khoảng hơn 1 tỷ USD.
Tất cả những gì như kỳ vọng vẫn còn nằm trên giấy, cắt ngọn, đổi chủ và mịt mờ về tương lai. Khi dự án còn chưa được khởi công thì sau đó với lý do để đảm bảo hiệu quả đầu tư, giảm chi phí, dự án tòa nhà cao nhất Việt Nam sẽ chỉ còn duy trì 79 tầng thay vì 102 tầng. Số vốn từ hơn 1 tỉ USD theo dự kiến ban đầu giảm xuống còn 600 triệu USD.
Toàn bộ nguồn vốn được huy động từ vốn tự có của chủ đầu tư và các đối tác trong và ngoài nước, hoàn toàn không dùng vốn ngân sách. Theo dự kiến, dự án sẽ được khởi công vào quý I/2012.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo PVC, với việc hạ thấp số tầng, chiều cao, PVN Tower không còn là tòa nhà cao nhất Việt Nam nhưng vẫn có mục tiêu là biểu tượng cho ngành dầu khí, cho Thủ đô Hà Nội. Sau khi báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án được phê duyệt, PVC sẽ thành lập Công ty Cổ phần đầu tư Tháp Dầu khí để thu xếp vốn và triển khai dự án.
Nhưng, tới đầu năm 2012, Tập đoàn Dầu khí tuyên bố rút khỏi dự án. PetroVietnam chủ trương dần rút vốn khỏi lĩnh vực bất động sản. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là công ty mẹ, 100% vốn Nhà nước nên sẽ không đầu tư vào tòa tháp nữa và PetroVietnam đã báo cáo với Chính phủ. Tên dự án có thể sẽ thay đổi. Công tác chuẩn bị đầu tư dự án sẽ được chuyển giao cho PVC tiếp tục hoàn thiện.
Đầu năm 2015, lại dấy lên thông tin không mấy khả quan khi một lần nữa, theo chỉ đạo, dự án này sẽ lại đổi chủ. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc chuyển đổi chủ đầu tư cho Công ty CP Đầu tư Mai Linh. Thủ tướng Chính phủ giao UBND TP. Hà Nội xem xét đề xuất của Công ty Cổ phần Đầu tư Mai Linh, quyết định việc chuyển đổi chủ đầu tư đảm bảo hiệu quả quỹ đất; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Sau hơn 4 năm, từ một tòa tháp cao nhất Việt Nam rồi cắt ngọn, đổi chủ, dự án vẫn là bãi đất hoang. Biểu tượng của ngành dầu khí coi như đã sụp đổ.
Theo Vietnamnet.vn