08/04/2020

TPHCM kiến nghị Thủ tướng tháo gỡ khó khăn cho các dự án nhà ở

UBND TPHCM vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị giải quyết khó khăn vướng mắc trong thủ tục đầu tư xây dựng các dự án nhà ở trên địa bàn TPHCM.   

Một trong những nội dung quan trọng là hướng xử lý các vướng mắc về “đất xen cài” chưa phải là đất ở trong các dự án nhà ở – vốn đang gây ách tắc cho rất nhiều dự án hiện nay.

Việc thị trường bất động sản sụt giảm đã tác động khá lớn đến nguồn thu ngân sách trên địa bàn thành phố. Ảnh: Thu Dịu

Việc thị trường bất động sản sụt giảm đã tác động khá lớn đến nguồn thu ngân sách trên địa bàn thành phố. Ảnh: Thu Dịu

Theo báo cáo của UBND TPHCM, trong năm 2019 các doanh nghiệp bất động sản gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, quy mô thị trường và nguồn cung sản phẩm bất động sản sụt giảm. Hầu hết các doanh nghiệp bất động sản giảm doanh thu và lợi nhuận. Ngoài ra, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2019 cả nước có 598 doanh nghiệp bất động sản đăng ký tạm dừng hoạt động, 686 doanh nghiệp bất động sản giải thể (tăng 39,4% so với năm 2018).

Trong năm 2018 và 2019 tốc độ tăng trưởng của hoạt động kinh doanh bất động sản luôn thấp hơn tăng trưởng chung của toàn TPHCM. Tỷ trọng của ngành kinh doanh bất động sản trong tổng sản phẩm GRDP của TP có chiều hướng giảm sút (từ 7,3% xuống 4,1%). Điều này kéo theo tăng trưởng của ngành xây dựng giảm. Năm 2019, UBND TPHCM chỉ chấp thuận đầu tư và công nhận chủ đầu tư 4 dự án nhà ở thương mại có đầy đủ pháp lý (giảm 24 dự án so với năm 2018); chấp thuận đầu tư 16 dự án nhà ở thương mại (giảm 64 dự án so với cùng kỳ năm 2018)…

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình hình trên là do các quy định pháp luật về đầu tư, nhà ở, đất đai, quy hoạch chưa có sự thống nhất trong quá trình chuyển tiếp và ban hành. Nhiều dự án trong quá trình kiểm tra, kiểm toán, điều tra rà soát thủ tục pháp lý. Nếu không có giải pháp tháo gỡ vướng mắc kịp thời sẽ giảm nguồn thu ngân sách nhà nước từ các hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản.

Theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản TPHCM, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 158 dự án dính đất công. Tại cuộc gặp gỡ của lãnh đạo TPHCM với doanh nghiệp bất động sản đầu năm 2020, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản, cho biết, trong số 158 dự án này, có 124 dự án được TPHCM cho vận hành trở lại, nhưng thực tế nhiều dự án vẫn chưa thể triển khai bình thường.

Để tháo gỡ vướng mắc này, TPHCM kiến nghị Chính phủ 2 giải pháp: đối với quỹ đất công có tổng diện tích dưới 1.000m2 trong các dự án (đất xen cài giữa các thửa đất, mương, rạch…), kiến nghị Thủ tướng chấp thuận cho TPHCM giao chủ đầu tư để chuyển mục đích sử dụng đất và thực hiện theo quy hoạch.

Đối với quỹ đất có tổng diện tích đất công trên 1.000m2, UBND TPHCM kiến nghị Thủ tướng cho TPHCM hoán đổi với chủ đầu tư để có quỹ đất tương đương, tập trung ngay tại dự án để chủ đầu tư bàn giao lại cho Nhà nước quản lý, sử dụng. Cũng tại văn bản này, TPHCM kiến nghị Thủ tướng gỡ vướng đối với quy định phải có 100% đất ở hợp pháp mới được xem xét công nhận chủ đầu tư. TPHCM hiện có khoảng 63 dự án đang vướng theo dạng này chưa được tháo gỡ.

Theo công bố của Cục thuế TPHCM, trong tổng số 535 doanh nghiệp nợ thuế kỳ 1/2020 với tổng số tiền nợ là 3.186 tỷ đồng, có nhiều doanh nghiệp bất động sản nợ thuế trên 100 tỷ đồng. Đứng đầu danh sách nợ thuế trên 100 tỷ đồng là Công ty CP Xây dựng và Kinh doanh nhà Tân An Huy nợ hơn 173 tỷ đồng. Tiếp theo là Công ty TNHH DV-TM-SX-XD Đông Mê Kông nợ thuế hơn 114 tỷ đồng. Công ty CP phát triển đầu tư Thái Sơn nợ thuế 106,8 tỷ đồng, Công ty CP đầu tư xây dựng Phú Mỹ nợ thuế 105 tỷ đồng. Ngoài ra, có hàng chục doanh nghiệp bất động sản đang nợ thuế với số tiền từ 1,5 tỷ đồng đến 50 tỷ đồng…

Thu Dịu/Hải quan online