Sử dụng không hiệu quả
Bình Chánh là huyện đang trong quá trình đô thị hóa nhanh, trên địa bàn còn nhiều quỹ đất do Nhà nước quản lý. Qua công tác thanh tra mới đây, cho thấy tại địa phương này nhiều mặt bằng nhà đất chưa kê khai hoặc kê khai chưa đầy đủ, nhiều địa chỉ nhà đất sử dụng không hiệu quả, không đúng mục đích được giao. Bình Chánh hiện có 74/372 trường hợp chưa thực hiện phương án xử lý, sắp xếp các mặt bằng nhà đất do Nhà nước quản lý.
Qua kiểm tra 25 trường hợp, có 6 trường hợp sử dụng không đúng mục đích, không hiệu quả, như Trung tâm văn hóa – thể dục thể thao huyện ký 7 hợp đồng liên kết với các đơn vị, thực chất là cho thuê mặt bằng, khi chưa xin ý kiến của UBND TP, cũng như chưa tổ chức đấu giá để xác định giá cho thuê theo quy định.
Đặc biệt, số tiền thu được từ việc cho thuê gần 940 triệu đồng từ tháng 1-2017 đến tháng 9-2019, được trung tâm này gộp vào nguồn thu chung và chi tiêu theo quy chế chi tiêu nội bộ, chưa đúng quy định về quản lý, sử dụng tài sản công. Ngoài ra, việc quản lý, sử dụng, bán hóa giá cho thuê mặt bằng thuộc sở hữu nhà nước của Công ty TNHH MTV Công ích huyện còn nhiều thiếu sót, chưa chặt chẽ. Chẳng hạn bán hóa giá 9 căn nhà chưa tuân thủ các quy định của pháp luật…
Trong khi đó, tại huyện Củ Chi có hàng trăm nhà, đất sở hữu nhà nước cho thuê không qua đấu giá, để trống hoặc tranh chấp, cần xử lý, sắp xếp. Trong việc quản lý thu từ sắp xếp lại xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước, có 81 địa chỉ đang cho thuê, chủ yếu là đất nông nghiệp, công ích, tại UBND các xã Phú Mỹ Hưng, Phước Thạnh, Phú Hòa Đông, Tân Thạnh Tây, Tân Thông Hội, Bình Mỹ, Thái Mỹ, không thông qua hình thức đấu giá theo đúng quy định.
UBND TP yêu cầu UBND huyện Củ Chi rà soát lại việc quản lý, sử dụng, cho thuê tại 371 địa chỉ nhà, đất đang để trống, cho thuê không qua đấu giá, đang tranh chấp hoặc chưa rõ pháp lý, đề xuất UBND TP phương án xử lý, sắp xếp lại phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất công, tránh lãng phí và tăng thu cho ngân sách nhà nước. Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích huyện Củ Chi đã trích 40% tiền thu được từ việc cho thuê nhà sở hữu nhà nước năm 2011 và 2012 với tổng số tiền hơn 272 triệu đồng, dù không phát sinh chi phí liên quan nên phải thu hồi nộp ngân sách nhà nước theo quy định.
Hợp tác không đúng quy định
Hợp tác không đúng quy định
Khu sinh thái Văn hóa hồ Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh) có quy mô gần 300ha, có nguồn gốc đất do Tổng công ty (TCT) Nông nghiệp Sài Gòn làm chủ đầu tư. Trong quá trình thực hiện dự án, chủ đầu tư đã dùng đất này để hợp tác với một số đơn vị không đúng quy định, dự án kéo dài hàng chục năm nhưng vẫn chưa xong thủ tục để triển khai.
Mới đây qua thanh tra cho thấy, dự án được chuyển từ TCT Nông nghiệp Sài Gòn (TCT Sài Gòn) và CTCP Quốc tế C&T sang Công ty Vĩnh Lộc. Đồ án quy hoạch chung của dự án được phê duyệt từ năm 1997, đến nay đã hơn 23 năm và đã 3 lần đổi chủ đầu tư nhưng triển khai rất chậm do có nhiều vướng mắc kéo dài. Công ty Vĩnh Lộc chưa có quyết định công nhận chủ đầu tư, do đó không nộp hồ sơ sử dụng đất theo quy định pháp luật đất đai và các pháp luật liên quan tại Sở Tài nguyên – Môi trường…
Theo Thanh tra TP, việc hợp tác giữa TCT Sài Gòn và CTCP Quốc tế C&T trên cơ sở góp vốn bằng tiền (không phải góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất) và phần diện tích đất 221ha/277ha chưa được cấp giấy chứng nhận, nên việc xác định giá trị thương mại không có cơ sở. Việc TCT Sài Gòn hợp tác với CTCP Quốc tế C&T khi chưa có ý kiến của UBND TP là không đúng, buộc TCT Sài Gòn hoàn trả số tiền tạm ứng giá trị thương mại và tiền lãi 289,5 triệu đồng.
Đến nay, dự án vẫn chưa được lập quy hoạch chi tiết, tiến độ triển khai thực hiện quy hoạch 1/2.000 chậm, chưa chọn đơn vị tư vấn. Công tác quản lý đất đai và kiểm tra xử lý về hoạt động xây dựng tại khu đất dự án trên địa bàn 3 xã thuộc huyện Bình Chánh còn nhiều hạn chế, thiếu sót, còn để xảy ra tình trạng lấn chiếm, vi phạm.
UBND xã Vĩnh Lộc B chưa quản lý phần đất 11,06ha nhà nước đã bồi thường, có kiểm tra, xử lý các công trình lấn, chiếm đất đai, xây dựng tại phần đất thuộc dự án nhưng còn chậm, thiếu cương quyết dẫn đến công trình vi phạm sau khi đã xử lý vẫn tiếp tục tái phạm, một số công trình vi phạm còn tồn tại. Thiếu sót trên thuộc trách nhiệm của UBND 3 xã Vĩnh Lộc B, Vĩnh Lộc A và Phạm Văn Hai, các tập thể, cá nhân được giao thực hiện quản lý đất đai và trật tự xây dựng trên địa bàn huyện…
Về kiến nghị của Công ty Vĩnh Lộc được tiếp tục thực hiện dự án, Thanh tra TP cho rằng Công ty Vĩnh Lộc là đơn vị được thành lập bởi TCT Sài Gòn và Công ty C&T để thực hiện dự án Khu Sinh thái Văn hóa hồ Vĩnh Lộc. Nhưng đến nay TCT Sài Gòn chưa hoàn tất các thủ tục để Công ty Vĩnh Lộc là chủ đầu tư thực hiện dự án.
Khi được giao làm chủ đầu tư dự án, Thanh tra TP nhận thấy TCT Sài Gòn không đủ tiềm lực để thực hiện dự án. Qua làm việc Thanh tra TP, TCT Sài Gòn cũng xác định không tiếp tục thực hiện dự án. Do đó, việc Công ty Vĩnh Lộc kiến nghị được tiếp tục thực hiện dự án là không có cơ sở xem xét…
Như vậy sau 23 năm, dự án hầu như dậm chân tại chỗ và đến thời điểm này mới nhận thấy chủ đầu tư không đủ năng lực thực hiện dự án. Hàng trăm ha đất bị quy hoạch, bỏ không hàng chục năm là sự lãng phí không hề nhỏ.
Tài nguyên đất của TP ngày càng hạn hẹp, do vậy việc quản lý, sử dụng phải hết sức chặt chẽ, đúng quy định pháp luật. Kiên quyết thu hồi dự án chậm triển khai, nhất là các dự án liên quan đến đất công không để tình trạng kéo dài gây lãng phí ngân sách.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM
Bình Minh/Sài Gòn đầu tư