Nước sạch: Trách nhiệm nhà nước
Không khí, đất và nước là ba tài nguyên dù giàu có đến mấy con người cũng không thể làm ra. Và chỉ từ quan niệm đúng về nước mới có thể thiết kế mô hình quản lý nước hiệu quả”. Vậy quan niệm đúng về nước là thế nào? Đâu sẽ là mô hình quản lý nước hiệu quả ở Việt Nam?
Nước – đất – không khí là ba thành tố tự nhiên nền tảng bao bọc con người, giúp chúng ta sống được mà hầu như không phải trả phí (hoặc trả rất ít) nên dễ bị coi thường, thậm chí bị xem là những thứ hiển nhiên mà con người được thụ hưởng. Nhưng chỉ thiếu một trong ba thì toàn bộ sự sống này cũng biến mất.
Chính vì tầm quan trọng “sống còn” của nước – đất – không khí nên chính phủ (được nhân dân ủy nhiệm, có các quyền mà không một tổ chức nào có: ra quyết định, thu thuế, cưỡng chế…) ở bất cứ quốc gia nào cũng phải nắm quyền quản lý, có nghĩa vụ bảo vệ (như bảo vệ giang sơn lãnh thổ). Còn việc chính quyền thuê doanh nghiệp nào khai thác cung cấp nước là việc của chính quyền với doanh nghiệp, chứ không phải việc của doanh nghiệp với nhân dân.
Nói thế để khẳng định chính quyền có trách nhiệm lớn nhất với cả ba tài nguyên nước – đất – không khí. Sở dĩ nhắc lại nguyên tắc này, vì gần đây trong một số trường hợp chính quyền phê phán doanh nghiệp cung cấp nước không sạch, gây ô nhiễm không khí, ô nhiễm đất… làm cho nhiều người hiểu chỉ những doanh nghiệp đó có lỗi, mà chưa thấy trách nhiệm lớn nhất, đầu tiên thuộc về chính quyền.
Quan niệm về nước, hay nói đầy đủ hơn là quan niệm của nước trong không gian, bao gồm: nước ngầm, nước mặt (sông, hồ, đầm…, nước mưa, nước biển). Nói đơn giản đó là một hệ sinh thái nước với tình trạng vật lý không thể chia cắt, nên không được đối phó với nước bằng tư duy cục bộ. Ví dụ: nâng cao cốt nền một khu vực dân cư nào đó để chống ngập, sẽ làm các khu vực dân cư khác ngập nặng hơn vì nước sẽ tự tìm về chỗ trũng; hoặc làm một con đường phục vụ vận tải cho một khu công nghiệp này, sẽ cản đường thoát nước của khu công nghiệp khác… Lượng nước không đổi, nên đòi hỏi phải xử lý công bằng với các bên liên quan trong một vùng định cư.
Từ quan niệm trên có thể dẫn đến việc tìm kiếm các mô hình quản lý nước theo xu hướng “Quản lý tổng thể”, mà tôi nhận thấy ở Hà Lan với tổ chức Waternet. Và không chỉ ở Hà Lan, nhiều quốc gia như Singapore, Hàn Quốc, hay Thụy Sĩ… cũng áp dụng, dù vài biện pháp kỹ thuật có thể khác nhau.
Waternet không chỉ quản trị nước cho thành phố Amsterdam (dân số 1.360.000 người và khoảng 3.660.000 khách quốc tế/năm) mà do Amsterdam nằm trên bờ vịnh IJ và nằm trong lưu vực sông Amstel (rộng hơn phần con sông này chảy qua thành phố) nên phải quản lý vùng đô thị này có dân số tới 6.700.000 người. Tức là không quản lý theo địa giới hành chính mà theo địa lý.
Waternet có những nhiệm vụ chính yếu: cung cấp nước sạch cho con người (nhu cầu ở Amsterdam cao hơn nhu cầu chung của Hà Lan khoảng 22%); xử lý các loại nước thải, nước mưa; đảm bảo chất lượng và khối lượng cung cấp nước cho ngành nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, các vùng đất thiên nhiên hoang dã, các loài động vật; đảm bảo chất lượng vệ sinh và mực nước giao thông an toàn trên toàn hệ thống giao thông thủy (biển, sông, hồ, kênh rạch… gồm cả mực nước cho các loại cảng đường thủy). Tóm lại họ quản lý tất cả những gì thuộc về nước “từ ly nước uống trong bếp, đến niềm vui chèo thuyền trên sông hồ”.
Còn Việt Nam chúng ta đang quản lý theo chức năng, nên chia cho rất nhiều cơ quan. Như: vận tải đường sông thuộc Bộ Giao thông – Vận tải, nhưng Bộ không quản lý mực nước hệ thống các sông, “những con đường của tàu thuyền” mà là Bộ Tài nguyên – Môi trường? Hoặc hệ thống đê thuộc Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn, nhưng quản lý các phương tiện giao thông vận tải đi trên đê thuộc Bộ Giao thông – Vận tải… Hoặc Bộ Xây dựng quản lý cấp thoát nước sinh hoạt đô thị, nhưng không quản lý quy hoạch các nguồn nước (sông, hồ…, vụ ô nhiễm nước sông Đà vừa xảy ra là một ví dụ). Hoặc ủy ban nhân dân các thành phố, tỉnh được giao quản lý quy hoạch lưu vực các sông thuộc địa bàn, nhưng hầu như chẳng có con sông nào chỉ chảy trong một tỉnh, thành phố (nghĩa là con sông có thể bị ô nhiễm ở những đoạn chảy qua địa phương khác)…
Đó là sự phân cấp ở vĩ mô, xin lấy một ví dụ về cách xử lý ô nhiễm nước tại một chung cư ở Hà Nội với quá nhiều cơ quan tham gia quản lý nước sinh hoạt ở đô thị: ngày 29.7.2014, sau chỉ đạo từ Phó thủ tướng Vũ Đức Đam về việc kiểm tra phản ánh chất lượng nước của cư dân chung cư Nam Đô (quận Hoàng Mai, Hà Nội), đoàn thanh tra với với các đại diện những cơ quan quản lý nhà nước sau đây đã tham gia giải quyết:
– Bộ Xây dựng gồm: Cục trưởng Cục Kỹ thuật hạ tầng (và đại diện Thanh tra,
đại diện Vụ Khoa học công nghệ và môi trường).
– Bộ Y Tế: đại diện Cục Quản lý môi trường
– UBNDTP Hà Nội: Cán bộ đại diện
– Sở Xây dựng Hà Nội: Cán bộ đại diện
– Sở Y Tế: Cán bộ đại diện
– Công ty nước sạch Hà Nội: Cán bộ đại diện.
Chỉ một việc nước bẩn chung cư mà có đến 8 cơ quan tham gia cùng một phó thủ tướng vào cuộc, đủ thấy cách quản lý của ta luộm thuộm đến vô lý. Như vậy, nếu xảy ra vài vụ tương tự lấy đâu ra người đi xử lý?
Trần Trung Chính – Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Đô thị và Phát triển hạ tầng/Người Đô thị