Theo Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường (UBKHCNMT) của Quốc hội (UBKHCNMT), tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng. Có đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị làm rõ sự cần thiết của việc bổ sung công trình cấp bách vào Dự thảo Luật; sự khác biệt giữa công trình xây dựng khẩn cấp và công trình cấp bách.
Dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi) đã sửa đổi quy định về các đối tượng công trình khẩn cấp. Ảnh: Nhã Chi
Trong Dự thảo Báo cáo Giải trình tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật, Thường trực UBKHCNMT cho biết, hiện nay tại Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống thiên tai và Luật Đê điều, Luật Đầu tư công năm 2019 đều có các quy định liên quan đến công trình khẩn cấp. Do vậy, trong Dự thảo Luật vẫn giữ quy định về công trình khẩn cấp để thống nhất với các luật có liên quan. Tuy nhiên, theo UBKHCNMT, bên cạnh các công trình khẩn cấp, trong thực tế còn có những công trình có yêu cầu đầu tư và xây dựng nhanh trong một thời gian ngắn, cần được thực hiện song song các thủ tục hoặc có cơ chế đặc thù nhằm rút ngắn thời gian nhưng vẫn đảm bảo đầy đủ các thủ tục.
Do đó, tiếp thu ý kiến ĐBQH, Dự thảo Luật bỏ điều quy định về công trình cấp bách, đồng thời sửa đổi quy định về các đối tượng công trình khẩn cấp bao gồm: công trình được xây dựng mới hoặc sửa chữa, cải tạo nhằm kịp thời phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm hoạ, các nhiệm vụ để bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại; công trình được xây dựng mới hoặc sửa chữa, cải tạo có yêu cầu phải thực hiện nhanh để kịp thời đáp ứng yêu cầu giải quyết các vấn đề bức thiết về đảm bảo an ninh năng lượng, ứng phó sự cố môi trường, phát triển hệ thống công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Minh Thư/Báo Đấu thầu