Bộ trưởng Phạm Hồng Hà làm rõ một số vấn đề các đại biểu Quốc hội nêu về dự án Luật Xây dựng (sửa đổi)
Chiều 23/5, sau phần thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà phối hợp cùng cơ quan thẩm tra đã làm rõ nhiều nội dung các đại biểu Quốc hội nêu.
Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng báo cáo Giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Quốc hội tiến hành thảo luận trực tuyến về một số ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng. Đã có 19 đại biểu phát biểu ý kiến về một số nội dung của dự án Luật.
Tiếp thu ý kiến sửa đổi, tránh sự chồng chéo
Cho ý kiến về một số nội dung của dự án Luật, đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) bày tỏ sự đồng tình, nhất trí với việc sửa đổi những điều của Luật Xây dựng.
Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương, đây là một việc làm hết sức cần thiết, đáp ứng đòi hỏi thực tiễn, thể hiện được một số yêu cầu trong Luật còn vướng mắc. Tuy nhiên, còn một số nội dung cần được làm rõ. Cụ thể, cần phải quan tâm sửa đổi để đồng nhất không phát sinh mâu thuẫn giữa Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch. Đây là những điều gây nhiều mâu thuẫn, chồng chéo…
Về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) cũng bày tỏ quan điểm sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng 2014 cần thực hiện đồng bộ với Luật Đất đai và Luật Quy hoạch. Đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo quan tâm đến vấn đề quy hoạch vùng được quy định tại Điều 13, Điều 22 và Điều 23, Luật Xây dựng năm 2014 mà chưa được đề cập trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2014.
Làm rõ một số nội dung các đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà gửi lời cảm ơn các vị đại biểu Quốc hội đã quan tâm, góp ý với tinh thần trách nhiệm cao để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết: Một số ý kiến phát biểu tại phiên thảo luận hôm nay đã được các đại biểu Quốc hội phát biểu trong các phiên thảo luận về dự án Luật và đã được Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp tại Báo cáo số 3614 ngày 18/5/2020.
“Với những ý kiến này, Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra dự án Luật đã phối hợp nghiên cứu, đề xuất hướng giải trình tiếp thu để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý và thể hiện rất rõ tại Báo cáo số 532 ngày 20/5/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng”, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho hay.
Trả lời một số ý kiến của các đại biểu Quốc hội về bảo đảm sự đồng bộ của hệ thống pháp luật, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết: “Các ý kiến liên quan đến sự đồng bộ của Luật Xây dựng và một số luật khác đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, giải trình tại Báo cáo số 532. Các vấn đề của đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình), Nguyễn Duy Thái (đoàn Bạc Liêu) nói về đồng bộ của Luật Xây dựng với Luật Quy hoạch, việc này Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã báo cáo rất rõ là đã được sửa đổi ở luật 37 liên quan đến quy hoạch, trong đó có Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch. Chúng tôi cũng xin tiếp thu các ý kiến khác để báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật”.
“Một số ý kiến phát biểu về một số nội dung cụ thể có tính chất kỹ thuật, có tính chất giai đoạn. Ví dụ như phân định tiêu chí, quy mô dự án, khía cạnh quản lý chất lượng, mẫu hợp đồng, một số chi tiết về phân cấp dự án, về Ban quản lý dự án, về công trình quy mô lớn ảnh hưởng đến cộng đồng. Bộ Xây dựng xin tiếp thu và thể hiện ở các nghị định quy định chi tiết thi hành luật hoặc sửa đổi các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan, để đảm bảo tính ổn định cao của Luật Xây dựng”, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết.
Rà soát, đảm bảo tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật
Trả lời việc đảm bảo tính đồng bộ của Luật Xây dựng và các luật khác, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà bày tỏ: “Chúng tôi rất chú ý đến một số ý kiến của các đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung nguyên tắc ưu tiên áp dụng pháp luật chuyên ngành vào Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hoặc ưu tiên áp dụng pháp luật xây dựng, điều chỉnh lĩnh vực hoạt động xây dựng vào Luật Xây dựng”.
Theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, chúng ta phải có một số luật gốc, ví dụ các luật về đầu tư liên quan đến hoạt động đầu tư thì phải tuân thủ Luật Đầu tư hoặc dẫn chiếu theo Luật Đầu tư. Ví dụ các vấn đề về hoạt động xây dựng thì phải lấy Luật Xây dựng là gốc, tuân thủ Luật Xây dựng và dẫn chiếu theo Luật Xây dựng. Như các đại biểu Quốc hội đã nói, cùng một vấn đề, cùng một lĩnh vực nhưng lại quy định ở rất nhiều luật khác nhau sẽ dẫn tới sự mâu thuẫn là rất cao.
“Về việc này chúng tôi cũng đã rà soát và báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các mâu thuẫn, chưa đồng bộ giữa Luật Xây dựng với 17 luật khác. Những gì sửa ở Luật Xây dựng, những gì sửa ở các luật khác, chúng tôi đã báo cáo rất rõ, và cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo việc này, nhất là ở các luật đang được Quốc hội thảo luận cho ý kiến, ví dụ như Luật Bảo vệ môi trường… để đảm bảo tính đồng bộ cao trong hệ thống pháp luật. Chúng tôi cũng xin tiếp thu các ý kiến về sự đồng bộ của pháp luật, nhưng có thể được xử lý ở các nghị định quy định chi tiết thi hành luật này và một số luật khác để báo cáo Chính phủ sửa đổi, bổ sung các nghị định này bảo đảm sự đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt, đã lập một tổ công tác chung để xử lý ngay những sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các nghị định trong từng lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực xây dựng. Hy vọng sau đợt này, chúng ta sẽ xử lý được cơ bản các vấn đề mâu thuẫn ở các nghị định”, Bộ trưởng Hà cho biết.
Kết thúc phiên thảo luận trực tuyến, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển bày tỏ, phiên thảo luận trực tuyến về một số ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng đã diễn ra rất sôi nổi. Đã có 19 đại biểu phát biểu ý kiến.
Các đại biểu đều thống nhất với nhiều nội dung trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cũng đóng góp nhiều ý kiến về một số nội dung của dự án luật. Một số ý kiến đề nghị là tiếp tục rà soát các nội dung cần sửa đổi, bổ sung để đảm bảo tính thống nhất và tránh xung đột với các luật hiện hành, như Luật Đầu tư công, Luật Quy hoạch, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, cũng như một số dự án luật chúng ta đang xem xét như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Bảo vệ môi trường.
Cũng có ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát để đảm bảo tính khả thi và tính cụ thể của dự án luật. Các đại biểu Quốc hội cũng có đóng góp nhiều ý kiến về một số khái niệm cần làm rõ về công tác phòng, chống chữa cháy ở khu vực chung cư; về thủ tục cấp phép xây dựng; về thẩm định công trình xây dựng; về vấn đề quản lý trật tự xây dựng, quản lý xây dựng đô thị, quản lý xây dựng ở nông thôn và vấn đề quản lý năng lực xây dựng, trách nhiệm và thẩm quyền của cơ quan Nhà nước các cấp, trách nhiệm của chủ đầu tư xây dựng, trách nhiệm quản lý đối với hoạt động ảnh hưởng đến hoạt động xây dựng cũng như các quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn về vật liệu xây dựng.
“Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghiêm túc tiếp thu và giải trình, đồng thời chỉ đạo Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cùng với các cơ quan của Chính phủ sẽ tiếp thu, hoàn thiện dự thảo luật trước khi trình Quốc hội thông qua”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết.
Kim Thoa/BXD