Thị trường bất động sản: Thanh lọc mạnh và hồi phục
Hàng loạt các tín hiệu xấu với thị trường bất động sản (BĐS) năm 2020 khi ngay từ đầu năm như: khan hàng, siết tín dụng nay thêm đại dịch Covid-19 khiến nhiều phân khúc “đóng băng”. Thị trường đang bước vào cuộc thanh lọc mạnh.
Doanh nghiệp trường vốn: sẽ qua đại nạn
Thị trường BĐS khó khăn từ năm 2019 nhưng sang đến 2020, nhiều doanh nghiệp tê liệt và có nguy cơ phá sản cao. Tại thị trường Hà Nội, số dự án được cấp làm trong năm 2020 đếm trên đầu ngón tay.
Ông Nguyễn Hồng Thái, Chủ tịch Cty Cp TSG Việt Nam cho biết, hiện doanh nghiệp ông đang triển khai dự án TSG tại Sài Đồng (Long Biên) và cũng đang trong quá trình bán các căn hộ của tòa chung cư nhưng bán chậm. Ông Thái cũng ngậm ngùi ghi nhận thị trường BĐS rất khó khăn và dự báo sẽ có doanh nghiệp vỡ trận. “Doanh nghiệp BĐS khó tìm dự án mới để làm trong năm nay và nếu có dự án rồi mà không đủ tiềm lực cũng khó tồn tại”, ông Thái nói.
Một số ý kiến cho rằng, trong năm nay những dự án căn hộ cao cấp, hạng sang có giá cao khó bán được, thậm chí có thể phải giảm giá. Việc đặt cọc giữ chỗ không giải quyết được vấn đề gì mà phải mua, mà mua xong phải có tiền đóng. Năm 2020, có thể người mua nhà xong mà không có tiền đóng. Bởi dòng tiền BĐS đang siết lại ở cả chủ đầu tư dự án lẫn người tiêu dùng. Riêng người tiêu dùng dù van tín dụng có mở ra nhưng chỉ khuyến khích những khoản vay dưới 3 tỷ đồng.
Như vậy, với những BĐS có giá trên 5 tỷ (trường hợp vay 70%, nghĩa là vay 3,5 tỷ đồng để mua nhà) thì mức này sẽ bị siết, người mua nhà khó tiếp cận khoản vay. Theo đó, dự báo những dòng sản phẩm giá cao sẽ khó bán. Từ đó, người mua sẽ có xu hướng chuyển sang phân khúc giá thấp hơn. Như vậy, theo một số ý kiến những dòng sản phẩm giá cao có thể phải giảm giá hoặc cơ cấu lại sản phẩm để tiếp cận người tiêu dùng.
Ông Phạm Lâm, Chủ tịch DKRA Vietnam, năm 2019 là năm khó khăn với cả thị trường BĐS và năm 2020 cũng sẽ còn nhiều khó khăn. Tuy vậy, thời điểm khó khăn này lại chính là tín hiệu vui, bởi thị trường đang thanh lọc để minh bạch và cạnh tranh bằng năng lực giữa các doanh nghiệp. Theo vị chuyên gia này, năm 2020 sẽ là tiền đề để các năm tiếp theo phát triển tốt hơn.
Hồi phục (?!)
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA) đánh giá, thị trường BĐS năm 2020 với sự tháo gỡ khó khăn vướng mắc của các cơ quan có thẩm quyền, có thể từ quý III/2020 trở đi, thị trường BĐS sẽ phục hồi và tăng trưởng trở lại theo hướng minh bạch, công bằng, lành mạnh hơn trước đây.
Năm 2020, ít có nguy cơ xảy ra “bong bóng”, nhưng có thể xảy ra tình trạng sốt giá đất nền cục bộ ở một số khu vực có quy hoạch phát triển đô thị, phát triển giao thông.
“Hầu hết các doanh nghiệp BĐS năm 2019 đều bị sụt giảm mạnh về doanh thu và lợi nhuận, thậm chí một số doanh nghiệp bị thua lỗ hoặc đứng trước nguy cơ bị phá sản. Trong 6 tháng đầu năm 2020, các doanh nghiệp BĐS có thể vẫn còn phải tiếp tục đương đầu với các khó khăn, thách thức khi các cơ quan quản lý tiếp tục rà soát các dự án BĐS và nguồn tiền vào thị trường được kiểm soát chặt hơn” – ông Châu nói
HoREA đề nghị UBND TPHCM chỉ đạo hoàn thiện quy trình, thủ tục xác định giá đất, thẩm định giá đất để rút ngắn thời gian làm thủ tục và đảm bảo kết quả tính tiền sử dụng đất hợp lý, không làm thất thoát ngân sách nhà nước.
UBND thành phố phối hợp với các cơ quan trung ương sớm có kết luận đối với các dự án BĐS thuộc diện rà soát, thanh tra, để các chủ đầu tư chấp hành, trước hết là thực hiện các nghĩa vụ tài chính bổ sung với Nhà nước (nếu có) và được tiếp tục triển khai thực hiện dự án, giúp bổ sung nguồn cung cho thị trường BĐS, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho các tầng lớp nhân dân.
Đánh giá về thị trường BĐS năm 2020, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hiệp hội Môi giới Việt Nam cho rằng, kinh tế Việt Nam tiếp tục ổn định và duy trì đà tăng trưởng lực cầu về đầu tư và mua sắm nhà ở sẽ tiếp tục được duy trì. Nguồn cung tại Hà Nội và TPHCM vẫn còn bởi một vài dự án lớn ở các đô thị này vẫn còn lượng hàng khá lớn chưa được đưa ra thị trường.
“Năm 2020, sự thanh lọc thị trường sẽ diễn ra rất mạnh, thị trường chỉ còn tồn tại những doanh nghiệp BĐS lớn mạnh, có tiềm năng thực sự. Nguồn cung khan hiếm sẽ tạo ra cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp, cá nhân hoạt động môi giới BĐS. Có thể sẽ có nhiều doanh nghiệp và môi giới BĐS không thể trụ lại với nghề nghiệp” – ông Đính cho biết.
Thống kê của Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho thấy thị trường BĐS năm 2019 sụt giảm mạnh mẽ cả về nguồn cung và lượng giao dịch. Cụ thể, tổng lượng nguồn cung căn hộ đạt 107.284 sản phẩm, giảm chỉ bằng 62% so với năm 2018. Lượng giao dịch đạt 72.828 sản phẩm, bằng 65% so với năm 2018.
Ngọc Mai/Tiền phong