Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Bộ môn Kiến trúc dân dụng
Tháng 10 năm 1959, Bộ môn Kiến trúc thuộc Khoa Xây dựng tại Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội được thành lập. Đó chính là tiền thân của Bộ môn Kiến trúc Dân dụng thuộc Khoa Kiến trúc và Quy hoạch tại Trường Đại học Xây dựng ngày nay. Ngày 01/11/2019, Bộ môn Kiến trúc Dân dụng đã kỷ niệm 60 năm thành lập và phát triển. Buổi lễ diễn ra trong bầu không khí trang trọng và đầy cảm xúc, với sự tham gia của các thế hệ giảng viên đã và đang công tác tại Bộ môn, các cộng tác viên qua nhiều thời kỳ, nhiều đối tác thân thiết trong và ngoài nước, bên cạnh lãnh đạo Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Trường, Khoa và các Bộ môn trong Khoa. Lúc 7h30, toàn thể giảng viên Bộ môn đã làm lễ dâng hoa trước bức tượng của GS. TS. NGND Nguyễn Sanh Dạn – Trưởng Bộ môn đầu tiên.
Buổi lễ ngày 01/11 là điểm nhấn và kết thúc một chuỗi hoạt động trong ba tháng 08, 09 và 10/2019 hướng tới kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Bộ môn, bao gồm phát động cuộc thi, chấm giải, triển lãm và trao giải cuộc thi “Sáng tạo không gian 2019 – Thư viện mi-ni”, phát hành kỷ yếu hội thảo chuyên đề “Thiết kế Kiến trúc từ Lý thuyết đến Thực tiễn trong Bối cảnh cuộc Cách mạng 4.0”. Cuộc thi “Sáng tạo không gian 2019 – Thư viện mi-ni” là hoạt động thường niên lần thứ ba mà Bộ môn – thông qua Quỹ Đào tạo Kiến trúc sư (FAT) của Bộ môn tổ chức – cho sinh viên ngành kiến trúc cả nước, thu hút 102 phương án dự thi từ 13 cơ sở đào tạo kiến trúc sư cả ba miền, với sự tiến bộ vượt bậc cả về số lượng cũng như chất lượng so với hai lần tổ chức trước. Đã có 65 phương án được chọn vào vòng chung khảo và 06 giải thưởng chính thức cùng 08 giải thưởng riêng của các nhà tài trợ được trao cho các bài dự thi xuất sắc nhất. Những phương án đạt giải thưởng này được trưng bày tại sảnh nhà H3 – địa điểm diễn ra lễ kỷ niệm. Một phóng sự tổng hợp về cuộc thi cũng được chiếu xen kẽ trong chương trình kỷ niệm, với điểm nhấn là các phương án đạt giải cao.
Lễ kỷ niệm bao gồm hai phần
Phần 1 diễn ra từ 08h45 đến 10h15 dành cho Hội thảo chuyên đề “Thiết kế Kiến trúc từ Lý thuyết đến Thực tiễn trong Bối cảnh cuộc Cách mạng 4.0” với 04 bài tham luận được lựa chọn từ 26 bài gửi đến cho Ban Tổ chức. Bốn diễn giả lần lượt trình bày là:
Diễn giả số 1: GS. TS. KTS Doãn Minh Khôi đến từ Viện Quy hoạch và Kiến trúc Đô thị (UAI) luận bàn về văn hóa như cội rễ của kiến trúc, là yếu tố góp phần định hình nên bản sắc của kiến trúc của mỗi địa phương, do đó cần được đề cao trong bối cảnh kiến trúc đang chịu tác động sâu sắc của quá trình toàn cầu hóa và hiện đại hóa cao độ, dẫn đến nguy cơ phai nhạt bản sắc, thiếu yếu tố nhận diện và trông “hao hao giống nhau” giữa các vùng – miền. Với quan điểm đó, tầm quan trọng của văn hóa trong kiến trúc cần được khẳng định bằng nhiều cách, trong đó có việc đưa nghiên cứu văn hóa vào chương trình giảng dạy và đào tạo sinh viên tại các trường đại học có mở chuyên ngành đào tạo kiến trúc là hết sức cần thiết, qua các môn học cụ thể như “Kiến trúc Bản địa” và rèn luyện kỹ năng và nâng cao hiểu biết về văn hóa trong kiến trúc qua các đồ án có liên quan;
Diễn giả số 2: ThS. KTS. Nguyễn Huy Khanh đến từ Tổng Công ty Tư vấn Xây dựng Việt Nam (VNCC) chia sẻ quan điểm về thiết kế kiến trúc trong dòng chảy kỹ thuật số như một xu thế tất yếu ngày nay, khi ngành công nghiệp xây dựng chuyển mình mạnh mẽ dưới tác động của công nghệ mới tiên tiến, nhất là công nghệ thông tin có nhiều ứng dụng rất nhanh chóng và tác động sâu sắc, đòi hỏi công tác thiết kế cũng phải có sự đổi mới tương ứng nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Các công trình đa chức năng, phức hợp về kỹ thuật và đòi hỏi cao về chất lượng, thẩm mỹ, tính thân thiện – bền vững về môi trường và tính trải nghiệm về cảm xúc cho người sử dụng. Bên cạnh đó, những yêu cầu về tiêu chuẩn, quy chuẩn, tiến độ, vận hành, … cũng ngày một khắt khe. Tích hợp thiết kế được đặt ra như một vấn đề cấp bách. Các họ phần mềm thiết kế đã phát triển từ “riêng biệt” thành “liên kết” và “tương thích”, khiến quá trình thiết kế trở thành một chu trình liền mạch và thông suốt, việc chuyển tiếp, trích xuất, kiểm tra, … đều dễ dàng và thuận tiện. BIM (Mô hình hóa thông tin công trình xây dựng) đang là xu hướng chủ đạo hiện nay, do chứng tỏ tính ưu việt vượt trội trong toàn bộ mọi khâu thiết kế, kết hợp với mô phỏng hình khối cũng như lớp vỏ trên máy tính là một công cụ hỗ trợ đắc lực cho việc thiết kế ý tưởng, mở ra nhiều cơ hội cho kiến trúc sư thể hiện năng lực sáng tạo gần như không giới hạn.
Diễn giả số 3: TS. KTS Ngô Lê Minh đến từ Khoa Xây dựng Dân dụng thuộc Đại học Tôn Đức Thắng phân tích khả năng triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và học theo phương tiện điện tử (e-learning) trong giáo dục đại học như một lĩnh vực đầy hứa hẹn. Theo xu thế chung, giáo dục đại học trên thế giới đang đổi mới mạnh mẽ và sâu rộng, không chỉ về nội dung mà còn cả về phương pháp – phương tiện và Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Riêng về khía cạnh phương pháp – phương tiện giáo dục, công nghệ thông tin đã hỗ trợ đắc lực cả người dạy và người học, khiến họ hoàn toàn chủ động và linh hoạt. Sinh viên có thể học mọi nơi và mọi lúc trong khi giảng viên liên tục cập nhật bài giảng và kiểm tra, đánh giá năng lực của sinh viên chính xác và nhanh chóng, quản lý dữ liệu hiệu quả. Khả năng lưu trữ và chuyển tải thông tin qua dịch vụ Google Drive đã khắc phục được những hạn chế mà các hệ thống trước đây thường gặp phải. Đây thực sự là một cuộc cách mạng trong giáo dục đại học và là một bước đi phù hợp để giáo dục đại học Việt Nam tiếp cận với trình độ quốc tế.
Diễn giả số 4: PGS. TS. Vũ Hồng Cương đến từ Khoa Nội thất và Mỹ thuật Công nghiệp thuộc Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội hướng tới mô hình căn hộ nén với nội thất giản tiện và nâng cao tính linh hoạt trong không gian nhà ở xã hội là hai mô hình nhà ở đang được quan tâm nghiên cứu nhiều tại Việt Nam. Bốn nguyên tắc đã được tổng kết đối với mô hình căn hộ nén là 1. Đồ đạc có kích thước tối thiểu để phù hợp với không gian nhỏ hẹp; 2. Tính linh hoạt cao và tích hợp chức năng đồ đạc để tối đa hóa hiệu quả sử dụng; 3. Sử dụng chính đồ đạc để ngăn chia không gian thay cho tường/vách và 4. Sử dụng vật liệu thân thiện – tái chế. Còn đối với mô hình nhà ở xã hội, cần áp dụng đồng bộ năm giải pháp: 1. Về phân khu chức năng với ba cụm không gian riêng, không gian sinh hoạt chung và không gian phụ trợ tập trung; 2. Về chuyển đổi chức năng với không gian phụ trợ mang tính chất cố định, còn các không gian khác mang tính chất linh hoạt; 3. Về tổ chức không gian kỹ thuật cần theo mô hình tập trung đường dây – đường ống với sàn/trần/hộp kỹ thuật; 4. Về tổ chức không gian chuyển tiếp cần tận dụng chiều cao tầng với cây xanh, thông gió và chiếu sáng tự nhiên để tăng cường mối liên hệ không gian trong – ngoài nhà và 5. Về tính hệ thống của không gian cần tuân thủ sự đồng bộ từ đồ đạc đến phòng, từ phòng đến căn hộ, từ căn hộ đến tầng và từ tầng đến toàn nhà. Hai lĩnh vực này hoàn toàn có thể được tiêu chuẩn hóa, ứng dụng công nghệ thiết kế mới theo xu thế 4.0.
Phần 2 diễn ra từ 10h30 đến 11h30 là Lễ kỷ niệm, với sự tham gia của Lãnh đạo Trường, Đại diện các Phòng/Ban trong Trường, Ban chủ nhiệm Khoa, các Trưởng/Phó Trưởng Bộ môn trong Khoa, Lãnh đạo Hội Kiến trúc sư Việt Nam, nhiều chuyên gia và khách mời trong và ngoài Trường. Sau một bộ phim ngắn có tiêu đề “Trở về Quá khứ” là một bài diễn văn ngắn gọn song đầy cảm xúc của ThS. KTS Doãn Thế Trung – Trưởng Bộ môn, ôn lại chặng đường 60 năm hình thành và phát triển của Bộ môn, trải qua nhiều khó khăn, gian khổ và thử thách, trong mọi hoàn cảnh và điều kiện luôn phấn đấu vươn lên, đảm nhận vai trò là đầu tàu của Khoa, đạt được những thành tích đáng tự hào, được các tổ chức chuyên môn đánh giá cao và xã hội ghi nhận. Bộ môn tiếp nối truyền thống và coi đó là hành trang để vững bước vào tương lai, với vốn quý nhất là con người, lòng đam mê nghề nghiệp được hun đúc, năng lực sáng tạo được khơi dậy và sức mạnh đoàn kết của cả một tập thể lớn được phát huy. Bộ môn cũng ý thức được tầm quan trọng của công tác đổi mới giảng dạy gắn liền với thực tiễn, tăng cường nghiên cứu khoa học và đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm nâng cao vị thế của Bộ môn, đóng góp vào việc xây dựng Khoa ngày một vững mạnh và củng cố thêm danh tiếng của Trường. PGS. TS. Phạm Duy Hòa – Hiệu trưởng, thay mặt Trường Đại học Xây dựng và PGS. TS. Phạm Hùng Cường – Trưởng Khoa, thay mặt Khoa Kiến trúc và Quy hoạch đã phát biểu, ghi nhận những đóng góp quan trọng của Bộ môn Kiến trúc Dân dụng trong suốt 60 năm qua. Đó là sự động viên và khích lệ lớn lao về mặt tinh thần đối với toàn thể cán bộ trong Bộ môn trên chặng đường mới ở phía trước. Nhân dịp này, Bộ môn cũng vinh dự đón nhận bằng khen của Hội Kiến trúc sư Việt Nam do Chủ tịch Hội – KTS Nguyễn Tấn Vạn – trực tiếp trao tặng vì những thành tích nổi bật của Bộ môn trong các hoạt động nghề nghiệp.
Chương trình được tiếp nối với sự chia sẻ những kỷ niệm của một số thầy giáo đã từng gắn bó lâu năm và có nhiều tình cảm sâu sắc với Bộ môn, một màn tự giới thiệu độc đáo về 27 giảng viên hiện đang công tác tại Bộ môn, mỗi thành viên chọn hai từ – không trùng lặp nhau – để nói về Bộ môn và kết thúc là phần chụp ảnh lưu niệm.
Chương trình kỷ niệm 60 năm thành lập Bộ môn Kiến trúc Dân dụng được tổ chức trọng thể, thân tình và đầy ý nghĩa, là một cơ hội gặp gỡ tuyệt vời, là nơi gửi gắm niềm tin của thế hệ đi trước đến thế hệ đi sau và cũng là dịp tri ân của thế hệ đi sau tới thế hệ đi trước.
Quỳnh Trang/Tạp chí Kiến trúc