Làm gì để phát triển đô thị xanh?
Trước những thách thức lớn của quá trình đô thị hóa với tốc độ cao, phát triển “đô thị xanh” là giải pháp giúp các thành phố ở Việt Nam phát triển bền vững, có bản sắc và thân thiện với môi trường.
Nên thực hiện ngay từ quy hoạch
Nếu như năm 1990, cả nước mới có 500 đô thị thì đến nay tổng số đô thị ở nước ta đã đạt tới con số gần 800. Hầu hết các đô thị đều quy hoạch, xây dựng và phát triển theo phương pháp truyền thống.
Hệ thống mạng lưới Công trình xanh châu Á – Thái Bình Dương, đánh giá số lượng công trình xây dựng đạt tiêu chí Xanh và được chứng nhận “Công trình Xanh” của Việt Nam hiện nay đang ở mức rất khiêm tốn (khoảng 58 công trình) so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Đô thị loại 1 và 2 đang phải đối mặt với ô nhiễm môi trường, giao thông tắc nghẽn, điều kiện sống xấu, sức khỏe cộng đồng bị ảnh hưởng. Vấn đề thiếu cây xanh tại các dự án chung cư cao tầng, các khu đô thị mới của Hà Nội và các thành phố lớn đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Hầu hết diện tích cây xanh tại các khu đô thị mới chỉ nằm trên bản vẽ quy hoạch, nhiều dự án còn tận dụng hạ tầng cây xanh công cộng có sẵn của thành phố để hợp thức hóa tiêu chí cây xanh của mình.
Các dự án chung cư cao tầng, khu đô thị mới hiện nay hầu hết đang được tọa lạc tại những vị trí “đất vàng”, nên các chủ đầu tư đã không ngần ngại cắt xén những diện tích đất công cộng của công trình để thay vào đó là các công trình nhà ở nhằm tăng doanh thu, khiến cho chất lượng sống của người dân tại các khu chung cư bị ảnh hưởng.
Theo PGS.TS Trần Văn Thụy – Trưởng bộ môn Sinh thái Môi trường (Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội), chính quyền Hà Nội đã có những biện pháp tức thời để giải quyết tình trạng thiếu cây xanh, đó là việc hoàn thành Chương trình trồng 1 triệu cây xanh giai đoạn 2016 – 2018 và đang tiếp tục triển khai thêm khoảng 600.000 cây xanh giai đoạn 2019 – 2020.
Nhưng thực tế, chính quyền chỉ đủ khả năng để mở rộng diện tích cây xanh tại các khu vực công cộng. Vì vậy, cho dù thành phố có thực hiện thêm nhiều chương trình trồng mới cây xanh thì với tốc độ đô thị hóa như hiện nay, vấn đề mục tiêu tăng diện tích cây xanh theo bình quân đầu người cũng khó mà đạt được trong tương lai gần.
Ông Nguyễn Xuân Hải, Thành viên Ban Tư vấn Tổng hội Xây dựng Việt Nam đề xuất, những đô thị lớn, đặc biệt như Hà Nội, TPHCM và những đô thị loại I hiện nay cần đặt mục tiêu khắc phục những tồn tại để hướng tới đô thị xanh. Còn với đô thị có số dân hạn chế từ 1 triệu người trở xuống là các đô thị loại II, III, IV, V thì khi lập quy hoạch nên quy hoạch đó là đô thị xanh, thành phố xanh từ đầu.
Những bước đi của TPHCM
UBND TPHCM vừa ban hành Kế hoạch xây dựng thành phố xanh – thân thiện môi trường giai đoạn 2020 – 2025, với mục tiêu trong giai đoạn này: 100% tuyến đường có vỉa hè ổn định, có quy mô từ 3m trở lên được trồng cây xanh; mảng xanh trung bình hàng năm tăng 5ha/năm; đầu tư xây dựng 150ha đất công viên (bao gồm công viên công cộng và công viên trong khu dân cư); tỷ lệ che phủ rừng và cây xanh phân tán đạt 41%; chỉ tiêu cây xanh đô thị đạt 0,65m2/người.
Ngoài ra, mỗi phường, xã, thị trấn, mỗi cơ quan, công sở, bệnh viện, trường học trên địa bàn có công trình phát triển mảng xanh với hình thức phù hợp.
Được biết, thành phố hiện có hơn 491ha đất công viên, diện tích đất công viên đạt bình quân 0,49m2/người. Chỉ tính riêng từ năm 2012-2019, tổng diện tích công viên, mảng xanh của thành phố tăng thêm ước khoảng 190ha.
Để thực hiện mục tiêu trên, năm 2018, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã ban hành Chỉ thị số 19-CT/TU về thực hiện Cuộc vận động “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”.
Vì vậy, nhiều “điểm đen” về rác thải, ao tù nước đọng gây ô nhiễm môi trường, gây bức xúc trong nhân dân đã được các địa phương tập trung xử lý dứt điểm. Đáng nói, toàn TPHCM đã chuyển hóa được 70 điểm ô nhiễm thành khu vực sinh hoạt cộng đồng như sân chơi thể thao, vườn hoa, công viên.
Đến nay, có 322/322 phường, xã, thị trấn tổ chức đối thoạivới nhân dân (đạt tỷ lệ 100%); vận động được 1,36 triệu hộ dân ký bản cam kết không xả rác bừa bãi, bỏ rác đúng nơi quy định; lắp đặt 33.676 thùng rác công cộng…
UBND TPHCM đã xét và công nhận 90 khu phố, ấp đạt danh hiệu “Khu phố – ấp sạch, không xả rác ra đường và kênh rạch”, 21 phường – xã – thị trấn đạt danh hiệu “Phường – xã – thị trấn không xả rác ra đường và kênh rạch”; 47 công trình, giải pháp, sáng kiến đạt danh hiệu “Công trình, giải pháp, sáng kiến xanh”.
Nhiều địa phương vận động xã hội hóa việc lắp đặt, bổ sung 21.903 camera an ninh kết hợp theo dõi, giám sát về chất lượng vệ sinh môi trường, qua đó, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vứt rác không đúng nơi quy định.
Lam Hạnh/Báo Pháp luật