06/03/2020

Cần thiết đồng bộ hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai

Thời gian qua, các cấp ngành, địa phương đã triển khai, tạo lập các hành lang pháp lý hỗ trợ cho việc triển khai hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai (CSDLĐĐ). Tuy nhiên, dữ liệu thông tin hiện phần lớn vẫn quản lý theo phương thức truyền thống, tra cứu mất nhiều thời gian khiến công tác quản lý gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Do đó, hiện đại hóa xây dựng hệ thống này là việc làm rất cần thiết.

Hệ thống thông tin đất đai có tầm quan trọng không chỉ là công cụ trong việc quản lý dữ liệu mà còn giúp chúng ta vận hành công tác quản lý nhà nước…

Hệ thống thông tin đất đai có tầm quan trọng không chỉ là công cụ trong việc quản lý dữ liệu mà còn giúp chúng ta vận hành công tác quản lý nhà nước…

Thống kê của Tổng cục Quản lý đất đai đến hết năm 2019 cho thấy, cả nước hiện có 165/713 đơn vị hành chính cấp huyện trên phạm vi 46 tỉnh, thành phố đang vận hành, khai thác, sử dụng CSDLĐĐ, chiếm 23,14% trên tổng số huyện (tăng 4 huyện so với năm 2018).

Trong đó, nhiều địa phương đã chủ động đầu tư về hạ tầng trang thiết bị, xây dựng CSDLĐĐ và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ để đẩy mạnh cải cách hành chính, triển khai các các dịch vụ công cung cấp thông tin theo yêu cầu của người dân và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, quá trình triển khai, thực hiện còn bộc lộ nhiều hạn chế, còn chậm và chưa đồng bộ so với yêu cầu về cải cách hành chính của Chính phủ. Nguyên nhân là do các cơ quan quản lý nhà nước chưa có các công cụ cần thiết để thực thi chính sách pháp luật đất đai ở địa phương, đặc biệt, các công cụ để quản lý đất đai dựa trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại còn thiếu và yếu, chưa thống nhất.

Bên cạnh đó, hồ sơ đất đai chủ yếu được quản lý, sử dụng ở dạng hồ sơ giấy nên việc lưu trữ dữ liệu hiện nay còn phân tán, chưa được quản lý, vận hành hợp lý, dẫn đến khả năng tra cứu, xử lý mất nhiều thời gian, hạn chế về độ chính xác, tính đầy đủ… Chưa kể, dữ liệu đất đai mới tập trung vào cơ sở dữ liệu địa chính, dữ liệu về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá đất… Việc đảm bảo dữ liệu được cập nhật, chia sẻ cho các đối tượng khác nhau cùng khai thác, sử dụng còn nhiều hạn chế và chưa quan tâm, chú trọng đã phần nào giảm tính hiệu quả của các nguồn lực đã đầu tư.

Ông Đào Trung Chính – Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai cho biết, theo quy định Luật Đất đai, hệ thống thông tin đất đai được thiết kế tổng thể và xây dựng thành một hệ thống thống nhất trên phạm vi cả nước, phục vụ đa mục tiêu, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia, quốc tế được công nhận tại Việt Nam.

Hệ thống thông tin đất đai có tầm quan trọng không chỉ là công cụ trong việc quản lý dữ liệu mà còn giúp chúng ta vận hành công tác quản lý nhà nước, đồng thời, đáp ứng các nhu cầu của tổ chức, người dân và doanh nghiệp một cách khách quan, minh bạch các thông tin, cơ chế chính sách… liên quan đến đất đai.

Do đó, trong năm 2020, Tổng cục sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các hạng mục của Dự án “Tăng cường Quản lý đất đai và CSDLĐĐ”; triển khai xây dựng “Đề án Tổng thể xây dựng CSDLĐĐ quốc gia”, trong đó, xây dựng hệ thống thông tin đất đai quốc gia, CSDLĐĐ quốc gia tập trung, thống nhất trên phạm vi cả nước; phối hợp với các Tổng cục Thuế và một số địa phương để thí điểm thực hiện việc liên thông thủ tục hành chính về đất đai theo hình thức điện tử, góp phần phòng ngừa các vấn đề phát sinh trong công tác quản lý đất đai…

BXD