29/11/2019

Bộ TT&TT hướng dẫn các tỉnh, thành phố triển khai thí điểm dịch vụ đô thị thông minh

Nhận định việc triển khai đô thị thông minh là vấn đề mới, cần được thực hiện thành nhiều giai đoạn, Bộ TT&TT vừa có hướng dẫn UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thí điểm dịch vụ đô thị thông minh nhằm tránh đầu tư dàn trải, lãng phí.

Bộ TT&TT khuyến nghị địa phương ưu tiên chọn doanh nghiệp trong nước có năng lực kỹ thuật và tài chính để đồng hành triển khai thí điểm dịch vụ đô thị thông minh (Ảnh minh họa: Internet)

Bộ TT&TT khuyến nghị địa phương ưu tiên chọn doanh nghiệp trong nước có năng lực kỹ thuật và tài chính để đồng hành triển khai thí điểm dịch vụ đô thị thông minh (Ảnh minh họa: Internet)

Bộ TT&TT cho biết, việc thí điểm dịch vụ đô thị thông minh hướng tới mục tiêu triển khai hiệu quả một số dịch vụ trên nền tảng đô thị thông minh; xác định mô hình triển khai thành công để phổ biến, nhân rộng; đồng thời đánh giá được mức độ phù hợp với thực tiễn của các văn bản hướng dẫn, quy định đã ban hành và đề xuất bổ sung, hệ thống hóa, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn, quy định về phát triển dịch vụ đô thị thông minh trong giai đoạn tiếp theo.

Theo đó, trong năm 2020 sẽ triển khai thí điểm Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh; lựa chọn đô thị điển hình của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để triển khai thí điểm. Việc đánh giá bước 1 sẽ được thực hiện vào tháng 6/2020 và đánh giá kết thúc giai đoạn thí điểm vào tháng 12/2020.

Về các dịch vụ đô thị thông minh triển khai thí điểm, theo hướng dẫn của Bộ TT&TT, nhóm các dịch vụ cơ bản gồm: Dịch vụ phản ánh hiện trường (người dân có thể phản ánh mọi vấn đề bất cập của đô thị một cách kịp thời và giúp chính quyền đô thị tiếp nhận, giải quyết các bất cập nhanh chóng, chính xác và hiệu quả; cho phép người dân theo dõi kết quả xử lý phản ánh một cách công khai và minh bạch);  Dịch vụ giám sát, điều hành giao thong (cung cấp thông tin giao thông thời gian thực, giám sát chất lượng dịch vụ giao thông công cộng, điều hành giao thông);

Dịch vụ an ninh trật tự của đô thị ( thông báo, cảnh báo, hỗ trợ xử lý về tình hình an ninh trật tự tại các khu vực trong đô thị); Dịch vụ giám sát thông tin trên môi trường mạng; Dịch vụ giám sát an toàn thông tin.

Ngoài ra, tùy theo điều kiện, nhu cầu của địa phương có thể lựa chọn thêm các dịch vụ nhưng phải bảo đảm tính khả thi, có thể đánh giá sau khi kết thúc thí điểm. “Các dịch vụ cần được xây dựng, tối ưu trên nền tảng thiết bị di động cung cấp cho người dân sử dụng, tham gia vào quản lý đô thị, hưởng thụ các dịch vụ của đô thị thông minh”, Bộ TT&TT lưu ý.

Đối với hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ thí điểm, thiết kế hệ thống theo Khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh do Bộ TT&TT ban hành và tham khảo Hướng dẫn về nền tảng đô thị thông minh.

Để đảm bảo an toàn thông tin mạng, Bộ TT&TT khuyến nghị thực hiện các qui định bảo đảm an toàn thông tin mạng tại Thông tư  03 ngày 24/4/2017; triển khai phương án giám sát an toàn thông tin mạng theo quy định tại Thông tư 31 ngày 15/11/2017, hướng dẫn tại văn bản 2973 ngày 4/9/2019 và xây dựng sẵn sàng phương án ứng phó sự cố an toàn thông tin mạng theo Thông tư 20 ngày 12/9/2017 của Bộ.

Kết thúc thời gian thực hiện thí điểm, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Bộ TT&TT tổng kết, đánh giá kết quả, hiệu quả triển khai thí điểm.

Bên cạnh hướng dẫn các nội dung triển khai thí điểm, Bộ TT&TT cũng hướng dẫn các địa phương về việc tổ chức thí điểm dịch vụ đô thị thông minh. Cụ thể, Bộ TT&TT khuyến nghị Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp chỉ đạo việc triển khai thí điểm, đặt đầu bài phát triển dịch vụ đô thị thông minh để giải quyết những vấn đề cấp thiết phục vụ người dân, đáp ứng mục tiêu quản lý của địa phương; đồng thời cho phép thí điểm các nội dung mới trước khi điều chỉnh cơ chế, chính sách.

Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có nhu cầu thực hiện thí điểm dịch vụ đô thị thông minh cần gửi đăng ký về Bộ TT&TT trước ngày 5/12/2019 để tổng hợp, theo dõi, hỗ trợ triển khai và đánh giá kết quả thí điểm. Các địa phương thực hiện thí điểm được yêu cầu gửi báo cáo tình hình triển khai về Bộ TT&TT trước ngày 5 hàng tháng để theo dõi và hỗ trợ triển khai.

Riêng với việc lựa chọn doanh nghiệp đồng hành, Bộ TT&TT khuyến nghị địa phương ưu tiên chọn doanh nghiệp trong nước có năng lực kỹ thuật và tài chính làm thí điểm bằng chi phí của doanh nghiệp căn cứ theo khoản 3 Điều 6 và khoản 3 Điều 52 Nghị định 73 ngày 5/9/2019 của Chính phủ Quy định quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, bảo đảm hài hòa phát triển đô thị thông minh gắn với phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.

Cũng trong hướng dẫn mới ban hành, Bộ TT&TT khuyến nghị các UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giao Sở TT&TT chủ trì tham mưu, đề xuất, triển khai thí điểm dịch vụ đô thị thông minh và vận hành Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh; điều hành theo ủy quyền của Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

“Đề nghị các UBND tỉnh thành phố trực thuộc trung ương tham gia thí điểm khẩn trương phối hợp với Bộ TT&TT triển khai theo nội dung hướng dẫn trên. Văn bản hướng dẫn này không áp dụng cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã và đang tiến hành đầu tư chính thức cho đô thị thông minh. Trong quá trình triển khai, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các địa phương liên hệ Bộ TT&TT (Cục Tin học hóa) để được hỗ trợ, giải đáp”, hướng dẫn của Bộ TT&TT nêu rõ.

Thời gian qua, triển khai Quyết định 950 ngày 1/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 – 2025 và định hướng đến năm 2030”, Bộ TT&TT đã ban hành Quyết định 829 ngày 31/5/2019 ban hành Khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh phiên bản 1.0 và văn bản 3098 ngày 13/9/2019 về việc công bố Bộ chỉ số đô thị thông minh Việt Nam giai đoạn đến năm 2025 phiên bản 1.0. Trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Quyết định 950 của Thủ tướng Chính phủ và theo chức năng quản lý nhà nước của Bộ.

Vân Anh/ictnews