Bất động sản du lịch 2019: Sóng gió Condotel và làn sóng hàng tỷ USD đổ về thị trường mới nổi
2019 là một năm đầy biến động của thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng Việt Nam. Vụ việc “vỡ trận” ở Cocobay Đà Nẵng là đánh dấu một năm khó khăn của thị trường condotel. Tuy nhiên, làn sóng đầu tư BĐS du lịch vẫn sôi sục ở các thị trường mới nhiều tiềm năng.
Trong khoảng 4 năm qua, thị trường BĐS nghỉ dưỡng phát triển bùng nổ ở các địa phương có sự phát triển vượt bậc của du lịch. Tuy nhiên, bước vào năm 2018 “cơn sốt” bất động sản nghỉ dưỡng bắt đầu suy giảm ở các thị trường truyền thống như Phú Quốc, Đà Nẵng, Nha Trang bởi nguồn cung bão hòa và mặt bằng giá đã lên quá cao. Thay vào đó, những vùng đất mới như Bình Thuận, Bà Rịa Vũng Tàu, Quy Nhơn, Quảng Ninh, Phú Yên,…lại trở thành “điểm nóng” thu hút dòng vốn hàng tỷ USD đổ vào BĐS nghỉ dưỡng 2019.
Sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng “làm mưa làm gió” trong 2 năm trước là condotel bắt đầu có sự giảm sút mạnh trong năm 2019, thậm chí có báo cáo nhận định sức tiêu thụ condotel giảm tới 60%. Tuy vậy, đánh giá về thị trường phân khúc BĐS này, nhiều chuyên gia tin tưởng sẽ còn tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
Mới đây, vụ việc “vỡ trận” của Cocobay Đà Nẵng – một trong những dự án condotel đình đám nhất vào cuối năm khiến cho thị trường càng ảm đạm hơn. Việc phá vỡ cam kết lợi nhuận 12% của chủ đầu tư Cocobay khiến giới đầu tư hoang mang, lo ngại về một viễn cảnh xấu có thể sẽ xảy ra tiếp theo ở nhiều dự án condotel khác mà trước đó đã rầm rộ mọc lên dọc bãi biển khắp cả nước.
Theo con số thống kê chính thức từ Bộ Xây dựng, tổng hợp từ báo cáo của 22 Sở Xây dựng, riêng trong quý 3/2019 có 10 dự án BĐS du lịch nghỉ dưỡng được cấp phép và đang triển khai xây dựng với 3.184 căn hộ du lịch và 720 biệt thự du lịch. Lý giải về sự sụt giảm của thị trường condotel, nhiều chuyên gia nhận định, đây là loại hình BĐS đầu tư còn khá mới mẻ, khung pháp lý chưa hoàn thiện nên thời gian qua đã gặp một số trục trặc trong ngắn hạn. Loại hình này được đánh giá là phát triển rất tốt ở nước ngoài và dự báo cũng sẽ có nhiều tiềm năng và cơ hội ở Việt Nam trong tương lai bởi du lịch sẽ còn phát triển.
Để tháo gỡ những khó khăn và hoàn thiện khung pháp lý cho condotel, hiện 3 bộ đang tìm cách gỡ vướng pháp lý cho condotel theo chỉ đạo của Chính phủ.
Theo đó, Bộ Xây dựng nghiên cứu ban hành, sửa đổi, bổ sung quy chuẩn, tiêu chuẩn đối với condotel. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành quy chế quản lý, kinh doanh và Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về chế độ sử dụng đất đối với loại hình căn hộ này.
Những động thái từ việc hoàn thiện pháp lý cho loại hình bất động sản nghỉ dưỡng này được xem là “liều thuốc” hồi sinh thị trường condotel phát triển bền vững trong tương lai. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã trở thành một trong những địa điểm du lịch phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á.
Sự tăng trưởng mạnh mẽ nhờ vào những yếu tố then chốt như nguồn du khách quốc tế, số lượng chuyến bay thẳng gia tăng, chính sách thị thực cải thiện và đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Đây được xem là những động lực để thị trường BĐS du lịch phát triển mạnh mẽ trong những năm tới, nhất là ở những vùng đất mới còn dư địa và tiềm năng du lịch.
Sự kết hợp từ nền kinh tế thịnh vượng, tầng lớp trung lưu ngày càng phát triển và các chính sách dễ dàng hơn đã thúc đẩy nhu cầu của người nước ngoài ở Việt Nam và chính yếu tố này cũng tác động tích cực đến thị trường khách sạn và khu nghỉ mát.
“Tuy có sự tăng trưởng mạnh mẽ nhưng khi so sánh với thị trường du lịch biển ở các nước trong khu vực thì Việt Nam có khoảng cách khá xa. Tổng lượng khách quốc tế đến Đà Nẵng năm 2017 là 2,3 triệu người trong khi con số này tại Bali là 5,6 triệu, Phuket là 8,4 triệu và Pattaya là 17,7 triệu người. Có thể nói, tiềm năng du lịch biển của Việt Nam còn rất lớn, điều chúng ta thiếu là nguồn cung, đa dạng hóa và khác biệt hóa sản phẩm du lịch”, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam nhận định.
Một xu hướng rõ rệt của bất động sản du lịch năm 2019 đó là làn sóng đầu tư của các “ông lớn” địa ốc vào các vùng đất mới thay vì những thị trường truyền thống. Các thị trường Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng không còn là “miền đất hứa” bất động sản du lịch nữa mà thay vào đó lại là Bình Thuận, Ninh Thuận, Phú Yên, Vũng Tàu, Quảng Bình, Quy Nhơn và Quảng Ninh…
Những vùng đất này có nhiều lợi thế và tiềm năng phát triển du lịch, cũng như đang được đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông mạnh mẽ như sân bay Phan Thiết, sân bay Vân Đồn, cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết, cao tốc Hạ Long – Vân Đồn, đường ven biển Ninh Thuận,…
Theo phân tích của chuyên gia CBRE Việt Nam, bên cạnh các lý do cho sự phát triển của du lịch biển Việt Nam như thu nhập bình quân của người dân trong nước tăng, có sự tham gia của các tên tuổi lớn trong lĩnh vực quản lý khách sạn vào Việt Nam, thì đòn bẩy quan trọng nhất là sự phát triển của cơ sở hạ tầng, đặc biệt là sân bay và kết nối đường bay quốc tế. Các đường bay quốc tế đến Nha Trang, Đà Nẵng gần đây thực sự tạo đà cho sự phát triển du lịch ngoạn mục ở hai thành phố này.
Và những “miền đất hứa” này cũng đang là tâm điểm thu hút dòng vốn đầu tư hàng tỷ đô la. Mỗi một địa phương đều có những nhà đầu tư chiến lược, như những “cơn sếu” đầu đàn tạo động lực cho cả vùng phát triển.
Chẳng hạn dòng vốn 450.000 tỷ (tương đương 19,2 tỷ USD) đã được đăng ký đầu tư vào Bình Thuận. Trong đó, phần lớn các dự án là phát triển BĐS du lịch. Những tên tuổi lớn đều có mặt ở Bình Thuận như Novaland, TTC Land, Rạng Đông, Hải Phát Land, FLC,…Còn tại Nình Thuận, Crystal Bay là một nhà đầu tư chiến lược ở vùng đất này; VinGroup, SunGroup rót hàng chục nghìn tỷ đồng vào Quảng Ninh;…
Theo ông Mauro Gasparotti, một trong những yếu tố quyết định sự thành công của sản phẩm BĐS nghỉ dưỡng là uy tín của nhà quản lý. Thời gian gần đây, số lượng nhà quản lý du lịch quốc tế tham gia lĩnh vực này này tăng lên nhanh chóng, đem lại dịch vụ chuyên nghiệp và trải nghiệm đặc biệt cho khách hàng. Ông Mauro Gasparotti cho rằng đây là một lợi điểm mà nhà đầu tư cần cân nhắc khi mua BĐS nghỉ dưỡng, nhằm đảm bảo về lợi nhuận lâu dài.
Theo số liệu của Bộ Xây dựng cho thấy riêng quý 3 đã có 10 dự án BĐS du lịch được cấp phép đầu tư, hơn 2.500 giao dịch BĐS nghỉ dưỡng thành công, tăng gần 80% so với quý 2.
Những vùng đất mới có nhiều tiềm năng phát triển BĐS du lịch cùng với dòng tiền đầu tư từ các “ông lớn” địa ốc đang tạo nên cho thị trường BĐS một xu hướng đầu tư mới, đó là trào lưu sở hữu ngôi nhà thứ hai (second home). Xu hướng này đang phát triển sôi động khắp cả nước và được dự báo sẽ còn tăng mạnh trong những năm tiếp theo.
Nhật Minh – Hương Xuân/Trí thức trẻ