Nên mua hay thuê nhà?
Nên tiếp tục thuê nhà và dành dụm hay nên mua để có chốn an cư lạc nghiệp, đây là băn khoăn của không ít hộ gia đình có mức thu nhập trung bình hiện nay. Với nhiều người, việc cân đo giữa thu nhập, nhu cầu mua nhà và khả năng trả nợ để quyết định đúng quả thật là bài toán khó!
Thu nhập “mon men”, có nên quyết mua nhà
Hai vợ chồng chị Thúy tại Hà Nội đang trong cảnh đi thuê nhà trọ và ước mơ cháy bỏng có một căn hộ chung cư. Chị định vay gói 30 nghìn tỷ nhưng lại không đủ điều kiện vì chỉ có KT3, không bảo hiểm và cả hai vợ chồng đều kinh doanh riêng. Hiện tại, thu nhập của cả 2 vợ chồng chị là 20 triệu/tháng, trừ chi phí thuê nhà, sinh hoạt và đóng học cho con thì còn dư 8 triệu. Chị tính với số tiền lâu nay tích góp cộng vay mượn thêm, nếu vay ngân hàng thương mại với lãi suất 8%/năm và được trả trong vòng 10 năm thì chị sẽ mua nhà ngay.
Mong muốn của chị Thúy cũng giống với khá nhiều hộ gia đình khác, với mức thu nhập “mon men” khả năng mua nhà, họ cũng muốn sở hữu ngôi nhà mơ ước nhưng còn băn khoăn khi phải tính đến chi phí phát sinh trong cuộc sống, làm sao vay được ngân hàng với lãi suất phù hợp…
Theo một khảo sát gần đây của CBRE Việt Nam, có tới 80% hộ dân tại Hà Nội và 81% tại Tp.HCM có thu nhập bình quân dưới 15 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập này được coi là thấp và chỉ đủ trang trải cho chi phí sinh hoạt hàng ngày và chi phí học hành của con cái. Với một hộ gia đình có công việc ổn định và mức thu nhập khá hơn thì có thể trích ra một khoản tiết kiệm khoảng 800 triệu đồng trong vòng 7 năm, số tiền này bằng 50% giá trị của một căn hộ 1,6 tỷ. Nếu vay ngân hàng để mua căn hộ trên cơ sở lãi suất thường là 12%/năm với khoản vay kéo dài trong 15 năm thì mỗi tháng họ phải trả 9,6 triệu đồng. Như vậy, hộ gia đình trên cần có thu nhập khoảng 25 triệu/tháng để sau khi trả cả lãi và gốc hàng tháng cho ngân hàng, họ vẫn dôi ra một khoản đủ chi tiêu cho cuộc sống. Và xem ra những gia đình như chị Thúy phải tính lại bài toán thu nhập và nhu cầu mua nhà của mình.
Tính đủ đường
Cũng băn khoăn về việc mua hay thuê nhà, câu chuyện của anh An mang tên “An cư hay thuê nhà để gửi ngân hàng”. Gia đình anh An đang thuê một căn hộ gần khu vực Hồ Gươm, cạnh chỗ làm chỉ 3 phút đi bộ. Số tiền tích góp của hai vợ chồng anh gửi vào ngân hàng có lãi đủ đóng tiền thuê nhà hàng tháng. Chỗ thuê thì anh thấy cái gì cũng ổn nhưng quan niệm “An cư mới lạc nghiệp” cứ đeo bám. Anh tính rút tiền ngân hàng để mua căn nhà nhưng còn băn khoăn vì nếu mua được thì cũng khá xa so với khu vực trung tâm, bất tiện đi lại.
Câu chuyện của An cũng là tâm lí chung của nhiều người. Bởi với họ, tầm 1-2 tỷ trong tay thì chuyện mua hay thuê nhà chẳng khác gì việc đong đếm lợi ích theo 1 hàm số. Một bên là mua nhà thì rõ ràng ổn định, thoải mái nhưng chỉ có thể mua căn ở khu vực xa trung tâm, đi lại bất tiện, chưa kể xa nơi học hành của con cái sau này. Ngược lại, đi thuê được chỗ tốt, đi lại thuận tiện, lại dư dật để gửi ngân hàng nhưng lại sống trong tâm trạng “nhà đâu phải của mình”, rồi những phiền toái có thể xảy ra giữa chủ nhà với người thuê, nỗi lo sau này giá nhà đất lên, gửi ngân hàng khi đồng tiền trượt giá cũng không mấy hiệu quả.
Tuy nhiên, nếu cứ đắn đo như vậy thì chẳng biết đến bao giờ anh An mới mua được nhà bởi khó có lời giải nào cho bài toán mà: ngân sách ít, muốn có nhà, giao thông thuận tiện lại vừa có thể đầu tư sinh lời. Trong câu chuyện nên mua hay nên thuê, sẽ tốt hơn nếu anh An cân nhắc xem nhu cầu mua nhà của mình lúc này có thực sự cần thiết hay không, và phải chấp nhận cái được và cái mất giữa mua hoặc thuê.
Cần cân nhắc giữa thu nhập và nhu cầu
Qua câu chuyện của chị Thúy và anh An có thể thấy băn khoăn mua hay thuê nhà là bài toán đo đếm lợi ích giữa ngân sách và nhu cầu. Thực tế, tâm lí “sở hữu nhà” để có chốn an cư hiện khá phổ biến với người Việt bởi sở hữu nhà đồng nghĩa bạn có thể sinh hoạt thoải mái: được sống trong ngôi nhà của mình, tự do mua sắm, trang trí, trồng cây… theo ý muốn. Mua nhà cũng là đầu tư cho tương lai bởi người ta thường nói giá nhà chỉ đi lên chứ hiếm khi đi xuống. Trong khi đó, người đi thuê thường phải lo lắng nhiều thứ, chẳng hạn muốn trang trí, bày biện cho căn nhà cũng phải dò hỏi ý chủ nhà; giá thuê thường không ổn định, chủ nhà có thể yêu cầu chuyển đi tùy hứng… Như vậy, so sánh giữa bên thuê và mua nhà thì mua nhà có nhiều lợi ích hơn. Tuy nhiên, lí do tài chính hay công việc hay di chuyển, thay đổi khiến nhiều người vẫn chọn giải pháp thuê nhà.
Theo ý kiến của một chuyên gia tài chính, để sở hữu một căn hộ trung bình với mức lãi suất của ngân hàng hiện nay thì hộ gia đình nên có mức thu nhập khoảng 20 triệu đồng/tháng. Sau khi trừ trả nợ gốc và lãi hàng tháng, số tiền còn lại vẫn đủ cho nhu cầu chi tiêu trong cuộc sống. Ngoài ra, khi quyết định mua nhà và cần vay ngân hàng, người mua nên tìm hiểu kĩ lưỡng chương trình cho vay và cách tính lãi suất của ngân hàng. Hiện nay còn có gói tín dụng 30 nghìn tỷ hỗ trợ người mua nhà với lãi suất 5%/năm, nếu bạn thỏa mãn điều kiện gói này thì việc mua nhà sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Vị chuyên gia này cũng khuyến cáo người mua không nên vay quá 50% giá trị căn nhà hoặc tổng số tiền phải trả cả gốc và lãi hàng tháng không vượt quá 50% thu nhập.
Một yếu tố quan trọng nữa là thời gian sinh sống. Khi quyết định mua nhà ít nhất bạn nên chắc chắn mình sẽ sống tại đó trong một khoảng thời gian dài (ít nhất là 10 năm), nếu chỉ ở tầm một vài năm thì thuê nhà có thể là lựa chọn hay hơn. Hãy cân nhắc đến một số yếu tố như quá trình đầu tư tiền bạc và thời gian để tìm mua một căn nhà, thuê môi giới, làm thủ tục giấy tờ, di chuyển và ổn định. Chưa kể đến việc bạn phải đầu tư vào sửa sang, trả lãi hàng tháng cho ngân hàng, trả phí vận hành, bảo trì (nếu ở nhà chung cư). Với những người mua nhà với mức thu nhập không mấy dư giả, càng nên tính toán kỹ lưỡng các yếu tố trên bởi một khi quyết định sai lầm, cuộc sống của họ sẽ khá chật vật.
Trên thực tế, xu hướng thuê nhà khá phổ biến tại các nước phát triển. Theo thống kê của CBRE, tỉ lệ thuê nhà tại Mỹ là 35%, Anh 33%, Đức 47% và Thụy Sỹ là 56%. Tuy nhiên, thị trường cho thuê nhà tại Việt Nam chưa ổn định như các nước trên thế giới và người đi thuê vẫn chịu nhiều thiệt thòi. Không thiếu cảnh chủ nhà tăng giá thuê vô lý; chưa hết hạn thuê chủ nhà đòi lại… khiến người thuê hoặc “ngậm bồ hòn làm ngọt” hoặc lại cập rập tìm thuê nơi khác. Đã thấu hiểu cảnh này chị B chia sẻ trên một diễn đàn: “Thuê nhà thì chưa yên ổn để làm ăn mà mua thì tài chính lại eo hẹp”.
Vì vậy, với những ai còn băn khoăn về việc nên mua hay tiếp tục thuê nhà, có lẽ câu trả lời tốt nhất là họ cần cân nhắc giữa khả năng tài chính và nhu cầu, liệu lúc này mua nhà đã thực sự cần thiết hay chưa. Còn nếu thuê nhà, người thuê nên tìm hiểu kỹ về ngôi nhà và chủ nhân của nó, thỏa thuận và có điều kiện rõ ràng với chủ nhà để tránh những phiền toái sau này.
Theo Tạp chí Bất động sản