26/03/2020

Đa dạng hóa nguồn lực xây dựng nông thôn mới vùng dân tộc miền núi

Khi bắt tay vào triển khai xây dựng nông thôn mới, với xuất phát điểm thấp và đối diện nhiều khó khăn. Tuy nhiên, đến nay, công tác xây dựng nông thôn mới (NTM) vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi của cả nước đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Xác định việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm nhằm thay đổi diện mạo vùng DTTS và miền núi, nhiều cơ chế, chính sách ưu tiên hỗ trợ các địa phương đã được ban hành. Nổi bật là ưu tiên hỗ trợ nguồn lực cho các xã đặc biệt khó khăn và xã đạt dưới 5 tiêu chí cao hơn 4 – 5 lần so với các địa phương khác.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án “Hỗ trợ thôn, bản, ấp thuộc các xã khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo xây dựng NTM gắn với giảm nghèo bền vững giai đoạn 2018 – 2020”. Trong đó, bổ sung khoảng 1.400 tỷ đồng để hỗ trợ cho 3.513 thôn, bản, ấp thuộc 36 tỉnh triển khai Đề án…

Theo số liệu, giai đoạn 2016 – 2019, các địa phương vùng DTTS và miền núi đã huy động được khoảng 988.846 tỷ đồng đầu tư cho Chương trình xây dựng NTM, chiếm 78% tổng vốn huy động của cả nước (1.268.823 tỷ đồng). Trong số đó có tới 70.599 tỷ đồng kinh phí do người dân đóng góp thông qua hiến đất và ngày công lao động.

Diện mạo mới tại vùng đồng bào dân tộc miền núi xã An Phú, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội. Ảnh: Trọng Tùng

Diện mạo mới tại vùng đồng bào dân tộc miền núi xã An Phú, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội. Ảnh: Trọng Tùng

Nhờ nguồn đầu tư lớn, đến tháng 3-2020, cả nước đã có 2.947 xã vùng DTTS và miền núi đạt chuẩn NTM (bằng 45% tổng số xã). Bình quân mỗi xã đã đạt 14,87/19 tiêu chí. Một số tỉnh vùng DTTS và miền núi đã có đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn NTM như: Huyện Trấn Yên (Yên Bái), thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng), huyện Tiểu Cần (Trà Vinh), huyện Tây Trà (Phú Yên)…

Thông qua Chương trình xây dựng NTM, đời sống của đồng bào các dân tộc cả nước đã được cải thiện rõ nét. Tỷ lệ hộ nghèo các xã đặc biệt khó khăn vùng DTTS và miền núi giảm khoảng 3 – 4%/năm. Đến nay, vùng DTTS và miền núi đã có 61,3% số xã đạt tiêu chí số 10 về thu nhập và 60,7% số xã hoàn thành tiêu chí về tỷ lệ hộ nghèo.

Mặc dù đạt kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Y Thông cho rằng, công cuộc xây dựng NTM tại vùng DTTS và miền núi vẫn còn rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân là bởi địa hình phức tạp, nhiều nơi bị chia cắt bởi đồi núi, sông suối nên suất đầu tư xây dựng các công trình rất lớn. Ở một số địa phương, việc phân bổ nguồn vốn cấp hạ tầng còn thấp so với quy định, dàn trải, thiếu đồng bộ…

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả mục tiêu xây dựng NTM vùng DTTS và miền núi trong giai đoạn tới, UBDT đề xuất Chính phủ nghiên cứu, xem xét việc tăng mức hỗ trợ vốn trực tiếp để thực hiện Chương trình cho các địa phương có đặc thù (bị chia cắt, thường xuyên xảy ra thiên tai…). Đồng thời ưu tiên các hạng mục về hạ tầng để giúp các thôn, xã giáp biên đẩy mạnh giao lưu hàng hóa, phát triển sản xuất…

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, từ năm 2013 đến nay, TP Hà Nội đã bố trí hơn 1.700 tỷ đồng để triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển toàn diện kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi của Thủ đô. Đến nay, TP Hà Nội đã không còn xã, thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn. Toàn TP hiện đã có 7/14 xã vùng DTTS và miền núi hoàn thành chương trình xây dựng NTM. Tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS và miền núi giảm còn dưới 3%.

Minh Phong/Pháp luật và Xã hội