TPHCM gỡ vướng thủ tục nhà đất
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM khẳng định tiếp tục rà soát, kiến nghị lãnh đạo TP có những chính sách, giải pháp cụ thể để gỡ vướng thủ tục nhà đất.
Ngày 11-3, HĐND TPHCM phối hợp Ủy ban MTTQ TPHCM tổ chức hội nghị lắng nghe ý kiến người dân và doanh nghiệp (DN) trong việc thực hiện các thủ tục hành chính tại Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TPHCM.
Một cửa nhưng… nhiều khóa
Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng dù Sở TN-MT có nhiều nỗ lực trong cải cách hành chính như thực hiện một cửa liên thông, ủy quyền cho 24 văn phòng đăng ký đất đai quận, huyện thực hiện một số thủ tục nhưng quá trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) vẫn còn chậm trễ, nhiêu khê, đi qua nhiều khâu. Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM, nhận định nếu đánh giá sự hài lòng của người dân trong việc cấp GCNQSDĐ đạt 90% là chưa chính xác, bởi thực tế có những trường hợp được làm nhanh nhưng cũng có những trường hợp chạy lòng vòng mới xong. Dù thực hiện một cửa liên thông nhưng người dân vẫn phải qua nhiều khâu như đo đạc, đóng thuế… khiến thời gian kéo dài. Đáng lo ngại nhất hiện nay, theo luật sư Hậu, là việc cập nhật, đo đạc bản đồ còn thủ công, chưa chính xác dẫn đến việc cấp sổ đỏ trùng, phát sinh nhiều tranh chấp trên cùng một mảnh đất, chưa kể pháp lý lỏng lẻo làm xuất hiện nhiều dự án ma, lừa đảo người dân.
“Để khắc phục những hạn chế trên, Sở TN-MT cần sớm số hóa bản đồ, đề xuất thực hiện liên thông giữa nhiều sở như Sở TN-MT, Quy hoạch – Kiến trúc và Sở Xây dựng để tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình cấp giấy chứng nhận cho người dân và DN” – luật sư Nguyễn Văn Hậu đề xuất.
Trực tiếp đi làm GCNQSDĐ cho gia đình, ông Nguyễn Văn Hoàng (quận 9) cho rằng khi nhận giấy hẹn trả kết quả, người dân yên tâm chờ đợi nhưng đúng ngày lên gặp bộ phận trả kết quả thì được yêu cầu bổ sung hồ sơ. Vì vậy, ông Hoàng kiến nghị ngay khâu tiếp nhận, cán bộ cần kiểm tra hồ sơ kỹ càng, tránh kéo dài thời gian làm thủ tục. Ngoài ra, dù nói là “một cửa liên thông” nhưng người dân vẫn phải chạy qua 2-3 cửa, từ nộp hồ sơ, đi đóng thuế, chờ Sở TN-MT xác nhận. Do đó, Sở TN-MT nên kiến nghị TP tiếp tục cho ủy quyền các thủ tục hợp lý hơn, tạo điều kiện để người dân hợp thức hóa giấy tờ, đóng thuế đầy đủ thay vì ngại khó không làm, hạn chế nguồn thu của nhà nước.
Đại diện 17 KCX, KCN, Khu Công nghệ cao TPHCM, ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các KCX-KCN TPHCM, cho biết hơn 2 năm nay, nhiều DN kêu ca về thủ tục thuê đất, cấp giấy chứng nhận, xin phép đầu tư, đổi sổ hồng tại Sở TN-MT kéo dài từ 1 đến 2 năm thay vì chỉ vài tháng như trước đây. Việc chậm trễ khiến hoạt động kinh doanh, đầu tư sản xuất bị ảnh hưởng.
Nhận định nguyên nhân chậm trễ, phiền hà trong việc cấp GCNQSDĐ của Sở TN-MT, luật sư Trương Thị Hòa cho rằng có thực trạng “một cửa nhưng nhiều khóa” bởi một miếng đất hiện nay bị chi phối bởi nhiều luật như Luật Đất Đai, Luật Nhà ở, Luật Xây dựng… Ngoài ra vẫn còn những con sâu làm rầu nồi canh, việc cán bộ chờ người dân đến lấy kết quả rồi yêu cầu bổ sung là không hợp lý.
“Tôi đề nghị Sở TN-MT phải nâng cao nhận thức, thống nhất suy nghĩ trong hệ thống pháp luật đối với cán bộ công chức của ngành để không gây khó khăn cho người dân, ngoài ra, công khai niêm yết thông tin tránh nhiều cách hiểu gây khó khăn cho người dân, DN khi làm giấy tờ” – luật sư Hòa đề xuất.
Cam kết làm hết trách nhiệm
Đại biểu Trương Trung Kiên, Trưởng Ban Đô thị HĐND TPHCM, nói quá trình giám sát về thủ tục cải cách hành chính tại văn phòng đăng ký đất đai cho thấy quy định pháp luật còn chồng chéo, năng lực nhân viên còn hạn chế, dù có sự nỗ lực lớn từ các văn phòng đăng ký đất đai, Sở TN-MT nhưng chưa đáp ứng được kỳ vọng, mong muốn của người dân, DN là làm sao thủ tục được hướng dẫn rõ ràng, kỹ càng hơn. Sở TN-MT cần nhìn nhận để khắc phục.
Ghi nhận những đóng góp của người dân và DN, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TP, khẳng định còn làm trong ngành ngày nào, ông sẽ làm hết trách nhiệm, sẽ cố gắng điều chỉnh những hạn chế để người dân, DN không phải than phiền. Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, tính đến nay, Sở TM-MT đã cấp trên 1,5 triệu GCNQSDĐ cho các tổ chức (chiếm trên 92% về diện tích; còn lại là các tổ chức tôn giáo, DN do vướng một số thủ tục). Riêng hộ gia đình đã cấp trên 1,6 triệu GCNQSDĐ (chiếm khoảng 97%, 3% còn lại đa số là những trường hợp tranh chấp, lấn chiếm, mua bán giấy tay, phải chờ xử lý vi phạm xong mới cấp giấy). Ngoài ra, 165/179 thủ tục đã công khai trên cổng thông tin của sở, còn lại 14 thủ tục tiếp tục công khai dần. Liên quan việc giải quyết thủ tục cấp giấy chứng nhận, cho thuê đất… của các DN trong KCX-KCN, Khu Công nghệ cao còn chậm, lãnh đạo Sở TN-MT cho rằng vừa qua sở đã đề xuất TP tháo gỡ, cấp giấy chứng nhận cho hàng loạt DN.
Về việc cấp giấy chứng nhận cho người dân hiện nay tuy được ủy quyền cho 24 văn phòng đăng ký đất đai nhưng vẫn chậm do phải làm đúng các quy định pháp luật như thẩm định hồ sơ và chỉ ủy quyền một số thủ tục. “Vừa qua, Sở TN-MT đã kiến nghị TP cho phép các văn phòng này được thực hiện đăng ký biến động, giảm khâu đi lại và giảm thời gian chỉ còn 10 ngày thay vì 15 ngày như trước” – Giám đốc Sở TN-MT TP thông tin.
Cần lắng nghe, tiếp tục cải thiện
Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TPHCM, đề xuất Sở TN-MT TP cần lắng nghe, tiếp tục cải thiện thái độ phục vụ, trình độ, đạo đức của cán bộ ngành, khi tiếp thu câu hỏi cần có thời hạn trả lời để người dân được rõ. Bà Châu nhấn mạnh tài sản lớn nhất của người dân, DN là mảnh đất, do đó việc cấp GCNQSDĐ là trọng trách mà sở đang nắm cần hoàn thiện mỗi ngày, giảm phiền hà, bức xúc cho người dân.
Thu Hồng/Người lao động