Không chỉ trồng cây
Sống Foundation tiền thân là dự án Nhà chống lũ. Nếu như Nhà chống lũ tập trung các giải pháp giúp cộng đồng ứng phó với thiên tai như xây nhà an toàn, thì Hạnh Phúc Xanh tập trung vào các giải pháp giảm thiểu tác động của thiên tai như: trồng rừng, trồng cây chức năng chắn sóng chắn gió. Ngoài mục tiêu gia tăng diện tích rừng, Hạnh Phúc Xanh còn đặt mục tiêu gia tăng mật độ cây xanh trong đô thị và tăng sự kết nối giữa con người và con người, con người với tự thiên.
Chương trình Hạnh Phúc Xanh xây dựng tầm nhìn 70 năm từ 2018 – 2088, tập trung vào trồng cây, gây rừng. Hạnh Phúc Xanh bắt đầu triển khai vào năm 2018, cho đến nay đã trồng được 15.600 cây xanh với 1.770 cây xanh trong đô thị tại Hà Nội; 5.100 cây dương liễu chắn sóng tại Hội An. Tháng 9 vừa qua, Hạnh Phúc Xanh đã thí điểm trồng 10.000 cây bần đầu tiên. Một tháng sau khi trồng, Hạnh Phúc Xanh đã tiến hành nghiệm thu rừng bần và nhận được kết quả tỷ lệ sống sót của cây đạt rất cao tới 97.86%.
Hạnh Phúc Xanh từng bước hướng đến xây dựng một chiến lược bền vững với các dự án trồng cây xanh trên khắp Việt Nam trong tương lai. Song song với việc trồng cây của mình, Hạnh Phúc Xanh nhận thấy vấn đề đô thị hóa của các thành phố lớn diễn ra nhanh chóng. Chỉ riêng TP.HCM, mỗi năm đón khoảng hơn 200.000 cư dân mới, đô thị phình to nhưng diện tích đất cho công viên, cây xanh tính trên đầu người thì ngày càng teo tóp.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM tại “Hội thảo quốc tế định hướng quy hoạch và phát triển cây xanh, công viên và chiếu sáng các quận nội thành giai đoạn 2019 – 2025” do UBND TP.HCM tổ chức (14/8/2019), tính đến cuối năm 2018, thành phố có 491,16 ha đất công viên, diện tích đất công viên cây xanh đạt bình quân 0,49 m2/người. Con số này quả còn cách rất xa so với tiêu chuẩn Việt Nam (công viên cây xanh phải đạt 12 – 15 m2/người).
Theo quy hoạch, các khu đô thị mới đều có phần diện tích cho cây xanh tương ứng với chỉ tiêu 7m2/người, tuy vậy, hầu như phần lớn đang trong tình trạng… đất chờ cây. Với tốc độ đầu tư công viên cây xanh như hiện nay (1,54 ha/năm), thì TP. HCM phải mất 6.500 năm nữa mới phủ xanh hết gần 10.000 ha đất công viên còn lại (!)
Hơn nữa, tình trạng thiếu hụt sân chơi ngoài trời cho trẻ là điều cần được quan tâm một cách nghiêm túc. Trẻ em đang ngày càng bị cuốn theo những hình thức giải trí điện tử như mạng xã hội, trò chơi trực tuyến… dẫn đến việc cả ngày chỉ tiếp xúc với thiết bị điện tử, hạn chế giao tiếp thậm chí là với người thân trong gia đình.
Chính vì vậy, Hạnh Phúc Xanh thực hiện dự án xây dựng công viên không chỉ là trồng cây xanh mà còn là xây dựng nên tính cộng đồng từ việc tạo ra không gian vui chơi; sinh hoạt động đồng dân cư từ nhiều độ tuổi được gắn kết cùng nhau, đặc biệt là tạo được không gian cho trẻ vui chơi.
Công viên có diện mạo mới mang tên Hạnh Phúc Xanh
Từ một công viên bị lãng quên chưa có người chăm sóc quản lý, với bàn tay thiết kế tài hoa của Kiến trúc sư – Đồng Viết Ngọc Bảo đến từ Công ty LAVA, một công ty có nhiều giải thưởng về thiết kế mà gần đây nhất đó chính là chiến thắng từ cuộc thi thiết kế Công viên 23/9 tại TP.HCM, ngoài ra còn nhiều công trình, hạng mục khác được đánh giá cao ở trong nước và nước ngoài. Anh Bảo là người trực tiếp lên ý tưởng và thiết kế, anh đã biến công viên với diện tích 1.354m2 này thành một nơi có thể gắn kết được cộng đồng với ngôn ngữ thiết kế mềm mại. Trải qua quá trình khảo sát nhu cầu đến việc lấy ý kiến phía người dân, chính quyền địa phương nơi đây, bản thiết kế công viên được hoàn thiện với các tiêu chí: Xanh – Mở – Đa năng.
Xanh – Xanh là bởi công viên sẽ trồng tăng thêm cây xanh đô thị; Thiết kế thành những hàng rào barie, che chắn cho trẻ khỏi những nguy hiểm của giao thông ở gần công viên. Việc trồng thêm những cây xanh này sẽ giúp cho công viên sẽ trở nên trong lành hơn.
Mở – ở đây đó chính là một công viên có thể mở cửa cho tất cả mọi người, không phân biệt giới tính, độ tuổi, nơi ở. Một công viên Hạnh Phúc Xanh được xây dựng nên để gắn kết các cộng đồng với nhau. Không chỉ có Xanh – Mở mà còn Đa năng.
Với thiết kế của mình, KTS Đồng Viết Ngọc Bảo đã chia công viên thành 3 phần chính là: Khu tập dưỡng sinh cho người lớn; Khu sân thể thao; Khu vui chơi của thiếu nhi. Đây chính là điều đặc biệt tạo nên sự kết nối cộng đồng, công viên được xây dựng lên đáp ứng được nhu cầu đông đảo của người dân. Khu thể thao với diện tích chỉ 455m2 có thể tích hợp nhiều trò chơi như: Cầu lông; Bóng rổ; Bóng chuyền; Đá bóng; Trượt ván, được chia thành những khung giờ buổi sáng và buổi tối phù hợp với đối tượng người sử dụng.
Ngoài ra, khu vực vui chơi dành cho trẻ được thiết kế bởi Think Playground (Nghĩ về sân chơi trong phố) được biết đến với nhiều hạng mục xây dựng khu chơi dành cho trẻ em ở đồng bằng, miền núi và thành thị. Đối với công viên Hạnh Phúc Xanh, Think Playground thiết kế trò chơi vật liệu bằng gỗ; vỏ lốp ô tô… sử dụng vật liệu tái chế, thân thiện với môi trường như trò chơi nhà cây cầu trượt; Bập bênh lốp; Cầu treo… đây sẽ khu vực đáp ứng được nhu cầu chơi cho trẻ vô cùng thiết thực.
Tất cả những điều trên sẽ tạo nên một công viên Hạnh Phúc Xanh được nhiều người biết đến, trở thành lựa chọn tốt nhất cho mọi người để nghỉ ngơi, thư giãn và giải trí. Và mô hình công viên này cũng sẽ trở thành một hình mẫu để khu vực khác có thể học hỏi bởi sự hiện đại: Xanh – Mở và Đa năng của nó.